Bộ NN&PTNT họp khẩn “cứu” nông sản giữa “bão” virus corona | |
Hải quan Lào Cai tăng cường kiểm soát động, sản phẩm động vật nhập từ Trung Quốc | |
Bình Dương đề xuất cho người lao động nghỉ 14 ngày để tránh dịch Corona |
Nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã kịp chuyển hướng sản xuất để giảm thiệt hại gây ra từ dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona. Ảnh: Nguyễn Thanh |
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, tác động hủy đơn hàng với mặt hàng thủy sản do dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chưa có, nhưng xảy ra tình trạng chậm đơn hàng. Các đối tác hứa ngày 16/2 mới bắt đầu nhận hàng.
Bên cạnh đó, một số hãng tàu biển lớn ngưng nhận các container hàng chở đi Trung Quốc. Các khách hàng lớn Nhật Bản đề nghị không đưa hàng qua Trung Quốc. Đối với EU, Mỹ, đầu năm họ sang đánh giá nhà máy, thăm nhà máy nhưng hiện nay ngưng hết. Một số khách hàng không sang, đánh giá từ xa.
Ông Nam thông tin thêm: Những doanh nghiệp có xuất khẩu sang Trung Quốc sản lượng lớn, hiện đang tồn kho, chi phí tồn kho lớn, khoảng 0,9-1,1 USD/pallet.
Nhận định có nhiều rủi ro, song giữa cơn “bão” mang tên Corona, ông Nam nhận định cũng có một số cơ hội.
"Trước hết là cơ hội tranh thủ thúc đẩy sản xuất. Những nhà làm ăn chân chính tại Việt Nam có thể chuẩn bị hàng đồ hộp, đông lạnh. Những sự kiện như thế này sau 3-5 tháng, sự điều chỉnh văn hóa tiêu dùng rõ rệt, không ăn sống nhiều, hàng tươi sẽ ít đi, nhưng hàng đồ hộp, đông lạnh sẽ có nhu cầu lớn", ông Nam nói.
Cơ hội thứ hai, một số ngành Trung Quốc đang cạnh tranh với Việt Nam như cá ngừ (Trung Quốc là 1 trong 5 nước bán cá ngừ lớn), hiện nay các nước không mua cá ngừ Trung Quốc nên giá giảm sâu. Các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam đang coi đây là cơ hội đối với các nguồn tiêu thụ khác, gia tăng thị phần, giá cả.
Xung quanh câu chuyện ứng phó với tình trạng xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc khó khăn do dịch bệnh từ virus Corona, ông Nguyễn Tôn Quyền, ủy viên Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay: Ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona, những lô hàng xuất khẩu dăm gỗ sang Trung Quốc ngay lập tức giảm mạnh.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng, đây là cơ hội cho ngành chế biến, xuất khẩu gỗ bởi xuất khẩu dăm gỗ mang lại giá trị không cao, không phát triển bền vững vốn rừng. Tới đây, khi xuất khẩu dăm gỗ giảm sẽ bổ sung nguồn nguyên liệu gỗ trong nước để sản xuất ván nhân tạo, tạo ra giá trị gia tăng cao”, ông Quyền nói.
Ông Quyền thông tin thêm: Trong 2 tuần qua, nhiều doanh nghiệp của ngành gỗ đã chuyển hướng, đã có 3 - 4 doanh nghiệp chuyên làm dăm xuất khẩu mua thiết bị sản xuất gỗ ván ép, gỗ nhiên liệu.
Trái ngược với ngành hàng lâm, thủy sản, rau quả là ngành phải đối mặt nhiều khó khăn hơn cả do tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam: Dịch viêm phổi cấp do virus Corona ngay lập tức đã tác động mạnh đến giá nhiều loại nông sản, cụ thể là trái cây.
Đơn cử như sầu riêng, trước Tết giá đạt 70.000 đồng/kg, nay chỉ còn 40.000 đồng/kg; thanh long chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg, cá biệt có nơi giá dưa hấu chỉ còn 1.000 đồng/kg.
Có thể nói, nhóm doanh nghiệp xuất khẩu trái cây đi Trung Quốc đã bị tê liệt do ảnh hưởng của dịch cúm Vũ Hán. Các thương lái đặt mua ở vựa để xuất khẩu sang Trung Quốc phục vụ Rằm tháng Giêng đã đặt cọc thì cũng bỏ luôn do giá xuống quá thấp.
“Dịch bệnh do virus corona không biết bao giờ mới chấm dứt, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào các thị trường khác; quy hoạch vùng trồng, làm tốt công tác bảo quản; riêng Bộ Công Thương hỗ trợ tiền điện cho những đơn vị tham gia bảo quản trái cây để vượt qua khó khăn trong giai đoạn này”, ông Tùng nhấn mạnh.