>> 'Không sợ mất lòng'
>> Những cái bắt tay siết chặt
“Tổng tấn công” giải ngân
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quả quyết, “dịch bệnh không phải để làm chúng ta gục ngã, mà để chúng ta vượt qua và chiến thắng”. Chính phủ giữ vững khí thế đồng loạt ra quân đúng như cam kết của Thủ tướng tại nghị trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra hồi tháng 6.
Ra quyết sách “tổng tấn công” giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ: “Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và các dự án quan trọng, cấp bách khác có tính lan tỏa cao, kết nối vùng, miền”.
Cả Chính phủ lên đường đến công trường, trong đó, người đứng đầu Chính phủ thực địa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và lần thứ 3, ông đến kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Trên công trường, Thủ tướng ra chỉ đạo tháo gỡ từng nút thắt, chốt lại từng thời điểm cho từng hạng mục và nối vòng tay giữa lãnh đạo địa phương, chủ đầu tư dự án, các bộ, ngành thành vòng tròn gắn kết, gia tốc cho “bánh xe” công trình lao về đích.
Thực địa dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành cùng hỗ trợ tỉnh để cơ bản trong năm 2020 phải xong mặt bằng, có đất sạch 5.000ha. Còn công trường dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, trong vòng hơn một năm, sau 3 lần Thủ tướng đến kiểm tra, khối lượng công việc hoàn thành đã tăng gấp 4 lần so với tiến độ thi công trong suốt 10 năm, tính từ thời điểm dự án khởi công lần đầu. Chỉ tính riêng thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có mặt hồi tháng 3/2020, khi ông trở lại vào ngày 31/7/2020, sau 4 tháng, khối lượng thực hiện đã được đẩy tăng từ 40% lên gần 60% (tăng 20%), bất chấp điều kiện bất lợi của thời tiết mùa mưa Nam Bộ. Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận tự tin báo cáo Thủ tướng kế hoạch thông tuyến vào cuối năm 2020, đảm bảo đúng như kỳ vọng của Chính phủ.
Xông pha như thời chiến
“Tổng tấn công” vào lĩnh vực giải ngân đầu tư công là con đường khó nhất nhưng ngắn nhất để thúc GDP bật dậy. Ngắn nhất là bởi với khoảng 28 tỷ USD được giải ngân sẽ giúp ngay lập tức GDP tăng thêm, thêm các công trình mới mọc lên, thêm nhiều việc làm trong bối cảnh “khát” việc thời hậu dịch. Tiền đã sẵn có, lại dồi dào như vậy, chỉ việc móc trong túi ra tiêu thật lực, đẩy bật cả nền kinh tế lên.
Khó nhất là bởi ngoài nỗi sợ của lãnh đạo nhiều địa phương về “một ngày đẹp trời”, còn là không khí “mùa nhân sự”, “mùa của hoàng hôn”, khiến tiền giải ngân càng khó mà “mọc chân” để ra ngoài xã hội.
Một loạt lãnh đạo các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên trong cuộc họp với Thủ tướng vào hồi cuối tháng 7 bày tỏ rằng rất muốn bứt phá, đổi mới, nhưng lo “biết đâu bỗng nhiên có một ngày đẹp trời và… rất tội cho anh em”, ý kiến của ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngay tại nơi được xem năng động nhất cả nước là TP. Hồ Chí Minh cũng như đang co lại vì sợ sai khi thời gian qua, một số lãnh đạo thành phố bị xử lý sai phạm.
Thủ tướng nói, “giờ là lúc cần hơn bao giờ hết tinh thần dũng cảm vì nước, vì dân xông pha như trong thời chiến, như những người lính khi cầm súng, không còn nghĩ đến bản thân, chỉ có một lý tưởng duy nhất là độc lập, tự do và hòa bình cho Tổ quốc”. Ông cũng khẳng định, “nếu bản thân trong sạch, hành động chỉ nghĩ đến lợi ích của quốc gia, dân tộc, thì không lo thấy “tội” trong một ngày đẹp trời. Điều đáng lo là bản thân có còn sức chiến đấu? Có còn cháy bỏng tình cảm và trách nhiệm với nhân dân?”.
Đáp lại cho câu hỏi này của Thủ tướng, nhiều nơi đang khí thế xông pha như thời chiến. Tại Tiền Giang, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ qua 6 tháng đã lên tới trên 80%, Nghệ An trên 60%. Ngay cả địa phương miền núi như Lai Châu cũng đã vươn lên đứng thứ 10 trong cả nước về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công...
Đoàn Trần