Tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Liên bang Nga diễn ra sáng nay (16/10) tại Hà Nội, thay mặt cho cộng đồng DN Việt Nam, ông Phạm Gia Túc - Phó Chủ tịch VCCI đưa ra 6 khó khăn, vướng mắc mà DN Việt Nam thường gặp phải khi kinh doanh với đối tác Nga.
Ông Túc cho biết, kết quả khảo sát ý kiến DN của VCCI cho thấy,chưa nhiều DNNVV của Việt Nam đầu tư kinh doanh tại Nga bởi những khó khăn thường gặp như:
Thứ nhất, khó tiếp cận đầu mối cung cấp thông tin thị trường, vùng kinh tế ngành hàng…
Thứ hai, khó tiếp cận thông tin cụ thể, chi tiết và hướng dẫn cụ thể những quy định về hải quan, vệ sinh an toàn thực phẩm, quy định về nguồn gốc xuất xứ hàng nhập khẩu,…
Thứ ba, phương thức thanh toán chưa thuận lợi do phần lớn DNNVV của Nga giữ thói quen thanh toán trực tiếp, ít DN thực hiện thanh toán theo phương thức L/C.
Thứ tư, khó khăn trong việc đặt quan hệ hợp tác lâu dài với đối tác Nga do khách hàng hay thay đổi hoặc nhu cầu của đối tác không ổn định.
Thứ năm, cũng như tất cả các nước khác, Nga áp dụng các rào cản thương mại và phi thương mại nhằm hạn chế hàng nhập khẩu vào trong nước. Ví dụ như các yêu cầu về kỹ thuật của chất lượng cao su tự nhiên, thủy sản…
Thứ sáu, thủ tục xin cấp thị thực vào Nga còn phức tạp, chi phí cao, thời hạn thị thực ngắn.
Ông Túc cũng cho biết, VCCI đã có những hoạt động thiết thực nhằm tháo gỡ những khó khăn trên : Thành lập Hội đồng DN Việt Nga do VCCI là đầu mối cung vấp thông tin hữu ích về chính sách thương mại, đầu tư phục vụ cộng đồng DN Việt Nam và Liên Bang Nga;
VCCI và Hội đồng DN Việt Nga hỗ trợ cộng đồng DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa sang khu vực Siberi và các vùng kinh tế trọng điểm của Nga;
Nhiều vùng kinh tế trọng điểm của Nga như: Novosibirsk, Sakhalin, Primorsky và khu tự trị Do Thái đã làm việc với VCCI và ký thỏa thuận hợp tác nhằm hỗ trợ cộng đồng DN các vùng kinh tế này hợp tác phát triển kinh doanh với các DN Việt Nam;
VCCI đã ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Tư pháp Nga nhằm hỗ trợ DN Việt Nam thuận lợi hơn trong kinh doanh và đầu tư tại Nga, đặc biệt là hỗ trợ tư cách pháp nhân, thành lập DN và văn phòng đại diện tại Nga…
Nhân dịp này, VCCI kiến nghị Chính phủ hai nước có các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thiết thực và hiệu quả hơn./.
Năm 2012, tổng kim ngạch thương mại song phương Việt Nga là 3663,6 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 119,6%. 7 tháng đầu năm 2013, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước là 2179,4 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng 101,7%. (Số liệu của Cơ quan Hải quan Nga ) |
Uyên Linh