Trình diễn thả Đèn nước và ghe Cà Hâu được tổ chức thực hiện trong Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu khai mạc, ông Sơn Pô, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Sóc Trăng cho biết, nghi lễ thả Đèn nước gắn liền với Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo truyền thống của người Khmer, là loại hình tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp lúa nước, thông qua nghi lễ người Khmer muốn bày tỏ lòng tri ân đối với thiên nhiên, cầu xin sự tha thứ vì đã làm tổn hại đến đất, nước, đến môi trường xung quanh.
Bên cạnh đó, trình diễn Thả đèn nước và ghe Cà Hâu nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer, bảo vệ môi trường sống.
Qua đó còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thực hiện chính sách dân tộc, phát huy tiềm năng thế mạnh của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gắn với chủ trương phát triển kinh tế, văn hóa và an sinh xã hội của địa phương.
Ông Sơn Pô cũng cho biết thêm, hoạt động trình diễn thả Đèn nước và ghe Cà Hâu năm nay được triển khai từ kế hoạch thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” năm 2024, với tổng kinh phí hỗ trợ là 3,2 tỉ đồng.
Trong đó, hỗ trợ phục dựng thả Đèn nước là 960 triệu đồng; hỗ trợ phục dựng 4 ghe Cà Hâu với số tiền gần 750 triệu đồng và hỗ trợ đóng mới ghe Cà Hâu để Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng phục vụ trưng bày với số tiền là gần 1,5 tỉ đồng.
Trình diễn thả Đèn nước và ghe Cà Hâu năm nay có thêm những chiếc hoa đăng tạo thêm nhiều màu sắc độc đáo, góp phần làm cho các hoạt động trong Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo tỉnh Sóc Trăng, năm 2024 thêm phần náo nhiệt, phong phú, đa dạng.
Bên cạnh đó, còn là dịp để quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người vùng đất Sóc Trăng với nhiều di sản văn hóa, lễ hội truyền thống độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa đến với du khách và nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Ông Trần Văn Út, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng chia sẻ, chương trình trình diễn thả Đèn nước và ghe Cà Hâu là hoạt động được tổ chức hằng năm nhằm phục vụ nhân dân và du khách đến với Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe Ngo truyền thống của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng.
Đây là 1 trong 2 sự kiện quan trọng thu hút đông đảo người dân và du khách trong và ngoài tỉnh đến xem và cổ vũ, chỉ sau Hội đua ghe Ngo.
Năm nay, quy mô trình diễn thu hút 20 chiếc Đèn nước và 4 ghe Cà Hâu đến từ các chùa Khmer thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng tham dự.
Mỗi chiếc Đèn nước được thiết kế tinh tế, đường nét hoa văn sắc sảo, trang trí đèn led lộng lẫy, rực rỡ màu sắc, mỗi đèn tượng trưng cho mô hình ngôi chánh điện chùa Khmer của địa phương mình.
Cùng với đó, hơn 200 chiếc hoa đăng được thả lung linh giữa dòng sông thơ mộng trong đêm trình diễn để phục vụ người dân và du khách.
Thả Đèn nước và ghe Cà Hâu là hoạt động nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh nhà giới thiệu với khách tham quan các phong tục, tập quán, nghi lễ truyền thống tốt đẹp của đồng bào Khmer Sóc Trăng.
Trong chương trình khai mạc, người dân và du khách đã được xem trình chiếu phóng sự phục dựng lễ hội Thả đèn nước và ghe Cà Hâu. Các đơn vị tiến hành thả Đèn nước, trình diễn ghe Cà Hâu và thả đèn Hoa đăng xuống mặt nước trên dòng sông Maspérô đoạn giữa cầu C247 (cầu Quay) và cầu 30/4 (cầu Cao), Phường 1 và Phường 6, TP Sóc Trăng.
Theo BTC, các Đèn nước và ghe Cà Hâu hoạt động đến này 14.11 (vào các buổi tối), để phục vụ người dân và khách du lịch tham quan, trải nghiệm Lễ hội.