【cúp c2 uefa europa league】Căng thẳng cuộc đua vào lớp 10, thí sinh đăng ký thi nhiều trường chuyên
Thi nhiều trường để an toàn
Năm nay, phần lớn các trường THPT chuyên tại Hà Nội đều có tỉ lệ chọi rất cao hơn so với năm ngoái. Đơn cử, năm học 2018-2019, chỉ tiêu của trường THPT chuyên Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) khoảng 450 nhưng lượng hồ sơ đăng ký khoảng hơn 3.000, tăng gần 1.000 hồ sơ so với năm ngoái. Tương tự, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm là 530 học sinh, trong đó chỉ tiêu của hệ chuyên là 350 và 180 em hệ cận chuyên. Tuy nhiên, lượng học sinh đăng ký dự thi lên tới 7.400 em, tăng 2.000 em so với năm trước.
Từ khi con trai đầu lên lớp 9, chị Nguyễn Thị Giang (Cầu Giấy- Hà Nội) luôn tranh thủ thời gian nghỉ trưa ở công ty để về nhà chuẩn bị bữa trưa và đưa con trai đi học thêm. “Thời gian học chính khóa và học thêm của con dày đặc nên bố mẹ cũng phải tranh thủ thời gian đưa đón để con đỡ vất vả”, chị Giang cho biết.
Để có một vé vào lớp 10, con trai chị Giang đã đăng ký nguyện vọng vào trường THPT Đống Đa và đăng ký thi vào trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành. Chị Giang chia sẻ: “Lực học của con khá tốt nhưng năm nay tỉ lệ chọi cao, nên gia đình vẫn phải mua hồ sơ để đăng ký nguyện vọng vào vài trường dân lập nữa. Nếu con không vượt qua được kỳ thi vào trường chuyên và trường công lập thì vẫn còn suất học ở trường dân lập”.
Đối với nhiều gia đình việc cho con đăng ký vào trường chuyên là giải pháp an toàn để con có thêm cơ hội vào lớp 10. Do đó, ngoài kỳ thi vào lớp 10 đại trà, nhiều học sinh đã đăng ký thi vào 2 trường chuyên, thậm chí là 3 trường chuyên của Hà Nội. Chị Nguyễn Thị Vân (Cầu Giấy- Hà Nội) chia sẻ: “Ngoài việc đăng ký thi vào trường THPT Cầu Giấy, con tôi còn đăng ký thi vào 3 trường chuyên là trường THPT Khoa học Giáo dục (trường Đại học Giáo dục), trường THPT chuyên Đại học Sư phạm và trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm nay, số lượng thí sinh đông và tỉ lệ ảo nhiều nên gia đình tôi cho con thi thêm 3 trường, vừa để con trải nghiệm cũng để đảm bảo an toàn có một suất học vào lớp 10”.
10.000 học sinh không đăng ký vào trường công
Bên cạnh những thí sinh đang căng thẳng với kỳ thi vào lớp 10 của các trường chuyên, trường công lập, thì vẫn có những học sinh yên tâm nghỉ hè sau khi kết thúc năm học, do các em đã lựa chọn phương án xét tuyển vào các trường ngoài công lập, trường tự chủ tài chính.
Bởi năm học 2018-2019, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép các trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính sẽ lựa chọn 1 trong 2 phương án, cụ thể: Tuyển sinh bằng kết quả của kỳ thi chung; Xét tuyển bằng kết quả học tập của học sinh ở cấp THCS, tức là học sinh không cần tham dự kỳ thi tuyển vào lớp 10. Việc này cũng đã góp phần giảm bớt gánh nặng thi cử đối với học sinh và phụ huynh.
Theo kết quả thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố ngày 29/5, Hà Nội có gần 104.000 học sinh tốt nghiệp THCS (tăng 22.000 học sinh so với năm ngoái) nhưng chỉ có 94.000 em đăng ký dự thi vào lớp 10. Theo đó, Hà Nội có khoảng 10.000 học sinh tốt nghiệp THCS không đăng ký dự thi vào lớp 10.
Ông Phạm Quốc Toản, Phó trưởng Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) cho biết: “Việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho phép trường THPT tự chủ tài chính, trường ngoài công lập có thể xét tuyển học bạ THCS nên nhiều học sinh không đăng kí dự thi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10”.
Như vậy, tỉ lệ chọi ở khối các trường công lập cũng sẽ giảm, áp lực thi đối với học sinh thi các trường công lập cũng sẽ giảm đi phần nào. Bên cạnh đó, để đáp ứng chỗ học cho học sinh THPT, Hà Nội đã thành lập mới 7 trường THPT và đầu tư 92 tỷ đồng để cải tạo các trường THPT xuống cấp.