(CMO) Những năm trước, bệnh sốt xuất huyết (SXH) thường gia tăng mạnh trong mùa mưa. Thế nhưng, thời gian gần đây, bệnh SXH xuất hiện quanh năm, hầu như tháng nào cũng ghi nhận vài chục ca bệnh trên địa bàn tỉnh. Bệnh diễn biến vô cùng phức tạp, không chỉ riêng trẻ em mà người lớn cũng không tránh khỏi.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 149 ca SXH, giảm 78,8% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở huyện Trần Văn Thời 81 ca (cùng kỳ 300 ca), trong đó tử vong 1 ca (tại huyện Trần Văn Thời), so với cùng kỳ không có tử vong.
Tự điều trị, gây khó cho bác sĩ
Theo BSCKII Lê Ngọc Định, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, sở dĩ SXH gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân là do một số người, nhất là người dân vùng nông thôn có thói quen chứa nước vào mùa mưa và không dọn dẹp các các vật dụng phế thải, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi đẻ trứng. Ngoài ra, có người còn nhầm lẫn giữa SXH với sốt siêu vi và sốt phát ban. Bởi lẽ, tất cả các sốt do siêu vi lúc đầu đều giống nhau là sốt cao khó hạ.
Tuy nhiên, ở sốt siêu vi có kèm theo sổ mũi, ho, đau họng nhiều hơn. Sốt phát ban thì ngoài sốt ra ít có biểu hiện gì khác. Còn riêng SXH, ngoài sốt cao kéo dài còn kèm theo các triệu chứng như: đau đầu, đau bụng, ăn uống kém và đau tay chân. Bệnh hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Nếu không kịp thời phát hiện, điều trị không đúng sẽ làm cho bệnh chuyển biến nặng, nguy hiểm đến tính mạng.
Người dân khi bị sốt xuất huyết hãy đến cơ sở y tế, không tự ý điều trị tại nhà. |
Có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, BSCKII Trần Quang Dũng, Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau, cho biết: “Mặc dù đây là thời điểm giao mùa, bệnh dễ dàng phát triển, song thực tế không ít người còn lơ là, chủ quan khi có biểu hiện bệnh. Nhiều gia đình tự ý mua thuốc kháng sinh về điều trị, nấu nước ấm lau khắp cơ thể để hạ bớt nhiệt cộng thêm viên hạ sốt, đến khi không khỏi mới nhập viện. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác điều trị về sau. Vì vậy, khi thấy người nhà có biểu hiện lạ, sốt, biếng ăn, gia đình phải đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được hướng dẫn chăm sóc và điều trị kịp thời. Đặc biệt, mỗi người phải tự trang bị kiến thức phòng tránh dịch bệnh SXH cho mình và cả gia đình”.
"Việc một số người dân khi thấy sốt là tự ý mua thuốc uống, trong đó có kháng sinh, nhưng SXH là bệnh do virus gây ra, dùng kháng sinh không có tác dụng. Bên cạnh đó, việc sử dụng corticoid cũng không được khuyến cáo sử dụng. Mặt khác, nếu dùng thuốc hạ sốt quá liều sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Ngoài ra, nếu tự ý sử dụng thuốc aspirin hoặc ibuprofen để giảm đau, hạ sốt sẽ làm cho tình trạng xuất huyết trầm trọng hơn, nguy hiểm đến tính mạng. Khi bị mắc SXH, nếu tự ý dùng thuốc kéo dài hoặc sử dụng các biện pháp dân gian mà không đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị, rất dễ đưa đến diễn biến nặng, khó khăn trong điều trị và nguy cơ tử vong", BSCKII Lê Ngọc Định khẳng định.
Chú ý phòng bệnh
Tương tự lý do trên, do chủ quan nên khi thấy con sốt cao, nôn mửa, chị Nguyễn Ngọc Phương ở xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân đã tự mua thuốc cho con uống. Sau vài ngày uống thuốc, bệnh không những không khỏi mà còn trở nên nặng hơn, vợ chồng chị mới đưa con đến bệnh viện để khám và điều trị. Kết quả, con chị bị SXH.
Được biết, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã ghi nhận 1 ca tử vong do SXH ở người lớn. Theo BSCKII Trần Quang Dũng, trước tình hình bệnh SXH sẽ diễn biến phức tạp hơn khi quay lại đúng chu kỳ 10 năm, ngành y tế tăng cường công tác giám sát, tiến hành xử trí ổ dịch nhỏ theo quy định, triển khai phun xịt ở những khu phố, ấp có mật độ muỗi cao.
Trong đó, không chỉ riêng các địa phương có nhiều ca mắc bệnh mà tất cả các huyện, xã trong toàn tỉnh đều triển khai chiến dịch vệ sinh môi trường, bỏ các vật chứa nước không cần thiết, tránh cho muỗi đẻ trứng. Thành lập các đội cơ động phòng chống dịch: tỉnh 5 đội, huyện 3 đội, xã 2 đội sẵn sàng xử lý các ổ dịch SXH. Ngoài các biện pháp tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương cũng vận động nhân dân tận dụng các biện pháp dân gian như thả cá ăn lăng quăng, vận động người dân ngủ mùng, mặc áo dài tay kể cả ban ngày để đề phòng muỗi đốt. Khi bị sốt phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị, không tự ý điều trị tại nhà.
Bệnh SXH thường xuất hiện nhiều ở các khu vực đông dân cư, nhà trọ, khu vực ô nhiễm... Vì thế, thời gian qua, ngành chức năng đã tăng cường phối hợp với địa phương, ngành giáo dục tuyên truyền phòng chống SXH đến từng hộ gia đình thông qua lực lượng cộng tác viên y tế cơ sở, các chủ nhà trọ để mọi người hiểu rõ, nâng cao ý thức trong việc giữ gìn, tránh tiếp xúc với những nơi không hợp vệ sinh. Khi phát hiện người thân có biểu hiện bệnh, phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị, không được áp dụng những biện pháp dân gian thiếu tính khoa học sẽ gây nên những điều đáng tiếc./.
Mỹ Việt