Tạo thuận lợi cho DN
Để khơi thông "dòng chảy" của hàng hóa XNK, ngành Hải quan sẽ tăng cường đối thọai, gặp gỡ trực tiếp DN để nắm bắt, lắng nghe, giải quyết dứt điểm nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động XNK của DN. Tăng cường sự phối hợp trong các khâu làm thủ tục hải quan, bảo đảm thời gian giải quyết công việc nhanh gọn, chính xác. Đối với nội bộ ngành Hải quan, tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, Tuyên ngôn phục vụ khách hàng, cán bộ công chức Hải quan không gây phiền hà sách nhiễu tiêu cực; tăng cường các đoàn kiểm tra đột xuất về kỷ cương, kỷ luật, chấp hành chế độ chính sách.
Ngoài ra, cơ quan Hải quan tiếp tục triển khai dự án Hiện đại hoá thu NSNN giữa Thuế - Kho bạc - Hải quan; sơ kết, đánh giá công tác phối hợp thu NSNN với các ngân hàng thương mại để mở rộng việc thực hiện phối hợp thu, tạo thuận lợi cho DN và người dân.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động XNK, đến lĩnh vực quản lý thuế của Nhà nước, đặc biệt là các Luật thuế mới được sửa đổi, bổ sung tới cộng đồng DN. Duy trì tổ giải quyết nhanh, chủ động gặp gỡ, giải quyết các vướng mắc thuộc thẩm quyền của từng đơn vị với từng DN và động viên DN nộp thuế đúng hạn.
Được biết, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động XNK hàng hóa, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Tổng cục Hải quan sẽ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Siết chặt quản lý nợ
Bên cạnh giải pháp tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động XNK, Tổng cục Hải quan sẽ rà soát, kiến nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung sơ hở là kẽ hở để gian lận, thất thoát tiền thuế.Đặc biệt, trong công tác quản lý nợ, ngành Hải quan xác định, các tờ khai phát sinh trong năm 2014 phải được thu đủ, kịp thời tiền thuế, đơn vị Hải quan nào để phát sinh nợ thuế quá hạn của các tờ khai đăng ký trong năm 2014 sẽ không xem xét thi đua khen thưởng, đồng thời Cục trưởng sẽ phải chịu trách nhiệm về số nợ thuế phát sinh này.
Cùng với đó, tiếp tục duy trì ban thu hồi nợ, thực hiện đôn đốc thu hồi nợ, phối hợp với các ngân hàng thương mại, công an, cơ quan Thuế địa phương, cơ quan pháp luật có liên quan trong việc xử lý các vướng mắc, khó khăn trong công tác thu hồi nợ, đảm bảo thu hồi hết nợ mới phát sinh và thu hồi nợ cũ toàn ngành phải đạt 2.000 tỷ đồng.
Theo dõi chặt chẽ nợ thuế tạm thu để yêu cầu DN nộp thuế kịp thời khi quá thời hạn nộp thuế mà DN chưa XK. Theo dõi, quản lý hàng gia công, nắm chắc thời hạn kết thúc của từng hợp đồng gia công để yêu cầu DN thanh khoản/nộp thuế đối với số hàng hóa chuyển tiêu thụ nội địa.
Tăng cường chống gian lận thương mại
Giải pháp tăng cường công tác chống buôn lậu, chống gian lận thương mại qua giá, mã, thuế suất, số lượng cũng là một trong những giải pháp hiệu quả để thu NSNN được ngành Hải quan thực hiện.
Theo đó, cần ban hành cơ sở dữ liệu mới về giá thay thế Danh mục rủi ro về giá đối với hàng NK cấp Tổng cục hiện hành; Tăng cường giám sát đối với hàng TN-TX, chuyển cửa khẩu, hàng hóa ra, vào các khu chế xuất, khu kinh tế cửa khẩu, kho ngoại quan; chú trọng thu thập các nguồn thông tin về hàng hóa, người khai hải quan…đặc biệt là DN có trụ sở một nơi nhưng làm thủ tục nhiều nơi, để phát hiện kịp thời các trường hợp sai phạm về loại hình, tên hàng, số lượng, xuất xứ...
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác phân tích phân loại (PTPL), góp phần chống gian lận qua mã số; Bảo đảm sự thống nhất về kết quả PTPL giữa các Chi nhánh, chịu trách nhiệm trước pháp luật về các kết luận PTPL của mình. Phát hiện, ngăn ngừa các trường hợp khai sai tên hàng, mã số để gian lận thuế. Nâng cao năng lực của Trung tâm PTPL; Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm; điều tra, xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các loại hình, mặt hàng, khu vực trọng điểm, tuyến đường vận chuyển hàng hóa TNTX, chuyển khẩu, NK qua đường hàng không; Xác định mặt hàng, đối tượng, lĩnh vực trọng điểm, phương thức, thủ đoạn, hiện tượng nổi cộm trong từng địa bàn...
Một số giải pháp sẽ được ngành Hải quan tiếp tục thực hiện như: Chủ động rà soát thu đủ thuế bản quyền, phần mềm NK, các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế bảo đảm đúng đối tượng, đáp ứng điều kiện, thủ tục hồ sơ... Theo đó, chỉ miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế khi DN có đủ hồ sơ, chứng từ, tập trung lực lượng chống thất thu về trị giá, thuế suất...; Nâng cao năng lực Hệ thống quản lý rủi ro; phân tích trọng tâm, trọng điểm cũng là một trong những biện pháp cần triển khai. Thực hiện thu thập, phân tích, đánh giá rủi ro, kiểm tra việc phân luồng hồ sơ hải quan bảo đảm việc phân luồng chính xác, kiến nghị các giải pháp quản lý rủi ro phù hợp chống gian lận, cảnh báo các tình huống vi phạm của cán bộ công chức hải quan quan công tác QLRR.Theo đó, rà soát, xem xét hệ tiêu chí phân luồng, tập trung kiểm tra các trường hợp có độ rủi ro cao; hạn chế tối thiểu sự can thiệp của công chức hải quan trong phân luồng hàng hóa, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về người nộp thuế, chấp hành pháp luật của người nộp thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Đồng thời, rà soát các DN đặc biệt là DN có vốn đầu tư nước ngoài NK nguyên liệu, vật tư để sản xuất hàng hóa XK, nhập gia công, tạm nhập tái xuất; phân loại, lập danh sách các DN có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý chặt chẽ...
Thu Trang