Tối 22/11, UBND huyện Tam Đường, Lai Châu tổ chức khai mạc Lễ hội Putaleng với chủ đề Về miền đỗ quyên.
Ở Sapa (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái)... cũng có hoa đỗ quyên nhưng nơi được mệnh danh là "thiên đường hoa đỗ quyên" là núi Putaleng ở huyện Tam Đường (Lai Châu).
Hàng vạn cây vào mùa hoa nở sẽ khoe sắc rực rỡ và bao phủ bạt ngàn các sườn núi. Với đặc trưng hiếm có này, huyện Tam Đường đã lấy hoa đỗ quyên làm điểm nhấn thu hút du lịch.
Tại lễ khai mạc, nhân dân và du khách đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc Về miền đỗ quyên, do nghệ sĩ Trà My làm Tổng đạo diễn.
Đêm nghệ thuật này có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ như: MC Thảo Vân, ca sĩ Hữu Tuấn, Phương Thủy… cùng các nghệ sĩ múa nổi tiếng đến từ Hà Nội và 160 nghệ nhân, diễn viên quần chúng.
Nghệ sĩ Trà My cho biết, chương trình Về miền đỗ quyênđược xây dựng kịch bản giàu chất liệu dân gian, làm nổi bật những sắc thái văn hóa, tinh hoa vốn có của đất và người Tam Đường, Lai Châu.
"Màn nghệ thuật có sự kết hợp giữa các yếu tố âm nhạc, điện ảnh cùng hiệu ứng ánh sáng và sân khấu đã khiến cho nhân dân và du khách thích thú", nghệ sĩ Trà My chia sẻ.
Qua chương trình, du khách và khán giả đã cảm nhận rõ nét hơn giá trị văn hóa của vùng đất này, từ đó sẽ tạo ấn tượng để Tam Đường trở thành điểm đến mới trong hành trình khám phá của khách du lịch.
Tại sự kiện, ông Vũ Xuân Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Trưởng Ban tổ chức lễ hội - cho biết, sự kiện là dịp để địa phương khẳng định thương hiệu lễ hội mới, hình thành một sự kiện thường niên, tạo nên sản phẩm du lịch, văn hóa đặc sắc của huyện.
"Qua lễ hội, chúng tôi mong muốn quảng bá, giới thiệu tới nhân dân và du khách về đỉnh PuTaLeng hùng vĩ cao 3.049m, một trong 10 đỉnh núi cao nhất Việt Nam. Trên đỉnh ngọn núi này có khoảng 30 loài hoa đỗ quyên khác nhau, với đủ sắc màu hồng, đỏ, vàng, trắng nở xen nhau...
Lễ hội còn là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên có cơ hội gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịchtại địa phương", ông Thịnh nói.
Trong đêm khai mạc, Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã công bố quyết định công nhận rừng đỗ quyên cổ thụ tập trung trên núi Putaleng ở độ cao 2.619m có diện tích lớn nhất Việt Nam.