Chị nhắn về chơi “Phước Tích mùa ni rộn ràng lắm em,ơnằmnghemưatrongcănnhàcổnhận định áo khách về tham dự chương trình lễ hội “Hương xưa làng cổ” đông lắm. Về nghe, mùa mít chín rồi nè”. Em ngắm những tấm hình chụp chung với chị bên cạnh chiếc bể cạn trước sân nhà, mái ngói liệt màu nâu sẫm với hàng cửa bàn khoa đen nhánh phía sau, nhìn nhà xưa cổ hết biết.
Ngôi nhà rường của gia đình chị là một kiểu thức nhà nhìn bên ngoài thấy nhỏ và thấp nhưng vào bên trong thì cao và rộng, kiểu thức ấy làm cho nhà rường cổ mùa hè thì mát, mùa đông thì ấm, khắc chế được những bất lợi của thời tiết Huế nắng nóng và mưa dầm. Nhờ được tham dự mấy cuộc hội thảo về nhà rường cổ Huế mà em biết thêm những giá trị hữu dụng của nhà rường Huế, như là xây thềm nhà cao (để tránh lụt), cửa bàn khoa (thượng song hạ bản), đóng kín vẫn lấy được ánh sáng nhờ phần “thượng song”. Cả mặt tiền ngôi nhà là một hệ thống cửa như vậy, ngày thường chỉ mở hai cánh nên từ bên ngoài nhìn vào bao giờ cũng có cảm giác căn nhà tối, âm u nhưng lúc nhà có việc, mở hết tất cả các cánh cửa là cả nhà sáng choang.
Em cũng ở nhà rường nhưng không biết, phải nhờ nghe các nhà nghiên cứu phân tích mới hiểu kỹ thuật xây dựng nhà rường cổ Huế có nhiều cái hay lắm như là về mùa mưa, nền nhà không bị ẩm, rịn nước. Để bảo vệ bộ đòn tay mái hiên, ở đầu tiếp nối giữa cây cột với đòn tay, người ta xây một lớp vôi tôi dày trên 5cm, lớp vôi tôi này có nhiệm vụ hút ẩm, ngăn không cho nước thấm từ chân cột lên cấu kiện gỗ bên trên. Hay như ở bức bình phong trước mỗi ngôi nhà, những mảnh sành, mảnh sứ ghép tạo hình rồng, phụng, long mã hay những chữ gửi gắm cầu đức, cầu phúc, cầu thọ, cầu sự học cho gia đình...
Nghe thuyết minh của các nhà nghiên cứu xong bỗng thầm nghĩ, hồi xưa các bác thợ đâu cần bằng đỏ, bằng ưu gì mà kỹ thuật siêu đỉnh, chỉ nội cái chuyện dựng cả căn nhà không cần một cây đinh, một bản lề cửa gì hết, tất cả đều dùng chốt gỗ mà nhà chắc chắn, chịu được cả bão lớn, khi cần thì tháo ra, ráp lại rất dễ dàng, chẳng phải đập bỏ chi hết, là người đời nay đã ngả mũ thán phục. Hôm ấy, em ngồi cạnh một chị là vợ của một nghệ nhân nhà rường, người chuyên phục dựng nhà rường cổ Huế, chị nói thầm vào tai em “Em biết vì sao nhà rường cổ Huế lại làm cửa thấp không, người xưa sâu sắc lắm em, làm cửa thấp là để dạy đạo đức đó - đi vào nhà hay đi ra đều phải cúi đầu”.
Cha chị làm quan Tri huyện của hai huyện Nam Đàn (Nghệ An) và Hàm Tân (Phan Thiết), được bà con làng Phước Tích kính trọng gọi là ông huyện Lan và được tặng những bức hoành phi, câu đối nói về những điều tốt đẹp ông đã làm. Chị bảo “Bây giờ chị nhớ ơn ba chị lắm, hồi ấy ba chị cho con gái đi học xa, như chị ở Phước Tích mà vào học trường Đồng Khánh ở Huế, là tiến bộ lắm đó em, hồi ấy nhiều gia đình chỉ cho con trai đi học, ba chị cho chị cái chữ là của cải quý nhất để mở mang hiểu biết mà sống cuộc đời của mình thật tốt đẹp”.
Bây giờ tìm trên google “Nhà rường cổ Phước Tích”, chắc chắn sẽ có rất, rất nhiều bài viết về ngôi làng như miền cổ tích với hơn 500 năm tuổi này. Nhưng em biết có những điều mà phim ảnh hay con chữ cũng khó diễn tả được, như cái cảm xúc khi em đạp trên lá vườn xào xạc, đi bằng ngả sau, băng từ vườn nhà này sang vườn nhà khác để ra lò gốm y như cái thời con nít trưa nào cũng vẹt hàng rào chạy qua nhà bạn chơi, hay như khi đi ngang qua nhà mệ Th., em nghe tiếng chị thì thầm “Mệ mất rồi, nhà bây giờ đóng cửa vì con cháu ở xa”, em thấy lòng chùng xuống, nhớ mệ hay cho ăn chuối khô cất trong cái ghè gốm miệng nhỏ bụng tròn, không còn nữa một mệ già với hàm răng nhuộm đen và nụ cười hiền, hình ảnh góp phần tạo nên ngôi làng cổ tích trong thế giới hiện đại. Làm sao diễn tả được cảm xúc vừa biết ơn vừa nể phục khi em ghé thăm nhà trưng bày gốm Phước Tích của ông Lê Trọng Diễn, người dành hàng chục năm trời sưu tầm rồi thiết kế ngôi nhà rường của mình thành nơi trưng bày gốm Phước Tích xưa cho bà con coi “cho biết”, như lời ông Diễn nói.
XUÂN AN