Đây là một trong những điểm nhấn chính tại Festival Huế năm nay,ônvinhnghệthuậttruyềnthốngHuếkết quả bóng đá vô địch quốc gia mỹ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, Công ty thời trang và sự kiện Viết Bảo QB phối hợp thực hiện.
Ngoài áo dài du khách sẽ được thưởng thức hương vị bánh trái của vùng đất Kim Long. Ảnh: Công ty Viết Bảo QB cung cấp
Ông Nguyễn Quê, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa Nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Chương trình khai thác các chất liệu, giá trị văn hóa nhằm tôn vinh, khơi dậy sức sống mới cho các di sản nghệ thuật truyền thống Huế. Chương trình gồm hai phần chính là hoạt động cộng đồng mang tính chất mở và đêm trình diễn nghệ thuật, thời trang đặc biệt với chủ đề Về miền Hương Ngự. Chương trình tập trung vào 3 giá trị cốt lõi làm nên văn hóa đặc thù của Huế, đó là văn hóa tâm linh, văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, với phong tục tập quán và các làng nghề truyền thống. Chúng tôi hy vọng sẽ mang đến cho người dân và du khách một chương trình phù hợp với hơi thở cuộc sống mà không làm mất đi bản sắc cốt lõi văn hóa và di sản truyền thống Huế. Đồng thời, khơi gợi nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần gắn bó với người Huế thông qua hình ảnh cây đa, bến nước, sân đình với nếp sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tế lễ, ca xướng, họp chợ được tái hiện lại trong các hoạt cảnh múa, diễn xuất đêm hội áo dài”.
Không gian diễn ra chương trình là đình làng cổ Kim Long có gần 400 năm tuổi bên bờ sông Hương. Nhà thiết kế Viết Bảo, đạo diễn chương trình tiết lộ: “Khoảng sân thoáng rộng của ngôi đình làng cổ được trang hoàng thành một sân khấu đặc biệt, với âm thanh tiêu chuẩn cao, bao phủ ánh sáng lung linh, phục vụ 500 khách tham dự. Tổng thể sân khấu mang dáng dấp của chiếc thuyền nan. Lấy mái đình và bức bình phong long mã làm phông nền, thiết kế sân khấu khai thác các yếu tố trang trí từ vật dụng truyền thống, như hoa đăng, nón lá, hoa giấy Thanh Tiên nhưng không ảnh hưởng tới tổng thể cảnh quan di tích. Ngoài ra còn có sắp đặt các cụm trang trí để nghệ sĩ tạo hình với các hoạt cảnh về đời sống tự nhiên ở một vùng quê, như đi chợ, mua rau, bán cá, sạp hàng hoa, đôi quang gánh…”.
Đêm nghệ thuật công phu vào tối 2/5 sẽ mang đến cho khán giả những nét đặc sắc của nghệ thuật truyền thống Huế. Nhã nhạc cung đình Huế sẽ vang lên những bản đại nhạc, tiểu nhạc. Các nghệ nhân dân gian lão làng, các nghệ sĩ trẻ tài năng biểu diễn các bản Thập thủ liên hoàn (trích đoạn), Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long ngâm, Long đăng, Đăng đàn cung. Ca Huế cũng chọn những bài bản lớn, như: Tứ Đại Cảnh với lời ca “Tiếng Hương Bình”, Nam Bình “Nước non ngàn dặm”, Long Ngâm với lời ca “Tu là cội phúc”, hát múa hầu văn. Ngoài ra còn có múa Lục cúng hoa đăng do 24 em học sinh có đam mê với nghệ thuật múa cung đình biểu diễn. Đó như là sự tiếp bước, kế thừa giá trị di sản truyền thống của thế hệ trẻ...
Một điểm nhấn nữa của chương trình là đêm hội áo dài và phần trình diễn thời trang của những người đẹp xứ Huế. Chương trình trình diễn 4 bộ sưu tập; trong đó có 3 bộ sưu tập áo dài, gồm áo dài nam giới, nữ giới, thiếu nhi với các tên gọi: “Thư họa”, “Về miền Hương Ngự”, “Quê hương trong mắt trẻ thơ”. Bộ sưu tập áo dài nam lấy cảm hứng từ nghệ thuật thư pháp. Áo dài nữ có ý tưởng từ những bức tranh gương vẽ hình danh lam thắng cảnh Huế và hoa sen. Trang phục của các em thiếu nhi là những tà áo được lấy ý tưởng từ những bức tranh thiếu nhi của cuộc thi vẽ tranh. Họa tiết trên áo dài do các nghệ nhân thêu tay thực hiện. Bộ sưu tập thứ 4 có tên gọi “Việt Nam gấm hoa” tôn vinh vẻ đẹp độc đáo của di sản văn hóa Việt Nam hội nhập với quốc tế. Bộ sưu tập này được lấy ý tưởng từ mỹ thuật triều Nguyễn, như: đồ sứ ký kiểu - Bleu de Hue, họa tiết kiến trúc triều Nguyễn cùng gấm lụa.
Theo NTK Viết Bảo, chương trình sẽ được đầu tư công phu về nội dung và hình thức, mang đến cho đời sống văn hóa nghệ thuật Huế về đêm một sức sống mới, không chỉ trong những ngày diễn ra Festival Huế 2016, mà quyết tâm đưa “Huế dịu dàng” thành một điểm đến định kỳ cho đông đảo người dân và du khách sau khi kết thúc Festival Huế 2016.
“Huế dịu dàng – Về miền Hương Ngự” còn có trưng bày, triển lãm, hoạt động cộng đồng phục vụ miễn phí, khai mạc vào lúc 10h ngày 1/5 tại công viên đối diện đình làng Kim Long. Không gian cộng đồng này được kiến tạo phục vụ cho khoảng 1.500 khách, gồm có thao diễn nghề làm bánh trái cây, làm mứt gừng, may áo dài, hoa giấy Thanh Tiên. Triển lãm sắp đặt tác phẩm “Sông Đăng”, gồm 710 cây tre và hoa đăng tạo thành hình tượng 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Huế của nghệ sĩ Trần Tuấn. Triển lãm ảnh “Làng” xứ Huế, tranh vẽ trang trí lên áo dài thiếu nhi về chủ đề Quê hương của học sinh hai trường tiểu học số 1, số 2 Kim Long; tranh Trúc Chỉ của họa sĩ Phan Hải Bằng... Ngoài ra còn có cuộc thi trang trí lên quà lưu niệm: nón lá, đèn lồng, hoa đăng, quạt giấy, diều Huế dành cho du khách, lễ phóng đăng - nguyện cầu thái bình, các trò chơi dân gian… |
Bài, ảnh: TRANG HIỀN