【ket qua cup quoc gia】Tăng cường các giải pháp nhằm xử lý nạn “tín dụng đen” trong công nhân

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng loạt các giải pháp nhằm xử lý nạn “tín dụng đen”. Đáng lo ngại là “bẫy” tín dụng đen vươn vòi đến đối tượng là công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp với thủ đoạn tinh vi. Để hạn chế “bẫy tín dụng đen” ảnh hưởng đến người lao động trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng tỉnh Bình Dương đã và đang triển khai nhiều kế hoạch cụ thể, thiết thực…


Một số tang vật liên quan đến “tín dụng đen” bị cơ quan chức năng thu giữ

Hệ lụy từ “tín dụng đen”

Hiện “tín dụng đen” biến tướng với nhiều hình thức khác nhau, hướng đến nhiều đối tượng. Không khó để bắt gặp các chiêu trò mời gọi “vay nóng”, các tờ rơi mới vay tiền được dán ở các ngả đường, vỉa hè, cột điện, các bức tường trong khu dân cư...

Khi một số người bất ngờ gặp biến cố cuộc sống, nôn nóng vay tiền nhanh nhưng không muốn đến ngân hàng nên đã tìm đến các dịch vụ cho vay “tín dụng đen”. Số khác thông qua những mối quan hệ quen biết, người cần vay tiền được giới thiệu đến những đường dây cho vay nặng lãi, vay nóng vốn được nhiều người biết đến tại các khu nhà trọ, địa phương. Từ chỗ nắm bắt tâm lý người vay muốn có tiền gấp, một số tổ chức, cá nhân hành nghề cho vay tiền nóng đã yêu cầu người vay phải nộp thẻ ATM và các giấy tờ tùy thân, sổ hộ khẩu, thậm chí là sổ đỏ (giấy CNQSDĐ) ở quê để làm tin. Thủ tục vay tiền đơn giản, chỉ diễn ra trong vài phút nên người vay thường bất chấp vấn đề lãi suất cao để nhắm mắt vay tiền. “Biết họ cho vay lãi suất trên 100% như vậy là quá cao nhưng khi có sự cố, không biết vay ai thì tụi tôi chỉ còn biết tìm đến họ. Vay gửi tiền về quê giải quyết việc nhà trước đã, sau này làm kiếm tiền trả nợ sau”, anh Nguyễn Văn Quý, một công nhân quê Nghệ An, sinh sống tại một nhà trọ thuộc KP.9, phường Phú Hòa (TP.Thủ Dầu Một) bộc bạch.

Thực tế, không phải ai cũng có thể trả nợ một cách dễ dàng vì “lãi mẹ đẻ lãi con” theo từng ngày. Nhiều đối tượng cho vay với lãi suất khoảng 10%/tháng, tức khoảng 120%/năm là quá cao so với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Một số người do không đủ tiền trả nợ và trang trải cuộc sống gia đình đã phải bỏ trốn về quê, thậm chí có cách xử lý tiêu cực…

Ngoài những trường hợp vay nợ “tín dụng đen” vì hoàn cảnh bí bách, gặp hoạn nạn thì còn phải nói đến một bộ phận mê bài bạc, cá độ, có lối sống phóng túng dẫn đến việc vay nóng. Bản thân họ nhận thức được tác hại của “tín dụng đen” nhưng họ vẫn chấp nhận vay tiền với lãi suất cao vì “không còn sự lựa chọn nào khác”. Những đối tượng này do lười lao động nên khả năng trả nợ lại càng thấp, từ đó phát sinh các tệ nạn trộm cắp, cướp giật.

Giảm thiểu sự bủa vây của nạn “tín dụng đen”

Theo ghi nhận mới nhất từ phía Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, tình hình lao động trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, thời gian qua đã giải quyết việc làm mới cho 46.393 người, nâng tổng số công nhân lao động đang làm việc hiện nay trên địa bàn tỉnh hơn 1,1 triệu người. Bà Trương Thị Bích Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, cho biết: “Vấn nạn “tín dụng đen” tại Bình Dương đã xuất hiện từ lâu. Phía LĐLĐ tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục tuyên truyền để công nhân lao động nâng cao nhận thức pháp luật trước các thủ đoạn của đối tượng cho vay nặng lãi cũng như các vấn đề liên quan đến giao dịch, sử dụng vốn an toàn. Các cấp công đoàn cơ sở cũng được chỉ đạo phải phát huy vai trò, chức trách của mình trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người lao động; đồng thời phải sâu sát, nắm tình hình, hoàn cảnh của công nhân tại doanh nghiệp mình. Từ đó, các cấp công đoàn cơ sở có biện pháp vận động tại đơn vị, doanh nghiệp mình, kịp thời hỗ trợ những trường hợp người lao động gặp biến cố, hoạn nạn bất ngờ.

Chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị các ngân hàng và các tổ chức tài chính dành một nguồn kinh phí hoặc xây dựng các chương trình cho vay tiền với mức vừa phải, thủ tục đơn giản hướng đến đối tượng công nhân lao động. Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chung tay cùng doanh nghiệp và các cơ quan chức năng xây dựng được nhiều chương trình thiết thực nhằm nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho công nhân lao động trên địa bàn tỉnh…”.

Bà Hạnh chia sẻ thêm, trong Tháng Công nhân sắp tới (tức tháng 5-2019), phía LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức ra mắt Qũy Hỗ trợ công nhân có hoàn cảnh khó khăn. Với nguồn quỹ dự kiến khá lớn này, bà Hạnh kỳ vọng người lao động trong tỉnh sẽ tiếp cận được những khoản vay với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, từ đó hạn chế thấp nhất những trường hợp công nhân lao động nghèo tìm đến từ các đối tượng “tín dụng đen” khi có việc gấp cần tiền hoặc chẳng may gặp biến cố bất ngờ trong cuộc sống.

 

Ngày 7-12-2018, ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn chỉ đạo Công an tỉnh, UBND các huyện, thị, thành phố về việc kiểm tra, xử lý tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, hướng tới xử lý dứt điểm tình trạng băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”, cho vay với lãi suất cao trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương xây dựng chuyên án xử lý ngay các tổ chức, cá nhân hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; tập trung chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, lập hồ sơ những đối tượng, băng nhóm nghi vấn; gọi hỏi những đối tượng, thành phần bất hảo liên quan đến “tín dụng đen” để răn đe, phòng ngừa; tăng cường kiểm tra, bám sát địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi dung túng, bao che, bảo kê cho hoạt động “tín dụng đen”, vi phạm pháp luật nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Tính đến tháng 11-2018 Công an tỉnh đã chỉ đạo cảnh sát hình sự điều tra cơ bản, thống kê các tổ chức, cá nhân hoạt động cho vay nặng lãi để tập trung đấu tranh, bước đầu đã triệt xóa, khởi tố điều tra 7 nhóm, 23 đối tượng về các tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” như: Cho vay nặng lãi, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản…

Nhằm chủ động đấu tranh loại tội phạm này, đặc biệt là trong đối tượng công nhân, Đại tá Nguyễn Văn Thơm, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết trước tiên là đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong công nhân về tác hại của tội phạm “tín dụng đen”. Song song đó, công an các địa phương, đơn vị vận động công nhân mạnh dạn cung cấp thông tin tố giác tội phạm, giúp lực lượng công an kịp thời phát hiện, xử lý đối tượng phạm tội nhằm từng bước triệt xóa tội phạm “tín dụng đen” trên địa bàn.

L.T.P