【kèo fiorentina】Nét đẹp Thới Bình thôn

Báo Cà Mau(CMO) Là 1 trong 3 đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hoá đầu tiên của tỉnh Cà Mau (năm 1999), thị trấn Thới Bình tiếp tục minh chứng sức vươn mình mạnh mẽ khi được công nhận là đô thị loại 5 vào tháng 8/2016. Đoàn kết, bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị trấn đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành mục tiêu trở thành thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị vào cuối năm nay.

Xây dựng đời sống văn hoá, văn minh

Bí thư Đảng uỷ thị trấn Thới Bình Trần Minh Nhân nhấn mạnh, nét đẹp văn hoá được xem như điểm nhấn tạo diện mạo thị trấn văn hoá, văn minh đô thị. Chính vì vậy, trong các tiêu chí theo quy định, thị trấn Thới Bình xác định phải vừa thúc đẩy phát triển, vừa phải cố gắng giữ gìn, tôn tạo những cái còn phù hợp riêng có của địa danh “Thới Bình thôn”, dòng Sông Trẹm hiền hoà thơ mộng đã đi vào tiểu thuyết phải luôn sạch đẹp; hàng còng cổ thụ che bóng mát phải bình yên, an toàn; khu phố cổ do không có kinh phí để khôi phục nên không còn giữ được, nhưng sẽ đảm bảo xây dựng nhà ở đúng theo quy hoạch; Đình Thần Thới Bình, Miếu Bà Thiên Hậu được tôn tạo vẫn giữ được nét cổ kính, yên bình.

Tính đến nay, công tác xây dựng thị trấn văn minh đô thị của thị trấn Thới Bình đã cơ bản đạt 24/26 tiêu chí. 2 tiêu chí chưa đạt, trong đó có 1 tiêu chí trách nhiệm của địa phương phải nỗ lực thực hiện ở nội dung xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hoá đô thị, về việc “Không lấn chiếm lòng đường, hè phố, gây cản trở giao thông, không cơi nới, làm mái che, đặt biển quảng cáo sai quy định, gây mất mỹ quan đô thị”, mà cụ thể là cảnh quan, môi trường đô thị. 

Vậy nên, Ban Chỉ đạo thị trấn đã tham mưu đến cấp uỷ, chính quyền bằng những công việc cụ thể, tạo chuyển biến như: Cổ động về nếp sống văn minh môi trường đô thị trên trạm truyền thanh, trên xe mô-tô lưu động. Nhân dịp Tết hàng năm, cùng với việc gửi thư chúc Tết đến hộ gia đình trên địa bàn, đã gửi kèm theo thư kêu gọi của UBND thị trấn Thới Bình đến người dân cùng chung tay thực hiện nếp sống văn minh đô thị. Thiết thực nhất là vừa qua, các khóm cũng đã phát động đăng ký đến hộ gia đình trên địa bàn tham gia xây dựng đô thị văn minh… Đây là bước khởi đầu cho các công tác tiếp theo một cách có hiệu quả hơn. Giai đoạn tiếp theo, cùng với sự vào cuộc của các ngành, mỹ quan đô thị sẽ đạt theo chỉ tiêu đề ra. Còn lại 1 tiêu chí thuộc cấp huyện là về Quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố công khai tại địa bàn cũng sẽ sớm được thực hiện. 

Thị trấn Thới Bình trên hành trình đến đô thị văn minh. Ảnh: Liêu Hỏn

“Những nội dung, những phần việc đó đã tác động đến một phần ý thức của người dân, dần dần hình thành nên nếp sống văn minh nơi đô thị”, ông Trần Minh Nhân phấn khởi. Rõ nét chính là các hành vi như bày biện vật dụng gia đình trên vỉa hè, lòng lề đường từng bước được giảm bớt; người dân thay đổi thói quen phơi chăn màn - quần áo trước hiên nhà; việc phơi lúa và chất đốt trên lòng đường không còn phổ biến như trước kia; thói quen quăng, xả rác thải ra sông - kênh - rạch đã giảm bớt nhiều…. Thay vào đó bà con thường xuyên quét dọn ven lộ thuộc phần đất gia đình quản lý, trồng hoa thay thế cỏ dại, trồng hàng rào cây xanh, làm bờ kè chống sạt lở ven sông, khi xây cất nhà đã thực hiện xin cấp phép… 

Khơi dậy nguồn lực từ sức dân

Nhằm tạo bứt phá trong xây dựng thị trấn văn minh đô thị, trong khi nguồn vốn Nhà nước có giới hạn, thị trấn Thới Bình đã đẩy mạnh công tác vận động xã hội hoá để mua đất, xây dựng trụ sở khóm, xây dựng cầu và các hoạt động an sinh xã hội. Theo đó, qua gần 5 năm, tổng kinh phí vận động được hơn 593 triệu đồng. 

Ông Trần Minh Nhân cho biết, nhận định tiêu chí xây dựng các thiết chế văn hoá là khó khăn nhất, vì hầu hết các trụ sở sinh hoạt văn hoá các khóm trên 30 năm đều mượn đất của dân. Khi dân có nhu cầu sử dụng, phải trả lại tìm đất khác để mua hoặc vận động dân hiến; trong khi, nguồn kinh phí ngân sách không đáp ứng yêu cầu mua đất và xây dựng trụ sở. Vậy nên, bằng sự tâm huyết của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt, vạch ra chương trình kế hoạch thực hiện từng giai đoạn, trên cơ sở tiết kiệm chi phí tối đa, chọn Khóm 4 làm điểm để vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ kinh phí đến cán bộ, Nhân dân trên địa bàn để mọi người thấy được mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của việc làm trên. 

“Mọi khoản đóng góp của cán bộ và Nhân dân, chi phí xây dựng chúng tôi đều công khai, minh bạch trên hệ thống loa và niêm yết công khai tại các trụ sở ấp và tại UBND thị trấn, nên đã tạo được lòng tin, sự ủng hộ nhiệt tình của mọi người. Kết quả, tính đến cuối tháng 10/2019 thị trấn đã hoàn thành xong 9/9 trụ sở bằng một phần nguồn ngân sách Nhà nước; chủ yếu kinh phí là bằng sự đóng góp của các hộ dân trên địa bàn”, ông Trần Minh Nhân phấn khởi. 

Hàng còng cổ thụ gắn với địa danh “Thới Bình thôn”. Ảnh: L.Hỏn

Cụ thể, nguồn đất được mua cho 5 khóm, 4 khóm còn lại được cấp đất (Khóm 1, 2, 7 và Khóm 8). Diện tích trung bình mỗi trụ sở là 96 m2, được trang trí đúng quy cách, có nhà vệ sinh đảm bảo theo quy chuẩn về môi trường. Tổng kinh phí vận động xã hội hoá để mua đất và xây dựng 9 trụ sở gần 600 triệu đồng. 

Bên cạnh đó, thị trấn còn vận động xây dựng 9 cây cầu giao thông nông thôn trị giá trên 700 triệu đồng phân bổ đều các khóm, được đưa vào sử dụng cuối năm 2019, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu mua bán của người dân và học sinh đến trường mà còn làm bật lên sức sống và nét đổi mới của thị trấn. 

Bà Vương Thanh Thuý, Khóm 3, thị trấn Thới Bình, vui mừng: “Hồi trước chỗ này là cầu cây, đi riết hư gãy, buộc lòng học sinh phải bơi xuồng qua sông, thấy thương lắm. Nhờ được mạnh thường quân xây cầu bê-tông từ tháng 10/2018 nên học sinh đi học thuận lợi, bà con qua lại mua bán cũng thuận tiện hơn, thiệt mừng hết sức!”.

Ở Khóm 5 cũng có cầu được xây dựng từ nguồn xã hội hoá. Với bà con nơi đây, cây cầu bê-tông vững chắc là công trình nối những niềm vui đôi bờ mong ước, góp phần phát triển kinh tế địa phương. “Tôi ở đây hơn 30 năm, trước đi bằng vỏ máy ra chợ vì không có cầu, đường cũng không. Giờ thì đường lớn, cầu lớn, tất cả bê-tông hoá nên đi đâu cũng đi thuận tiện, thoải mái”, ông Vương Văn Hồng, ngụ Khóm 5, bày tỏ.
Theo ông Trần Minh Nhân, thành tích đáng ghi nhận trong nhiệm kỳ qua còn là công tác giảm nghèo bền vững, đặc biệt là vận động xã hội hoá tham gia các chính sách an sinh xã hội. Cụ thể, năm 2015, thị trấn Thới Bình có 56 hộ nghèo, chiếm 2,25%. Chính nhờ sự chung tay góp sức của các mạnh thường quân, các nhà thiện nguyện trong và ngoài địa bàn đã cùng Đảng bộ thực hiện có hiệu quả chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Cụ thể, vận động được 380 triệu đồng để xây dựng 18 căn nhà cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chung tay xoá nghèo bền vững. Đến năm 2020 thị trấn còn 5 hộ nghèo, chiếm 0,20%, không còn hộ cận nghèo. 

Thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân thị trấn Thới Bình quyết tâm thực hiện. “Tin chắc rằng, nhiệm kỳ 2020-2025, với sự chỉ đạo sáng suốt của cấp uỷ Đảng và Nhân dân, thị trấn sẽ thực hiện thành công mô hình “Thị trấn văn minh không hộ nghèo”. Cùng với đó là quyết tâm tăng cường sự vận động xã hội hoá, Đảng bộ và Nhân dân thị trấn kỳ quyết thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nhiệm vụ đề ra trong nhiệm kỳ tới, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, xây dựng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại./.

Băng Thanh - Thuỳ Linh