Yêu cầu này được Phó Thủ tướng nêu ra tại Lễ Khai mạc Năm du lịch quốc gia Ninh Bình 2021,ệtNamhướngtớinềndulịchđiệnthoạithôlịch serie với chủ đề Hoa Lư ngàn năm vang mãi, diễn ra tối 20/4, tại sân lễ hội Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư).
Phát biểu tại lễ khai mạc ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình, Trưởng ban Tổ chức Năm Du lịch quốc gia Ninh Bình 2021, cho hay, thời gian qua, du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với nhiều điểm đến hấp dẫn. Trong đó, Ninh Bình năm ở Đông Nam Đồng bằng Bắc Bộ, được ví như Việt Nam thu nhỏ với 3 vùng sinh thái đặc trưng: vùng núi, đồng bằng, vùng biển,... với nhiều cảnh quan nổi tiếng như danh thắng Tràng An, rừng nguyên sinh Cúc Phương, cùng 1.800 di tích lịch sử văn hóa. Ninh Bình còn ghi dấu lịch sử oai hùng của đất nước với cố đô Hoa Lư...
Do đó, đây là điểm đến hấp dẫn, với mức tăng trưởng 11% trong giai đoạn 2015-2019, đón 8 triệu lượt khách trong năm 2019. Thời gian tới, tỉnh xác định sẽ tập trung mọi nguồn lực, ưu tiên phát triển có trọng tâm trọng điểm, đưa du lịch Ninh Bình thành điểm đến quan trọng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, của cả nước.
Theo ông Phạm Quang Ngọc, hưởng ứng Năm du lịch quốc gia diễn ra ở Ninh Bình, địa phương triển khai 38 sự kiện, cùng 104 hoạt động hưởng ứng của các tỉnh, thành trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhận xét, Năm du lịch quốc gia 2021 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, du lịch bị ảnh hưởng nhiều nhất. “Tuy đứng trước muôn vàn khó khăn nhưng ngành vẫn sẵn sàng do Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh, các điểm đến du lịch chỉ tạm ngưng từng thời điểm nay lại dầy những bước chân du khách”, Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Mong rằng tới đây, không chỉ Ninh Bình mà cả Việt Nam sẽ được bình chọn là điểm đến hiếu khách nhất hành tinh này. Ảnh Đình Nam. |
Ông đánh giá, những năm qua, ngành du lịch đã có bước phát triển ấn tượng khi trước dịch Covid-19 đã đón và phục vụ trên 100 triệu du khách trong nước, trên 18 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 9% vào GDP, tạo ra hàng triệu việc làm và thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển. Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch quốc tế, thuộc nhóm 10 nước có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, giành được nhiều giải thưởng uy tín của quốc tế về du lịch, như số 1 thế giới về du lịch di sản, số 1 thế giới về du lịch ẩm thực, số 1 châu Á về du lịch gofl,…
Đối với Ninh Bình, địa phương được chọn đăng cai Năm Du lịch quốc gia 2021, cũng được vinh danh là một trong 50 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới, một trong 20 điểm đến lý tưởng của du lịch khám phá, được bầu chọn là điểm đến hiếu khách nhất.
Phó Thủ tướng cho rằng, đó là nhờ tâm huyết và trí tuệ của đội ngũ làm du lịch, trong đó nổi bật là đóng góp của các nhà đầu tư và người dân khắp mọi miền đất nước, từ trực tiếp tham gia đóng góp các sản phẩm phục vụ du khách tới tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa mới, khắc phục những bất cập mà có lúc đã thành nỗi sợ của du khách, được phản ánh nhiều lần.
Cảm ơn và sẻ chia với doanh nghiệp, người dân làm du lịch đã và đang đứng trước muôn vàn khó khăn do không còn khách quốc tế và du khách trong nước cũng giảm sâu đột ngột mỗi khi có ca bệnh trong cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khen ngợi trên tất cả vẫn nỗ lực để duy trì nguồn lực du lịch mà nếu buông xuôi thì mất thêm nhiều năm mới có thể khôi phục lại được. Đó không chỉ là lòng yêu nghề mà còn là trách nhiệm với ngành, với cộng đồng, với đất nước.
Ông nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, chúng ta cần thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn để có thể chung sống an toàn và phát triển trong đại dịch. Khi chúng ta chưa thể mở cửa đón khách quốc tế, đây là dịp tốt để du khách khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên, văn hóa của tổ quốc mình; để cùng bồi đắp thêm tình yêu quê hương đất nước và lòng tự hào, tự tôn dân tộc; để cùng thưởng thức những dịch vụ cao cấp mà trong điều kiện bình thường phần nhiều chỉ những người có thu nhập cao, khách ngoại quốc mới có thể có điều kiện chi trả.
Đối với các cơ quan nhà nước, cơ sở cung cấp dịch vụ, đây là dịp để rà soát lại các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển, cùng hoàn thiện, nâng cấp để các sản phẩm của mình lên một bước, sẵn sàng cho bước phát triển mới khi du lịch quốc tế mở cửa trở lại.
Phó Thủ tướng lưu ý, dù rất khẩn trương để thị trường du lịch sớm nhộn nhịp, nhưng chúng ta không quên rằng, thực tiễn vừa qua đã cho thấy chỉ cần một khâu, một cá nhân, một cơ sở một khoảnh khắc chủ quan buông lỏng là dịch bệnh có thể xuất hiện, dù chúng ta có phát hiện, có cách ly, có khoanh vùng, có dập dịch thật nhanh thật hiệu quả thì du lịch cũng đã chịu những hậu quả rất lớn.
Với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết 08 năm 2017 của Bộ Chính, Chương trình hành động của chính phủ thực hiện nghị quyết 08 của Chính phủ cũng như Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới 2030 đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó Phó Thủ tướng nhấn mạnh:
Cần cụ thể hóa các chủ trương thành các chính sách thật cụ thể để khuyến khích cộng đồng DN, các hộ gia đình và mọi người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch và các ngành dịch vụ liên quan đến du lịch. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, Bộ VH-TT&DL và các bộ ngành liên quan cần phối hợp các hiệp hội đề xuất các chính sách hỗ trợ thiết thực, phù hợp đồng thời chủ động các giải pháp đón khách quốc tế an toàn, hiệu quả khi điều kiện cho phép.
Hơn nữa, trong bối cảnh cả thế giới đứng trước thời cơ do cuộc Cách mạng 4.0 đem lại mà trực tiếp nhất là yêu cầu chuyển đổi số để xây dựng chính quyền số, kinh tế số xã hội số, cần triển khai các giải pháp quyết liệt để chuyển đổi số du lịch ở tất cả các khâu một cách đồng bộ, tinh thần có thể nói ví von là hướng tới một nền du lịch điện thoại thông minh, nghĩa là mọi việc từ thị thực, đặt chỗ, mua vé, thanh toán,… tới phiên dịch đều có thể thông qua điện thoại di động hỗ trợ du khách một cách thuận tiện nhất.
Đồng thời, cần chú trọng và chú trọng hơn nữa về xây dựng môi trường du lịch an toàn thân thiện, văn hóa.
Tất cả đều cần sự kết nối, hợp tác giữa các ngành, địa phương, hiệp hội, DN, thời gian qua các hoạt động kết nối ngày càng được chú trọng. Ngay tại Ninh Bình, Phó Thủ tướng nhận thấy nhiều hoạt động kết nối đã được triển khai, hứa hẹn mang lại xung lực mới cho ngành du lịch của các địa phương và của cả nước.
Ngọc Hà