【kết quả giải vô địch thổ nhĩ kỳ】Chậm nhất đến cuối tháng 6 phải chi trả đủ chính sách cho giáo viên dôi dư
(CMO) Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đối với các địa phương thực hiện chấm dứt hợp đồng và chi trả đủ chính sách đối với những giáo viên dôi dư so với biên chế được giao do từng trường, từng địa phương tự hợp đồng ngắn hạn.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thanh Liêm cho biết, trước năm 2016, toàn tỉnh có 543 trường với 643 điểm lẻ để đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa hai môn Tiếng Anh và Tin học vào môn học chính khóa, dẫn đến việc các điểm lẻ không đủ điều kiện giảng dạy hai môn học này, bởi lẽ cần có phòng chức năng, trang thiết bị hỗ trợ để học sinh vừa học, vừa thực hành.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải tại buổi họp báo.
Tại thời điểm này, hạ tầng giao thông nông thôn từ ấp đến xã, huyện thuận tiện, do đó, UBND tỉnh có chủ trương thu hẹp dần các điểm trường lẻ trong thời gian nhất định. Tính đến cuối năm học 2017-2018, Cà Mau đã thu hẹp được 97 điểm lẻ để đưa học sinh về điểm trường chính, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Từ việc làm này dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên (chủ yếu là hợp đồng). Ngoài ra, những năm gần đây, Bộ GD&ĐT liên tục thay đổi chương trình đào tạo, sách giáo khoa đổi mới, các trường trở nên bị động trong việc đào tạo giáo viên đủ chuẩn, chưa kể có thêm các môn học năng khiếu như giáo dục thể chất, nhạc, hội họa... dẫn đến thừa - thiếu cục bộ giáo viên ở các trường.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, nguồn ngân sách tỉnh năm 2018 do Trung ương phân bổ cho nguồn sự nghiệp giáo dục, tỉnh Cà Mau giữ đủ và phân thêm 210 tỷ đồng cho ngành trả lương và các chế độ khác. Trong đó, 82% chi cho lương và các khoản có tính chất lương, 18% còn lại chi cho hoạt động (chi phí mua sắm, sửa chữa nhỏ).
Tuy nhiên, các trường lại dành chi phí này cho việc hợp đồng thêm giáo viên, trả lương cho số giao viên dôi dư, tăng giờ, thế nên kinh phí sửa chữa trường lớp trở nên bị động. Trong khi, để đảm bảo nhu cầu dạy và học năm học mới 2018-2019 sắp tới, theo dự toán của Sở GD&ĐT cần đến 171 tỷ đồng để mua sắm, sửa chữa nhỏ. Điều này dẫn đến áp lực cho Sở Tài chính cân đối theo yêu cầu và chỉ có thể đáp ứng 85 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia theo chỉ tiêu năm 2018 là 10 trường vẫn chưa có kinh phí cho khoản này.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Cà Mau chủ trương các địa phương gấp rút thực hiện tổng rà soát toàn bộ hệ thống trường lớp, đội ngũ giáo viên, học sinh, trên cơ sở đó có tính toán hợp lý để kịp thời chấn chỉnh. Trường hợp sau sắp xếp ổn định mà nhu cầu giáo viên đông hơn, UBND tỉnh có cơ sở kiến nghị Trung ương, Chính phủ tăng biên chế và kinh phí cho sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà.
Tại cuộc họp báo với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh chiều ngày 1/6, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết các phương án giải quyết số giáo viên dôi dư. Cụ thể, đối với việc thừa thiếu cục bộ thì tiến hành điều chuyển, sắp xếp giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; đào tạo lại, bồi dưỡng chuyên môn để chuyển giáo viên dôi dư sang giảng dạy những môn học còn thiếu. Những trường thiếu lao động (vị trí khác giáo viên), đối với những giáo viên dôi dư, nhất là những giáo viên trình độ yếu, thiếu chuẩn sẽ chuyển sang làm công việc đó (tránh thừa lao động không hợp lý).
Đối với những giáo viên lớn tuổi, không đủ chuẩn, sức khỏe yếu, sắp đến tuổi về hưu thì động viên nghỉ hưu theo chính sách. Hiện tỉnh triển khai một số đề án việc làm, trong đó có việc đưa 1.000 lao động đi nước ngoài làm việc, nên khuyến khích số giáo viên dôi dư theo đề án này. Thời gian tới, tỉnh có hướng ghép 1 trường có đến 2-3 cấp học để sử dụng giáo viên hợp lý hơn, giúp học sinh thuận tiện đi học, đảm bảo tốt nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thanh Liêm cho biết thêm, toàn tỉnh hiện còn thiếu trên 400 giáo viên mầm non. Do đó, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau mở lớp mầm non văn bằng 2 đối với giáo viên dôi dư (hầu hết giáo viên hợp đồng không quá 30 tuổi, chủ yếu ở cấp tiểu học và THCS). Theo đó, kế hoạch dạy là trong dịp hè, trong năm học thì dạy thứ Bảy, Chủ nhật để tạo điều kiện cho giáo viên đủ chuẩn để xuống dạy cấp học mầm non.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải khẳng định, chủ trương rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên là cấp thiết để nâng cao chất lượng giáo dục. Đồng thời sẽ trực tiếp chỉ đạo UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát nhanh chóng, kịp thời, chính xác, đề xuất cách giải quyết giáo viên dôi dư phù hợp cho từng địa bàn. Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh kịp thời thông tin tình hình thực tế tại các địa phương, giúp UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời, chấn chỉnh và xử lý trong quá trình thực hiện tổng rà soát.
Băng Thanh