Quần thể động vật hoang dã đang bị suy giảm nghiêm trọng trên toàn cầu trong vòng 50 năm qua. (Ảnh: ATX) |
Dựa trên Chỉ số Sức sống Hành tinh (LPI), WWF đã theo dõi 35.000 quần thể thuộc hơn 5.000 loài, từ động vật có vú, chim, bò sát, đến cá và lưỡng cư. Kết quả cho thấy các quần thể động vật đã giảm tới 73% kể từ năm 1970, phần lớn do các hoạt động của con người như phá rừng, khai thác tài nguyên, và biến đổi khí hậu.
Đặc biệt, khu vực Mỹ Latinh và Caribe ghi nhận sự suy giảm trầm trọng nhất, lên tới 95%, trong khi châu Phi giảm 76% và khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 60%.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm này bao gồm phá hủy môi trường sống, khai thác quá mức, sự xuất hiện của loài xâm lấn, ô nhiễm và biến đổi khí hậu.
Giám đốc phụ trách bảo tồn của WWF - Daudi Sumba nhấn mạnh rằng: “Đây không chỉ là sự mất mát của các loài động vật mà còn là sự suy thoái của các hệ sinh thái thiết yếu đối với sự sống của con người.”
Nếu các hệ sinh thái như Amazon tiếp tục bị tàn phá, không chỉ các loài động vật mà cả nhân loại sẽ phải đối mặt với nguy cơ biến đổi không thể đảo ngược khi hệ sinh thái này chuyển từ “bể chứa carbon” sang “nguồn phát thải carbon.”
Ông Yann Laurans từ WWF Pháp cũng cảnh báo về thực trạng đáng báo động tại các đại dương, khi 40% sinh khối đại dương đã bị con người khai thác cạn kiệt. Các loài nước ngọt là nhóm bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là các loài động vật có xương sống trên cạn và dưới biển.
Dù tình hình nghiêm trọng, báo cáo cho thấy tín hiệu tích cực tại châu Âu, Trung Á và Bắc Mỹ, nơi một số quần thể động vật đã ổn định hoặc thậm chí phát triển nhờ những nỗ lực bảo tồn và phục hồi môi trường. Điều này cho thấy rằng nếu được đầu tư đúng mức, công cuộc bảo tồn thiên nhiên vẫn có thể mang lại những kết quả tích cực.
Tổng Giám đốc WWF - Kirsten Schuijt tuyên bố rằng: “Mặc dù tình hình hiện tại vô cùng đáng lo ngại, tin tốt là chúng ta vẫn chưa vượt qua điểm không thể quay lại.”
Tổng Giám đốc WWF nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận đạt được tại COP15 ở Montreal (Canada) năm 2022 với cam kết bảo vệ 30% hành tinh trước năm 2030.
Báo cáo Sức sống Hành tinh của WWF nhấn mạnh tính cấp thiết của các hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn sự suy thoái không thể đảo ngược của thiên nhiên. Nếu không hành động ngay, hệ sinh thái toàn cầu sẽ đứng trước nguy cơ “điểm bùng phát” không thể phục hồi, gây ra những hậu quả khôn lường cho mọi sự sống trên Trái đất.
Nguy cơ các quốc đảo sẽ bị "nhấn chìm" vào năm 2100 | |
Hội nghị BRICS 2024 thảo luận về kinh tế đa cực và hợp tác toàn cầu |