【lich thi đau al nassr】Báo chí góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội

Báo chí góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội
Phóng viên các cơ quan báo chí tác nghiệp tại Trung tâm báo chí của Quốc hội. Ảnh: TL

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về vai trò của báo chí đối hoạt động Quốc hội nói chung?

Ông Tạ Văn Hạ: Trong hoạt động của Quốc hội, báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng, là cầu nối giữa Quốc hội với cử tri, góp phần không nhỏ vào thực hiện nhiệm vụ đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Báo chí góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội
Ông Tạ Văn Hạ

Bên cạnh việc tích cực tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, báo chí đã kịp thời truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới diễn đàn Quốc hội; tạo sự đồng thuận xã hội, tạo thuận lợi để cử tri giám sát hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Cùng với sự đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động, Quốc hội và các cơ quan thông tấn, báo chí đã không ngừng đổi mới, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội.

Không chỉ có vậy, trong những biến động bất thường chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19 bùng phát, vai trò báo chí càng được thể hiện rõ nét. Khi đó, mọi thông tin về dịch bệnh, chính sách, thông tin về đời sống đều được phản ánh, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, nhờ đó góp phần tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức phòng tránh dịch bệnh, yên tâm ổn định cuộc sống.

Trong điều kiện dịch bệnh đó, thông tin từ báo chí cũng rất hữu ích cho các hoạt động của đại biểu Quốc hội, của Quốc hội, để xem xét, quyết định đưa ra những chính sách kịp thời ứng phó với tình hình đại dịch và phát triển kinh - tế xã hội.

PV:Là một đại biểu rất tích cực trong việc đóng góp ý kiến và có những phát biểu ấn tượng tại nghị trường, ông sử dụng kênh thông tin từ báo chí như thế nào trong công việc đại biểu của mình?

Ông Tạ Văn Hạ:Tôi có thói quen hàng ngày là điểm các đầu báo, gồm cả báo in, báo điện tử, truyền hình, đài phát thanh... để thu thập thông tin về những vấn đề đang được cử tri, nhân dân quan tâm, bức xúc, những vấn đề còn khoảng trống về chính sách pháp luật...

Bên cạnh lắng nghe ý kiến cử tri, báo chí là kênh thông tin đặc biệt quan trọng với đại biểu Quốc hội để củng cố thêm thông tin về những vấn đề cử tri đang quan tâm, là kênh thông tin phản biện chính sách rất tốt, rất thiết thực. Tất cả những phát biểu của tôi đều được kiểm chứng, được xem xét kỹ lưỡng, đầy đủ thông tin từ các mặt, vừa từ thực tiễn người dân, cử tri phản ánh, vừa từ các phương tiện báo chí để đảm bảo tính đa chiều, chính xác.

Phản ánh kịp thời vấn đề dân sinh nóng bỏng

"Báo chí cần tiếp tục phản ánh kịp thời những vấn đề tồn tại trong cuộc sống, đi sâu, đi sát vào vấn đề dân sinh nóng bỏng, những mối quan tâm của người dân để phân tích, lý giải; qua đó góp phần góp phần hình thành mối quan hệ mật thiết giữa Quốc hội và nhân dân".

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ

Ngoài tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông, tôi cũng trực tiếp trao đổi với nhiều phóng viên, nhà báo để lắng nghe thêm các ý kiến. Chính các phóng viên kỳ cựu, có những góc nhìn sắc sảo đã giúp tôi có thêm kiến thức, bản lĩnh để tự tin nắm chắc những vấn đề mình đưa ra. Tôi rất trân quý điều này.

Tất nhiên, việc thu thập thông tin từ báo chí phải có sự chọn lọc, để đảm bảo thông tin đó phải là độc lập, khách quan. Sứ mệnh của báo chí cách mạng là phải tuyên truyền, phản biện thông tin kịp thời, xác thực, nếu không người dân sẽ nhanh chóng mất lòng tin. Báo chí mà trở thành công cụ của một nhóm người hoặc người nào đó vì tư lợi, đấu đá thì chắc chắn sớm muộn cũng sẽ bị đào thải, bị quay lưng.

PV:Ông có đề xuất gì để báo chí ngày càng làm tốt hơn vai trò cầu nối Quốc hội với cử tri đóng góp tích cực hơn cho hoạt động của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội?

Ông Tạ Văn Hạ: Trước hết, tôi mong muốn các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục bám sát, đồng hành với Quốc hội không chỉ ở các kỳ họp Quốc hội mà còn trong thời gian giữa các kỳ họp Quốc hội. Như vậy báo chí sẽ chuyển tải kịp thời các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tới cử tri và nâng cao nhận thức của người dân, để người dân ngày càng hiểu và ủng hộ các quyết sách của Quốc hội; góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Quốc hội Việt Nam trong lòng công chúng.

Báo chí cần tiếp tục đổi mới, phát huy tính sáng tạo để bảo đảm thông tin về hoạt động của Quốc hội trở nên chuyên sâu và thu hút hơn. Các bài viết cần phân tích, bình luận về những nội dung chính sách được Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua; tránh chỉ đưa tin sự kiện, tin tức bề nổi; tránh tình trạng "giật tít", "câu view", đưa các thông tin không đúng bản chất sự việc, gây sự hiểu nhầm trong dư luận.

Trong thời gian diễn ra các kỳ họp Quốc hội, cũng còn một số phóng viên báo chí không tập trung phản ánh nội dung kỳ họp mà chủ yếu phỏng vấn, khai thác ý kiến của đại biểu Quốc hội về các vấn đề bên lề, làm nóng một số vấn đề không cần thiết.

Cùng với đó, báo chí cần tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới để tăng tính hấp dẫn trong việc truyền tải thông tin về chính sách, tăng cường sự tương tác với người đọc, đưa các thông tin về Quốc hội đi vào nhận thức của công chúng một cách dễ dàng và thuận tiện hơn.

Với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin hiện nay, các phương thức tiếp cận thông tin của người dân đã thay đổi rất nhiều, báo chí bị cạnh tranh ngày càng gay gắt. Do đó, cần sớm bắt kịp với các tiến bộ khoa học, công nghệ để tránh bị tụt hậu trong mắt người đọc.

Cuối cùng, tôi cũng mong các phóng viên báo chí nghị trường tiếp tục có những đóng góp, những sáng kiến

hữu ích để giúp cho hoạt động của Quốc hội ngày càng được cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hướng tới một Quốc hội chủ động, trí tuệ đoàn kết, đổi mới và trách nhiệm; một Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, gắn bó mật thiết với cử tri, nhân dân.

PV:Xin cảm ơn ông!

Sớm tìm lời giải cho bài toán báo chí

Theo đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường, nền báo chí đang đối mặt với nhiều khó khăn. Không chỉ phải cạnh tranh gay gắt với các mạng xã hội, với các hình thức tiếp cận thông tin mới, vấn đề kinh tế báo chí cũng đang ảnh hưởng ngày càng lớn đến hoạt động báo chí hiện nay. Đã có những hiện tượng “con sâu làm rầu nồi canh”, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của báo chí, làm mất niềm tin của bạn đọc.

“Các cơ quan báo chí của chúng ta là do Nhà nước thống nhất quản lý. Vậy bài toán "cơm áo gạo tiền" của báo chí phải được tính toán để các phóng viên, tòa báo yên tâm làm việc, yên tâm xuất bản. Trong đó, nhiều vấn đề phải làm rõ như doanh nghiệp không được thành lập báo thì báo chí có được thành lập doanh nghiệp không? Báo chí tiếp nhận hỗ trợ của doanh nghiệp như thế nào? Doanh nghiệp có ảnh hưởng thế nào tới thông tin trên báo chí?... Để giữ được niềm tin của người dân vào báo chí, câu chuyện kinh tế báo chí là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, đầy đủ khi xem xét sửa Luật Báo chí tới đây” - đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị.