Xử lý ghép chữ.Ảnh: NHÓM NGHIÊN CỨU
Ở không gian tầng 1 của lầu Tàng Thơ (đường Đinh Tiên Hoàng,Cứunhà cái dabet TP. Huế), nhiều tháng qua, cán bộ nhân viên Phòng Nghiên cứu khoa học của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kiên trì với công việc xử lý, phục hồi và bảo quản tài liệu sắc phong. Họ đều là những người trẻ năng động, khác hẳn với điều thường được mặc định công việc chỉ hợp với người có tuổi, gọng kính dày trên mắt – nghiên cứu Hán Nôm. Thấy họ vui với thành quả là những tấm sắc phong lại được hồi sinh, mới thấy chính họ cũng đang là những gạch nối đầy cảm hứng giữa quá khứ và hiện tại.
Sắc phong là loại hình văn bản hành chính Hán Nôm cấp cao của vương triều, do hoàng đế ban bố và thưởng cấp cho thần dân trăm họ để phong tặng, thăng thưởng hàm tước, quan vị, vật hạng, thần hiệu, mỹ tự… Gia tộc, làng xã nào được ban cấp sắc phong thì đó là một niềm vinh dự to lớn. Với tính độc đáo, độc bản và quý hiếm, sắc phong được xem là nguồn văn bản quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử văn hóa. Sắc phong nhân vật thể hiện rõ tên tuổi, chức vụ, hàm tước, vị thế của nhân vật. Với sắc phong thần, việc được ban cấp sắc phong, tặng thưởng mỹ tự hoặc vinh danh và cho nhập vào điển chế thờ tự của các vương triều… thể hiện rõ vị thế, vai trò của các vị thần linh đối với đất nước, với làng xã. Qua nhiều biến thiên của thời cuộc, cùng với nguồn di sản Hán Nôm, rất nhiều sắc phong bị thất thoát, hư hỏng, ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu và phát huy các giá trị độc đáo từ nguồn tư liệu này mang lại.
Đến nay, chưa nhiều địa phương chủ động thực hiện xử lý, phục hồi sắc phong trên chất liệu giấy dó để bảo quản tư liệu. Ở hai đầu đất nước, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia (Hà Nội) và Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh đã triển khai việc này, nhưng thực hiện với nguồn tư liệu tại chỗ đang được lưu trữ, quản lý. Trong khi, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa phục hồi bảo quản nguồn tư liệu tại chỗ, vừa hỗ trợ các làng xã, dòng tộc phục hồi những bản sắc phong bị hư hỏng nặng.
Hành trình để những tấm sắc phong ẩm mục, nấm mốc và vụn nát được hồi sinh, cũng chính là chuỗi ngày nhóm cán bộ Phòng Nghiên cứu Khoa học tập trung cho việc “bồi” nguyên trạng tư liệu ấy trên giấy dó. Tất cả các phần việc để phục hồi một tấm sắc phong cũng được thực hiện hoàn toàn thủ công, từ bóc tách, xử lý nấm mốc đến xếp chữ, bồi lên giấy dó. Mỗi tấm sắc phong sau khi bồi, nếu được tiếp tục bảo quản đúng cách sẽ có tuổi thọ rất lâu, nhờ chất liệu giấy dó phù hợp với khí hậu nóng ẩm. Đó là loại giấy được sản xuất thủ công, được đặt mua từ Nhật Bản hoặc từ các làng nghề truyền thống ở Hà Nội. Bột dùng để chế thành keo bồi cũng là loại chuyên dụng, được Viện Hán Nôm hỗ trợ. Yêu cầu với một kỹ thuật viên cho công việc này là phải tỉ mỉ, cẩn thận, nhẹ nhàng, kiên trì và đặc biệt am hiểu về ngôn ngữ Hán Nôm. Kỹ thuật viên Nguyễn Hoàng Khánh Trang vừa đọc bản sắc phong thần được ban năm Thiệu Trị thứ 5, vừa nhiệt tình: Làm chi cũng luôn phải có người hiểu biết chữ Hán – Nôm bên cạnh. Nhiều bản mục quá, một chữ rơi thành hai, ba mảnh. Hoặc nhiều khi, có những nét tương đối giống nhau rời ra, nếu không đọc hiểu được mặt chữ thì rất dễ bị ghép nhầm.
Tại lầu Tàng Thơ, TS. Lê Thị An Hòa (Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học) và các cộng sự giới thiệu về những tấm sắc phong đang được xử lý bảo quản các bước cuối cùng. Nhưng đằng sau niềm vui vì những tấm sắc phong đang dần có sức sống trở lại ấy, là câu chuyện vô cùng đáng tiếc. Theo TS. An Hòa, những sắc phong này đều của một làng ở thị xã Hương Trà. Thời điểm những năm 2014-2016, khi nhóm công tác của phòng về tiếp cận để sưu tầm, số hóa tư liệu Hán Nôm, toàn bộ sắc phong của làng đều nguyên vẹn, rất đẹp. Cuối năm 2018, bỗng một ngày người làng tìm đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hỏi cách… cứu sắc phong. Đi qua gần cả trăm năm vẫn vẹn nguyên, nhưng chỉ vì không được tiếp tục bảo quản đúng cách, trong một vài năm, bao nhiêu sắc phong của làng bị hư hỏng nặng. Có tấm bị bết dính nghiêm trọng, mủn, mục, vón cục như đất, bùn.
Trước đó, sau khi toàn bộ sắc phong vừa được số hóa, người làng nghe tin có nạn trộm sắc phong và lo lắng cho những di sản của làng. Để chắc ăn, những người có trách nhiệm bảo quản đã cuộn chặt sắc phong trong túi ni lông, bỏ vào thùng nhôm, rồi xây hộc tủ xi măng cất kỹ. Với cách làm như trên, vô tình người làng đã gia tăng quá trình khiến sắc phong bị hút ẩm, giữ ẩm, bết dính và nhanh bị hư hỏng. Theo TS. Lê Thị An Hòa, mỗi dịp được tiếp cận nguồn tư liệu sắc phong đang được các làng, họ tộc lưu giữ, nhóm công tác của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đều chia sẻ với người dân cách bảo quản để đảm bảo tuổi thọ cho hiện vật. Cách bảo quản sắc phong tốt nhất theo kinh nghiệm truyền thống là cuộn sắc phong trong ống tre, bỏ kèm một ít hạt tiêu khô vào bên trong để hút ẩm. Nên bảo quản sắc phong ở vị trí khô thoáng và thường xuyên có sự kiểm tra phù hợp.
May mắn của ngôi làng trong câu chuyện trên là toàn bộ sắc phong đã được số hóa, lưu giữ. Các làng xã, họ tộc khác đang tự hào sở hữu loại di sản này có thể xem đó là bài học để chia sẻ kinh nghiệm bảo quản.
ĐỒNG VĂN