Trước đây,ướsoi kèo betis bên cạnh việc lập sóc, canh tác bên các bàu nước, cạnh sông, suối, người S’tiêng còn biết vận dụng linh hoạt chiếc gùi để vận chuyển nước... Người S’tiêng thường dùng các loại gùi có kích cỡ lớn, thân tròn, đan thưa (nan to). Nguyên liệu đan gùi chủ yếu là tre, lồ ô, nứa, mây.
Nam, nữ dân tộc S’tiêng trong cuộc thi gùi nước tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc diễn ra ở Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng, sóc Bom Bo (Bù Đăng) - Ảnh: K.B
Khi đan, họ đan thân gùi trước, rồi đến đế, sau cùng là cạp miệng và quai gùi. Phần miệng gùi thường cạp bằng tre, uốn thành hình tròn, thân gùi được đan ngang với các nan dọc, ngang... Đế gùi làm bằng các loại gỗ mềm, đan chéo hình chữ X. Dây mây dùng cạp miệng và đế gùi, đan quai. Gùi để vận chuyển nước tùy theo nhu cầu của mỗi người mà có cách trang trí khác nhau. Có loại không trang trí hoa văn, có loại trang trí hoa văn hình vuông, tam giác, chữ nhật, tứ giác và thường không có nắp đậy.
Người S’tiêng thường sử dụng các vật sẵn trong tự nhiên như vỏ quả bầu hoặc các loại ống tre, nứa, lồ ô có thân dài, kích thước rộng, đục thông nhau giữa các mắt, mỗi ống từ 1-1,2m để chứa nước. Trước đây, nước sinh hoạt hằng ngày thường lấy ở những nơi đầu nguồn, khe suối. Trong luật tục và tập quán cư trú của người S’tiêng, có việc cấm tất cả thành viên trong cộng đồng không được phát rẫy ở vị trí đầu nguồn sông suối, cấm chăn thả trâu, bò, vứt rác xuống các khe suối vì sợ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Ngày nay, người dân được sử dụng nước sạch từ những giếng đào hoặc giếng khoan tại các gia đình. Tuy nhiên, người S’tiêng vẫn dùng nước suối trong sinh hoạt, bởi tập tục cũng như sự thích ứng với môi trường tự nhiên.
Không chỉ trong cuộc sống thường nhật, hình ảnh phụ nữ, đàn ông gùi nước còn đi vào nghệ thuật trình diễn trên nền nhạc cồng chiêng của người S’tiêng tại các lễ hội đâm trâu, mừng lúa mới, lễ cưới...Trên nền nhạc cồng chiêng, phụ nữ và đàn ông đeo trên lưng những chiếc gùi, di chuyển theo đội hình và nhịp điệu của tiếng cồng, chiêng. Mỗi cử chỉ, động tác được thực hiện một cách dứt khoát, uyển chuyển của đôi chân, hai bàn tay chụm lại và xòe ra để thể hiện các động tác trỉa hạt, sau đó khom lưng tái hiện việc lấy nước để tưới cho cây trồng. Tiết mục được trình diễn xung quanh cây nêu, đống lửa, việc thể hiện các động tác trong lao động sản xuất thể hiện tín ngưỡng phồn thực, sự sinh sôi nảy nở, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Trong những năm trở lại đây, gùi nước còn được sử dụng trong trò chơi cõng nước tổ chức dịp lễ, tết, ngày hội. Trò chơi nhằm tái hiện công việc gùi nước của người S’tiêng, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức mạnh, sự khéo léo, chịu khó vươn lên trong cuộc sống của đồng bào. Hiện nay, có rất nhiều vật dụng vận chuyển nước tiện ích, tính năng thông dụng nhưng chiếc gùi vẫn là phương tiện khó thay thế trong đời sống đồng bào S’tiêng.
Đình Tâm