Việc chuyển đổi 8 dự án cao tốc Bắc-Nam đang được thực hiện như thế nào? | |
Hai liên danh nhà đầu tư vượt qua vòng sơ tuyển cao tốc Bắc – Nam, đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn | |
Hủy thầu quốc tế cao tốc Bắc-Nam là cơ hội “vàng” cho doanh nghiệp nội |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình báo báo cáo giám sát |
Chuyển sang đầu tư công 3 dự án
Tại phiên họp Quốc hội sáng nay 9/6, trình bày Tờ trình của Chính phủ về Điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ: Đến nay, các địa phương đã bàn giao mặt bằng đạt trên 73%.
Đối với 3 dự án đầu tư công bắt đầu triển khai thi công từ tháng 9/2019, riêng cầu chính cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến triển khai tháng 8/2020.
Đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), đã phê duyệt kết quả sơ tuyển nhà đầu tư; hiện đang chuẩn bị phát hành hồ sơ mời thầu cho các nhà đầu tư, dự kiến hoàn thành công tác đấu thầu trong tháng 11/2020.
Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu giải pháp bảo đảm nguồn cung cấp vốn tín dụng cho Dự án. Tuy nhiên, đến nay đã phát sinh một số khó khăn, ảnh hưởng đến tính khả thi huy động vốn tín dụng thực hiện Dự án. Điển hình như, các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài nên tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguồn vốn của các tổ chức tín dụng chủ yếu là ngắn hạn, quy định về tỷ lệ huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn ngày càng giảm dần, dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn…
Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với 3 dự án đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Bên cạnh đó, điều chỉnh tổng mức đầu tư và nguồn vốn. Cụ thể, tổng mức đầu tư của Dự án là 100.816 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 78.461 tỷ đồng, gồm 55.000 tỷ đồng đã bố trí theo Nghị quyết số 52/2017/QH14, phần vốn còn thiếu (23.461 tỷ đồng) giao Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công. Vốn huy động ngoài ngân sách là 22.355 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các dự án thành phần bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật. Bảo đảm tiến độ hoàn thành các dự án thành phần đầu tư công sử dụng 100% vốn đầu tư công trong năm 2022, riêng dự án cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành trong năm 2023; hoàn thành các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP trong năm 2023.
Điều hành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2020 đảm bảo bố trí đủ nhu cầu vốn để triển khai toàn bộ các dự án thành phần của Dự án; chịu trách nhiệm bố trí vốn của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và kế hoạch vốn hàng năm cho đến khi Dự án hoàn thành…
Tránh lặp tình trạng chậm tiến độ, đội vốn
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Kinh tế thống nhất chuyển đổi 3 dự án thành phần từ đầu tư theo phương thức PPP sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công và tiếp tục thực hiện đầu tư theo phương thức PPP đối với 5 dự án thành phần còn lại bảo đảm tính hiệu quả, thành công cho Dự án.
Phiên họp toàn thể tại hội trường Quốc hội sáng ngày 9/6 |
Về kiến nghị cho phép cấp quyết định đầu tư dự án trước đây (Bộ Giao thông vận tải) tiếp tục thực hiện thẩm quyền của người quyết định đầu tư để thực hiện điều chỉnh dự án và các trách nhiệm khác của người quyết định đầu tư, Ủy ban Kinh tế nhận thấy, trong quá trình triển khai thời gian qua thì 11 dự án thành phần của Dự án được thực hiện theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư là dự án độc lập theo quy định của Luật Đầu tư công.
Trong trường hợp cả 3 dự án thành phần được chuyển sang hình thức đầu tư công sẽ thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia phải thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công. Theo đó, thẩm quyền quyết định đầu tư dự án thuộc Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Điều 40 Luật Đầu tư công.
Về vốn đầu tư công bổ sung cho việc điều chỉnh và nội dung khác, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo dự toán đã được phê duyệt của Dự án và số vốn kết dư từ 2 dự án Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn để Quốc hội có cơ sở cân đối và phân bổ cho việc điều chỉnh trong trường hợp các dự án thành phần được chuyển đổi, tránh phải nợ lớn vốn đầu tư công sang kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn sau.
Trường hợp các dự án thành phần được cho phép chuyển đổi, đề nghị Chính phủ có các giải pháp bảo đảm công khai, minh bạch và bình đẳng cho các nhà đầu tư. Do mỗi nhà đầu tư chỉ tham gia một hoặc một số dự án thành phần, nên khi dự án phải chuyển sang đầu tư công, nhà đầu tư đã qua vòng sơ tuyển của dự án đó sẽ không có cơ hội tham gia các dự án thành phần khác.
“Đề nghị Chính phủ cần khẩn trương có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai thực hiện Dự án. Đặc biệt, đối với các dự án thành phần nếu được chuyển đổi cần bảo đảm tiến độ triển khai theo đúng dự kiến tại Tờ trình của Chính phủ, không để lặp lại tình trạng chậm tiến độ, chất lượng không bảo đảm và tăng tổng mức đầu tư như nhiều dự án đầu tư công thời gian qua”, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.