Từ phong trào đọc sách ở trường học
Xây dựng và phát triển văn hóa đọc là một trong những hoạt động trọng tâm của các trường học trong tỉnh nhằm rèn luyện năng lực tự học, tự đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển, mở rộng kiến thức.
Trường Mầm non Thống nhất, thành phố Nam Định xác định, đọc sách thường xuyên có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển tư duy, phát triển ngôn ngữ và năng lực hợp tác của trẻ. Do vậy, nhà trường chú trọng tạo một không gian lý thú cho trẻ tiếp xúc, làm quen sớm với sách, nghe đọc sách.
Góc đọc sách được thiết kế ngay trong lớp học hoặc tổ chức ngoài trời thông qua các buổi ngoại khóa. Trong không gian đọc sách, các cô giáo bố trí những hình ảnh, đồ chơi liên quan để thu hút trẻ.
Cô Vũ Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thống Nhất cho biết, nhà trường chú trọng tổ chức các buổi ngoại khóa huy động sự tham gia của phụ huynh và học sinh giúp trẻ từng bước tiếp cận với sách. Trường trao đổi với phụ huynh thông qua nhóm Zalo của các lớp về việc khuyến khích gia đình đọc sách cho con hằng ngày, khơi dậy niềm yêu thích, đam mê sách trong học sinh.
Ở Trường Tiểu học Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, mỗi giờ ra chơi, thư viện luôn là điểm đến thu hút học sinh.
Với trên 3.200 đầu sách, thư viện mở ra một không gian “học mà chơi, chơi mà học” cho học sinh với nhiều thể loại sách tham khảo, báo, tạp chí, bản đồ, tranh ảnh, truyện thiếu nhi, truyện tranh khổ lớn…
Em Phạm Trúc Linh, lớp 4B, Trường Tiểu học Nghĩa Lâm chia sẻ, sau giờ học, em hay tới thư viện để đọc truyện. Em yêu thích sách văn học, khoa học và truyện cổ tích. Những cuốn sách bổ ích giúp em thư giãn, nhất là bổ sung thêm nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống, phục vụ việc học tập...
Để hình thành thói quen đọc sách cho học sinh, Trường Tiểu học Nghĩa Lâm lồng ghép nội dung giáo dục về văn hóa đọc vào chương trình giảng dạy; thường xuyên tổ chức hoạt động giới thiệu sách, thi kể chuyện, viết cảm nhận về sách, khuyến khích học sinh tự sáng tác và chia sẻ bài viết, câu chuyện của mình. Trường tổ chức các tiết đọc sách tại thư viện. Hằng năm tổ chức đổi sách giữa các lớp, khối; tăng cường đầu tư cho thư viện, đa dạng hóa nguồn sách, tư liệu…
Cô Vũ Thị Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Lâm cho rằng, học sinh bậc Tiểu học chưa thực sự hiểu tầm quan trọng của sách và việc đọc sách nên rèn thói quen đọc sách, khơi dậy tình yêu với sách cho các em cần sự chung tay của gia đình, nhà trường.
Hiện tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Nam Định đều có thư viện, với hàng chục triệu bản sách, báo, tài liệu tham khảo; trong đó, truyện đọc, sách báo dành cho học sinh chiếm từ 40 - 60%.
Ngoài thư viện chung, các nhà trường khuyến khích xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học, thực hiện xoay vòng tủ sách giữa các lớp để học sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều đầu sách hơn. Các trường tạo không gian thư viện mở, thư viện xanh hướng tới mở rộng không gian đọc ở những vị trí khác nhau giúp việc đọc sách trở nên hấp dẫn học sinh.
Lan tỏa văn hóa đọc