Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã lên tiếng kêu gọi Mỹ rút lực lượng đặc nhiệm khỏi quần đảo Mindanao,đuổiđặcnhiệmMỹquanhệMỹlink vao 11bet phía Nam Philippines.
Reutersdẫn lời ông Duterte khẳng định, sự hiện diện của lực lượng này sẽ chỉ khiến cuộc chiến chống lại nhóm phiến quân Hồi giáo Abu Sayyaf tại khu vực này- vốn nổi tiếng với nhiều vụ chặt đầu các con tin phương Tây- trở nên phức tạp hơn.
Bất đồng giữa Tổng thống Obama (trái) và ông Duterte có thể khiến quan hệ Mỹ-Philippines trở nên sóng gió. Ảnh: Reuters
Duterte không muốn bị Mỹ “dạy bảo”
Theo ông Duterte, trong thời điểm Philippines tăng cường các chiến dịch chống lại phiên quân Abu Sayyaf hiện nay, thì những người Mỹ đang có mặt tại Mindanao sẽ trở thành những mục tiêu hàng đầu mà Abu Sayyaf nhắm đến.
Ông Duterte nhấn mạnh: “Họ [nhưng binh sĩ Mỹ-ND] phải chấp nhận rời đi. Tôi không muốn gây rạn nứt quan hệ với Mỹ nhưng họ phải rời đi. Chúng [Abu Sayyaf-ND] sẽ tìm cách bắt cóc họ để đòi tiền chuộc và sẵn sàng chặt đầu họ nếu không được thỏa mãn”.
Tổng thống Duterte cũng khẳng định, chính ông mới là người có quyền “dạy bảo” Tổng thống Mỹ Barack Obama chứ không có chuyện ngược lại. Theo ông Duterte, ông mới là người quyết định hủy cuộc gặp với ông Obama bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tại Lào để phản ứng lại việc Mỹ chỉ trích chiến dịch chống tội phạm ma túy khiến hơn 3.000 người thiệt mạng.
“Tôi đã chủ định không tham gia cuộc đối thoại song phương với Tổng thống Mỹ. Tôi đã bỏ qua cuộc gặp ấy. Người ta không thể “dạy bảo” Tổng thống của một quốc gia có chủ quyền dù đó có là ông Obama đi chăng nữa. Ông ấy sẽ sai lầm nếu làm như vậy. Đó là lý do tôi muốn chống lại ông ấy”, ông Duterte nói.
Trong khi đó, người phát ngôn của ông Duterte, Ernesto Abella nhấn mạnh: “Tuyên bố của ông Duterte phản ánh rõ nét chính sách ngoại giao mới độc lập và tự chủ hơn của Philippines”.
Mỹ bối rối trước phản ứng của đồng minh thân cận
Theo các chuyên gia, động thái trên của ông Duterte đã khiến giới chức Mỹ càng thêm bất an về mối quan hệ Mỹ-Philippines kể từ khi ông Duterte lên nắm quyền vào tháng 6 vừa qua. Điều này đặc biệt quan trọng bởi Philippines là một trong những đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Philippines về việc Tổng thống Duterte kêu gọi Mỹ rút quân khỏi Mindandao. Theo ông Kirby, Mỹ vẫn duy trì cam kết với các đồng minh trong khu vực.
Một quan chức Mỹ khác cho biết, chỉ có một “nhúm” binh sĩ đặc nhiệm Mỹ còn hiện diện tại Mindanao và họ chỉ đóng vai trò hết sức hạn chế.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest dù chia sẻ những mối lo ngại của Tổng thống Duterte nhưng vẫn bày tỏ thái độ không hài lòng. Ông Earnest thậm chí còn ngầm so sánh ông Duterte với tỷ phú Donald Trump- ứng viên Tổng thống của đảng Cộng hòa nổi tiếng vì “bạo mồm”.
“Tôi nghĩ rằng [những gì ông Duterte nói-ND] phản ánh rõ nét tầm quan trọng của các cuộc bầu cử. Kết quả của các cuộc bầu cử luôn gây ra các tác động lâu dài. Các cuộc bầu cử cũng nói lên rất nhiều điều về người sẽ đại diện cho một quốc gia trên trường quốc tế.
Đó là lý do các cử tri rất trân trọng các giá trị như lịch thiệp, chừng mực và công bằng khi họ quyết định bỏ phiếu cho ai bởi họ hiểu rằng, đó chính là người đại diện cho họ và người Philippines biết rõ điều này”.
Philippinescần “một sự bảo đảm” từ Mỹ?
Chuyên gia về an ninh châu Á Robert Manning nhận định, những lời lẽ “hằn học” mà Mỹ và Philippines dành cho nhau vẫn không đủ để gây tổn hại nghiêm trọng quan hệ song phương.
“Tôi cho rằng, Chính phủ của Tổng thống Obama chỉ coi ông Duterte là “một người bốc đồng”. Một phút trước, ông ấy đe dọa sẽ đối đầu với Hải quân Trung Quốc nhưng chỉ một phút sau, ông ấy lại đề cập định đến việc đối thoại với họ”, ông Manning nói thêm.
Trong khi đó, Giáo sư Dinesh Sharma tại Viện Nghiên cứu Văn hóa Toàn cầu tại Đại học Binghamton, New York lại cho rằng, giọng điệu của ông Duterte có mang chút hơi hướng dân tộc chủ nghĩa. Ông Duterte muốn người Philippines phải tự thân vận động trong cuộc chiến chống phe đối lập trong nước thay vì nhờ cậy vào thế lực bên ngoài như Mỹ.
Giáo sư Sharma gọi những lời lẽ của ông Duterte là “mang đậm tính chất chính trị” và “phô trương sức mạnh” đúng theo phong cách “gây bão” của vị Tổng thống này.
Tuy nhiên, theo ông Manning, còn một lý do khác cho việc ông Duterte đòi Mỹ rút quân khỏi quần đảo Mindandao, đó là sự bất mãn đối với cách Mỹ hành xử trong vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc.
“Tôi nghĩ ông Duterte muốn qua lời tuyên bố của mình để hối thúc Mỹ cần có hành động cụ thể trong việc hỗ trợ Philippines bảo vệ bãi cạn Scarborough trước khả năng Trung Quốc chuẩn bị cải tạo trái phép bãi cạn này và xây dựng các công trình trên đó. Cho đến nay, Mỹ vẫn tỏ ra miễn cưỡng trong việc này”, ông Manning nói thêm.
Rất nhiều người Philippines cho rằng, Mỹ đã không ủng hộ họ đủ trong việc đối phó với các động thái làm leo thang căng thẳng của Trung Quốc đặc biệt là khi so sánh với Nhật Bản.
Theo đó, khi Trung Quốc thách thức tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản với một số nhóm đảo trong khu vực hồi năm 2015, Tổng thống Obama công khai tuyên bố, Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật vẫn được áp dụng trong trường hợp này. Tuy nhiên, Philippines lại không nhận được sự bảo đảm như vậy.
“Philippines đang duy trì chính sach “nước đôi” trong quan hệ ngoại giao. Một mặt họ muốn quân đội Mỹ hiện diện trong khu vực để bảo đảm an ninh, mặt khác họ không muốn đối đầu với Trung Quốc. Chính vì thế, Mỹ cần phải cân nhắc kỹ về việc này”, ông Manning kết luận./.
Theo Trần Khánh/VOV.VN