Ngày 7/8 vừa qua,ânhàngNhànướcxoayxởthếnàovớitỷkết quả vô địch quốc gia thổ nhĩ kỳ Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD, từ 20.826 VND lên 21.100 VND. Theo tìm hiểu của TBTCO, sau điều chỉnh đó, cuối tuần qua và đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước đã nối lại hoạt động mua vào ngoại tệ từng bị gián đoạn từ đầu quý 2/2013.
Trước đó, khoảng 15 tỷ USD mua vào khá liền mạch trong gần hai năm trước đã và đang đặt ra nhiều áp lực phải cân đối.
Ám ảnh của quá khứ
Năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ với sự kiện gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vốn ngoại đổ vào như đến với một miền đất hứa. Và lịch sử ghi nhận ứng xử của chính sách tiền tệ với dòng chảy này.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới tại thời điểm đó, chỉ riêng trong quý 1/2007, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng ngoại tệ khoảng 3 tỷ USD. Đó là một quy mô hiếm thấy, được xem là cơ hội để cải thiện nhanh dự trữ ngoại hối quốc gia. Lợi ích là rõ ràng.
Nhưng, với thị trường và giới quan sát, điều quan trọng hơn là Ngân hàng Nhà nước đã ứng xử với nó như thế nào, đặt trong nhiều cân đối vĩ mô như kiềm chế lạm phát, điều hành chính sách tỷ giá phù hợp… Mua vào 3 tỷ USD đồng nghĩa với việc cung ra khoảng 50 nghìn tỷ đồng theo tỷ giá quy đổi lúc đó. Một lượng cung tiền lớn dồn trong thời gian ngắn, áp lực đối với lạm phát là dễ hiểu.
Một mặt mua vào ngoại tệ, một mặt Ngân hàng Nhà nước đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ ngoại tệ, nhanh chóng hút một lượng lớn tiền về. Nhưng, đến nay, 2007 vẫn trở thành một năm ám ảnh trong quá khứ, khi lạm phát tăng đột biến và lãi suất khởi động một cuộc đua chóng mặt.
Năm 2006, lạm phát của Việt Nam chỉ 6,6%. Năm 2007, mục tiêu ban đầu, và dường như thụ động với biến số mua vào lượng lớn ngoại tệ đó, là kiềm chế ở 6,5%. Kết quả, lạm phát 2007 bùng nổ tới 12,6%, đánh dấu kỳ bất ổn của giá cả kéo dài cho mãi đến 2011. Đi cùng với lạm phát là lãi suất, ngay sau đó, năm 2008 đỉnh điểm ghi nhận lãi suất huy động trên thị trường có lúc lên tới trên 19%/năm!
Có nhiều yếu tố tác động và cộng hưởng, song việc mua vào lượng lớn ngoại tệ cùng quyết định tăng mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc là một nhân tố chính tạo nên ám ảnh lạm phát 2007 và sau đó là sự leo thang của lãi suất.
Khác biệt của 15 tỷ USD
Sau khi vốn ngoại đảo chiều trong năm 2008, nối tiếp là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và dự trữ ngoại hối liên tục “chảy máu”, phải đến đầu quý 2/2011 hoạt động mua vào ngoại tệ mới thực sự trở lại.
Ngày 29/4/2011, hơn hai tháng sau sự kiện tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng một bước kỷ lục 9,3% (ngày 11/2/2011), Sổ Giao dịch Ngân hàng Nhà nước nâng mạnh giá mua vào USD để chặn đà rơi của tỷ giá. Từ đó cho đến cuối quý 1/2013, ước tính đã có khoảng 15 tỷ USD được mua vào. Khoảng 300 nghìn tỷ đồng cung ra đối ứng, xử lý các áp lực liên quan có thể gợi đến nỗi ám ảnh của năm 2007.
Tuy nhiên, khác biệt đầu tiên là 15 tỷ USD đó được trải ra trong một quãng thời gian dài hơn, áp lực được giãn ra và chính sách có điều kiện hơn để ứng xử.
Khác biệt căn bản nhất là Ngân hàng Nhà nước đã đi theo con đường khác. Thay vì tăng mạnh và đột ngột tỷ lệ dự trữ bắt buộc như năm 2007, nhà điều hành sử dụng các công cụ khác, đặc biệt là tín phiếu để hút tiền về, linh hoạt kỳ hạn và thời điểm; thêm đó là hạn chế cung vốn qua các kênh khác, như giảm hẳn kênh tái cấp vốn.
Một số nguồn tin trong cuộc ước tính rằng, trong khoảng 300 nghìn tỷ đồng đó thì phân nửa đã được hút về, còn lại nó đọng trong nền kinh tế. Dễ nhận thấy một biểu hiện đều đặn trong hai năm qua là tăng trưởng cung tiền ở mức khá cao, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định và có biểu hiện dư thừa.
Nếu năm 2007, 3 tỷ USD nói trên là vốn của nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước mua vào và cung tiền ra, song lại “khóa hẳn” phần đưa ra trong kho qua nâng dự trữ bắt buộc. Phản ứng trên thị trường là thanh khoản căng và lãi suất tăng nhanh. Còn nay, vốn của thị trường vẫn được điều tiết cho thị trường, thanh khoản tốt và lãi suất hạ.
Khác biệt nữa là năm 2007 nền kinh tế vào đà tăng trưởng, sức hấp thụ vốn tốt và tăng trưởng tín dụng bùng nổ tới 51,39% - một tác nhân gây lạm phát cao. Còn nay, nền kinh tế trải qua nhiều khó khăn, sức hấp thụ và sức cầu kém đi, tăng trưởng tín dụng hai năm liên tiếp chật vật ở khoảng 10 - 12%, lạm phát hạ nhiệt.
Tất nhiên, có nhiều yếu tố, hay các mối quan hệ khác tác động đến lạm phát tại hai kỳ so sánh này. Nhưng dù sao, việc Ngân hàng Nhà nước vừa mua vào được 15 tỷ USD để cải thiện dự trữ ngoại hối, vừa kiềm chế được lạm phát, giữ ổn định được tỷ giá, có thể nói là thành công.
Guồng quay chưa dừng…
Nếu trong quý 1/2007, 3 tỷ USD mua vào thì 50 nghìn tỷ đồng đối ứng được xử lý khá dứt điểm và gọn qua tăng mạnh dự trữ bắt buộc, thì guồng quay xử lý 15 tỷ USD sau này vẫn chưa dừng.
Cứ cho Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã hút về 150 nghìn tỷ đồng, chủ yếu qua kênh tín phiếu. Vậy thì, dòng tiền nó vẫn đều đặn đến hẹn trở về. Đặc điểm của tín phiếu mà nhà điều hành phát hành thời gian qua là rất ngắn, các kỳ hạn phổ biến không quá 3 tháng. 150 nghìn tỷ đồng đó liên tục quay vòng, hút – đáo hạn – hút, áp lực cung tiền là luôn thường trực.
Dĩ nhiên, dễ thấy là Ngân hàng Nhà nước vẫn đang một mực đi con đường đó, không dùng liệu pháp mạnh là tăng dự trữ bắt buộc, nên tín phiếu vẫn là công cụ chủ lực, và bốn tháng qua có thêm kênh hút tiền qua đấu thầu vàng.
Cuối tuần qua và đầu tuần này, hoạt động mua vào ngoại tệ có triển vọng được nối lại. Guồng quay trên có thể lại nới thêm. Bên cạnh yêu cầu cân đối cung tiền với lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, hạn chế tác động tiêu cực đến lãi suất, một yếu tố bên lề là chi phí Ngân hàng Nhà nước phải bỏ ra để tạo và giữ được guồng quay đó.
Chỉ riêng tín phiếu, cứ cho lãi suất phải trả thời gian qua và sắp tới là 5 - 6%/năm, với quy mô và tần suất của guồng quay đó, chi phí hẳn rất lớn. Cho nên, 3 tỷ USD hay 15 tỷ USD là cái được cho dự trữ ngoại hối, nhưng đâu phải là được hẳn!
Chính Trung