Kỷ niệm không thể nào quên
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở Hà Tĩnh,n ktile hom nay năm 1957, ông Trần Văn Tuân được cử đi học Trường Sư phạm Liên khu IV tại tỉnh Nghệ An. Ra trường, ông về quê dạy học tại Trường Bổ túc văn hóa cán bộ Hương Khê. Năm 1983, ông được điều chuyển vào chi viện cho giáo dục miền Nam và làm Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa tập trung Đồng Phú. Đây là cơ duyên để ông gắn bó với mảnh đất ấp Chợ, xã Tân Tiến (huyện Đồng Phú) cho đến tận hôm nay. Năm nay bước sang tuổi 86, với gần 55 năm tuổi Đảng, ông gần như đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục. Ông đã được công nhận Chiến sĩ thi đua ngành giáo dục nhiều năm liền; được tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; năm 1995, ông được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”... Nhưng với ông giáo già Trần Văn Tuân không có phần thưởng nào quý giá và trân trọng hơn giây phút ngắn ngủi được gặp Bác Hồ vào năm 1957, tại hội trường Trường Sư phạm Liên khu IV.
Dù đã bước qua tuổi 86, hằng ngày ông Trần Văn Tuân vẫn say sưa đọc sách, báo về Bác Hồ
Ông Tuân nhớ lại: “Hôm ấy, sau bữa cơm chiều, loa phát thanh trường thông báo đến tất cả giáo viên, cán bộ, công nhân viên, giáo sinh đúng 18 giờ tập trung tại hội trường để nghe Ban giám hiệu phổ biến tin đặc biệt. Chúng tôi đoán già, đoán non không biết có sự kiện gì. Khi mọi người tập trung đầy đủ, thầy giáo Sỹ thay mặt trường thông báo tối nay có cán bộ Trung ương về nói chuyện, đề nghị mọi người ăn mặc gọn gàng và đeo phù hiệu. 18 giờ 30 phút, đèn điện bật sáng, lực lượng vũ trang đã chốt tại các ngã tư đường làm nhiệm vụ cảnh vệ. Đúng 19 giờ, Bác giản dị trong bộ quần áo ka ki màu vàng, chân đi dép lốp cao su bước vào hội trường. Chúng tôi reo lên đầy xúc động: “Bác Hồ! Bác Hồ!”. Bác giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng, rồi với giọng quê hương xứ Nghệ, Bác nói: “Thưa các cụ phụ lão, các bà mẹ chiến sĩ cùng các cháu thanh, thiếu niên, nhi đồng! Quê hương nghĩa trọng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình. Tôi xa quê hương đã năm mươi năm rồi. Thường người ta xa nhà, lúc trở về thì mừng mừng, tủi tủi, nhưng tôi không buồn, không tủi. Tôi rất vui. Vui vì khi tôi ra đi nhân dân còn là nô lệ, bọn đế quốc phong kiến đè đầu cưỡi cổ. Bây giờ tôi về thì đất nước đã được giải phóng, nhân dân đã được tự do”. Nói rồi Bác thân mật hỏi thăm một cụ già: “Xin cụ cho biết nông dân đi cày cần gì?”. Cụ trả lời: “Nông dân cần ruộng đất, trâu bò và nông cụ”. Bác hỏi tiếp: “Thế theo cụ cải cách ruộng đất có thắng lợi không?”. Cụ trả lời: “Thắng lợi!”. Nhìn quanh một lượt hội trường, Bác lại ân cần hỏi tiếp: “Ở đây ai đại diện cho chính quyền thị xã Vinh?”. Một phụ nữ đứng dậy nhanh nhảu đáp: “Thưa Bác, cháu là Lan, đại diện cho chính quyền thị xã Vinh”. Bác hỏi tiếp: “Ở Vinh hiện tại có tệ nạn gì?”. Chị Lan trả lời: “Thưa Bác, tệ nạn đầu cơ tích trữ và giặc đói đang cản bước tiến của thị xã”. Bác hỏi: “Thế cháu hứa đến lúc nào thanh toán?”. Chị Lan trả lời: “Đến mùa thu ạ!”. Bác hỏi: “Mùa thu 57 hay 58 đây? Làm cán bộ như vậy là sa vào tệ nạn quan liêu rồi đấy!”. Như biết lỗi, chị Lan đáp: “Cháu xin hứa mùa thu 57 sẽ thanh toán hết các tệ nạn”.
Nhấp ngụm trà nóng, ông Tuân kể tiếp: Câu chuyện của Bác với mọi người càng về sau càng ấm áp, thân tình, như không hề có sự ngăn cách. Cuối buổi nói chuyện, Bác còn bắt nhịp bài hát “Kết đoàn” để mọi người cùng vỗ tay, say sưa ca hát. Bác hòa vào niềm vui với mọi người rồi lên xe về Khu ủy Liên khu IV. Đêm ấy, ký túc xá phòng nào cũng sáng đèn. Tôi thấy tất cả mọi người đang viết về kỷ niệm lần đầu tiên gặp Bác Hồ với một tình yêu vô hạn.
Học Bác để lòng trong sáng hơn
Dù cuộc gặp gỡ ngắn ngủi nhưng trong trái tim cựu nhà giáo Trần Văn Tuân, kỷ niệm lần đầu gặp Bác Hồ kính yêu vẫn vô cùng sâu đậm. Đã gần 65 năm trôi qua nhưng những lời dạy của Bác từ cuộc gặp gỡ đó mãi in sâu trong tâm trí và trở thành kim chỉ nam trong công việc cũng như cuộc sống hằng ngày của ông. Giờ đây, khi đã ở cái tuổi “xế chiều”, hằng ngày ông vẫn sưu tầm tài liệu, nghiên cứu thơ, văn, những mẩu chuyện kể về Bác Hồ để răn dạy con cháu.
“Hai bên nội ngoại con cha cháu ông/ Cộng sản hào lý một dòng trâm anh/ Đi qua hai cuộc chiến tranh/ Luyện mãi thành thép trưởng thành lớn khôn/ Đừng để cơ chế thị trường/ Làm thương mại hóa tâm hồn của ta/ Giữ đẹp nghi thất, nghi gia...”. |
Ông Trần Văn Tuân nhắc nhở con cháu bằng những vần thơ |
Theo ông Tuân, là một người dân phải phụng thờ 3 tổ: Tổ quốc, tổ tiên và tổ ấm. Lúc nào ông cũng răn dạy con cháu phải tự hào về truyền thống của mình, truyền thống một lòng theo Đảng, một lòng phụng sự Tổ quốc.
Năm nay bước qua tuổi 86, hằng ngày ông vẫn say sưa đọc sách, sưu tầm tài liệu, sách, báo nói về Bác. Thời gian rảnh, ông thường mang những câu chuyện về Bác mà bản thân sưu tầm được kể lại cho đoàn viên, thanh niên, học sinh. Ông mong muốn thế hệ trẻ sau này càng phải biết và tự hào về người Cha già của dân tộc để phấn đấu nhiều hơn nữa trong học tập, rèn luyện, hành động xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh như ước nguyện của Người.
“Bác Hồ từng nhắc nhở thế hệ trẻ rằng: Tiền đồ của Tổ quốc như một con tàu đang đi giữa biển cả mênh mông, các cháu là những hành khách trên con tàu đó. Vận tốc con tàu đi nhanh hay chậm phụ thuộc vào các cháu, cũng như cơ đồ của đất nước này có phát triển để sánh vai với các cường quốc hay không phụ thuộc vào thế hệ trẻ hôm nay”. |
Ông Trần Văn Tuân |