Trên 63 nghìn tỷ đồng vốn chưa được phân bổ chi tiết
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến nay, tổng số vốn đã được các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ là 692.138,4 tỷ đồng, đạt trên 91% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (707.044,2 tỷ đồng). Nếu tính cả số vốn các địa phương giao tăng so với kế hoạch vốn Thủ tướng đã giao (trên 48.290 tỷ đồng), thì tổng số vốn đã được phân bổ đạt 97,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Như vậy, hiện còn 63.195,9 tỷ đồng vốn chưa được phân bổ chi tiết, chiếm 8,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó, vốn trong nước là 61.535,3 tỷ đồng; vốn ngoài nước là 1.660,5 tỷ đồng.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng cho biết chi tiết, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương (NSTW), không bao gồm vốn chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), có 24 bộ, cơ quan trung ương và 30 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn NSTW đã được giao. Đáng chú ý, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (87,94%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (86,21%), Bộ Y tế (79,02%), Hưng Yên (80,75%), Tuyên Quang (71,49%)...
Nếu tách riêng kế hoạch vốn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên 129.560 tỷ đồng, thì kế hoạch vốn NSTW đã phân bổ của một số bộ, ngành đạt khá cao như: Bộ Công thương (100%), Bộ Giáo dục và Đào tạo (72,14%), Bộ Tài chính (63,06%)…
2 cơ quan trung ương chưa có báo cáo phân bổ vốn Bộ Tài chính hiện nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 của 50 bộ, cơ quan trung ương và 63 địa phương. Còn lại 2 cơ quan trung ương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo. Trong số bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã gửi báo cáo phân bổ kế hoạch vốn năm 2023, có 24 bộ, cơ quan trung ương và 42 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao |
Nguyên nhân do vốn trong nước chủ yếu là các dự án thuộc chương trình chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa đủ điều kiện để giao chi tiết vốn năm 2023. Một số dự án thuộc chương trình mới được Thủ tướng Chính phủ giao chi tiết kế hoạch vốn (Quyết định số 202/QĐ-TTg ngày 8/3/2023) hiện nay đang được các bộ, địa phương hoàn thiện các thủ tục để triển khai giao kế hoạch vốn năm 2023.
Ngoài ra còn một số dự án của địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, thủ tục điều chỉnh dự án như: cao tốc Cao Bằng - Lạng Sơn; đường vành đai 4 vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Hưng Yên); kè đầm Cù Mông (tỉnh Phú Yên).
Vốn nước ngoài chưa phân bổ hết do nhiều địa phương chưa hoàn thành thủ tục ký hiệp định vay (Quảng Trị, Phú Yên); chưa được ký thỏa thuận vay với nhà tài trợ, đang lấy ý kiến nhà tài trợ hoàn thiện thủ tục sử dụng vốn (Đắk Nông); địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết (Quảng Ninh).
Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP), có 43 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối NSĐP tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 13 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối NSĐP.
Nguyên nhân do một số địa phương mới giao kế hoạch đợt 1, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa phân bổ hết vốn đầu tư từ nguồn sử dụng đất, bội chi NSĐP.
Đối với vốn kế hoạch CTMTQG, Bộ Tài chính mới nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch vốn của 45/48 địa phương. Hiện còn 3 địa phương Bộ Tài chính chưa nhận được báo cáo là Bình Định, Bình Thuận, Bạc Liêu.
Trong số 45 địa phương gửi báo cáo, có 15 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn; 24 địa phương chưa phân bổ vốn chi tiết đến danh mục dự án. Nguyên nhân là do dự án đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn.
Khẩn trương phân bổ hết số vốn còn lại
Để việc phân bổ vốn được thực hiện theo đúng quy định, giúp cho công tác giải ngân vốn được đẩy nhanh tiến độ, ngay từ đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện kiểm tra việc phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương, theo quy định của Luật NSNN và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.
Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, qua kiểm tra, các dự án đã được các bộ, cơ quan trung ương phân bổ vốn đúng quy định và Bộ Tài chính đã chủ động phê duyệt dự toán để kịp thời có vốn giải ngân cho các dự án đó. Đối với số vốn chưa đủ điều kiện phân bổ của các đơn vị, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi từng bộ, ngành, địa phương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết theo đúng quy định làm căn cứ để nhập dự toán và kiểm soát thanh toán cho các dự án.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết vốn kế hoạch đầu tư công cho từng nhiệm vụ, dự án đã đủ điều kiện giao vốn theo quy định của pháp luật về đầu tư công và nhập dự toán trên Tabmis (Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc) đảm bảo thời hạn theo quy định; chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục mở tài khoản và cấp mã số đơn vị quan hệ ngân sách đối với các dự án khởi công mới để có cơ sở nhập dự toán cho các dự án đủ điều kiện phân bổ.
Tuy nhiên, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 vẫn chưa được phân bổ hết. Do đó, ông Đức cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể về điều kiện bố trí vốn chuẩn bị đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm để các bộ, cơ quan trung ương, địa phương có cơ sở thống nhất thực hiện. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 đã được Thủ tướng Chính phủ giao theo đúng quy định.
3 trong số 5 địa phương được kiểm tra chưa phân bổ hết kế hoạch Trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng đã có cuộc kiểm tra trực tuyến và trực tiếp tại 5 địa phương Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Gia Lai, Bình Dương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công và giải ngân vốn đầu tư công. Báo cáo của Tổ công tác số 5 cho thấy, trong 5 tỉnh được kiểm tra, có 2 tỉnh là Bình Dương và Bình Định đã phân bổ 100% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao cho các dự án. Còn lại tỉnh Phú Yên được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 trên 4.611 tỷ đồng. Kế hoạch địa phương phân bổ chi tiết cho các dự án (đến hết tháng 4/2023) trên 6.088 tỷ đồng, đạt trên 132% kế hoạch Thủ tướng giao (tỉnh triển khai tăng phần vốn NSĐP). Tuy nhiên, đến nay, tỉnh chưa phân bổ hết vốn cho các dự án. Cụ thể, nguồn vốn NSTW còn trên 447 tỷ đồng; vốn NSĐP còn gần 557 tỷ đồng. Tương tự, số vốn còn lại chưa phân bổ của tỉnh Đồng Nai (so với số vốn HĐND giao) là gần 1.465 tỷ đồng; tỉnh Gia Lai còn trên 435 tỷ đồng chưa phân bổ. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2023, Tổ trưởng Tổ công tác số 5 đã đề nghị các địa phương này khẩn trương phân bổ hết nguồn vốn được giao và thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp tại công văn số 03/BTC-ĐT ngày 3/1/2023 của Bộ Tài chính về việc đôn đốc phân bổ, nhập dự toán Tabmis, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của các bộ, ngành, địa phương. |