Báo VietNamNet tổ chức cuộc thi "Chuyện của những dòng sông" để quý độc giả có thể chia sẻ những câu chuyện đẹp,ệncủanhữngdòngsôngXuôidòngsôlịch bóng đá nhà nghề mỹ những ký ức về sông, phản ánh những vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa bên những dòng sông và thể hiện những mong muốn, dự định, ý tưởng thúc đẩy sự phát triển bền vững trên các dòng sông và cho cộng đồng. Cuộc thi diễn ra từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Xin trân trọng giới thiệu bài viết Xuôi dòng sông Bacủa nhóm tác giả Trần Chí Kông - Trần Thanh Hưng. |
Từ độ cao hơn 1.500m trên đỉnh núi Ngọc Rô, mây và nước cứ tuần hoàn tụ hơi, rơi hạt, khơi những khe nước nhỏ, rồi lèn đá, qua ghềnh, hợp lưu thành dòng, chảy mãi thành sông. Sông Ba như một chàng lực sĩ đứng giữa giang sơn, dang đôi tay từ Tây sang Đông, nối núi rừng Trường Sơn với biển cả. Dòng sông như một con rồng, quẫy đuôi reo vui với đại ngàn và ngẩng đầu nhìn thẳng ra đại dương. Dù xuôi hay ngược sông Ba, ta đều có cảm giác “lên rừng - xuống biển” - một hành trình hình thành dân tộc, xây dựng nước non.
Sông Ba nơi miền Thượng
Chúng tôi xuất hành để xuôi dòng sông Ba bằng lộ trình ngược dòng chảy của sông tới núi Ngọc Rô trong dãy núi Ngọc Linh, nơi phát nước để thành sông.
Ngọc Linh Liên Sơn hay là dãy Ngọc Linh gồm 10 dãy núi cao nối thành đường phân thủy cho hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông; một hệ thống chảy sang phía Đông gồm: sông Cái (đầu nguồn sông Vu Gia), sông Thu Bồn, sông Trà Khúc và sông Ba.
Ngày trước, giới học giả thường dùng cụm từ “sông ngòi” với ngụ ý “sông” luôn gắn với ngòi”. Ngòi sông Ba ở trong lòng núi Ngọc Rô. Còn cửa sông Ba thì chảy qua thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.
Từ thành phố Tuy Hòa ngược lên, chúng tôi không tham vọng bất cứ một sự ly kỳ nào cho sự tìm kiếm ngọn nguồn dòng sông này. Tuy nhiên, cái cảm giác về ngòi, về nguồn như một nam châm hút chúng tôi về phía núi.
Phía núi có người Bahnar và người Sedan sinh sống. Đó là hai tộc người quan trọng nhất Tây Nguyên mà Ngọc Rô cũng như cả dãy Ngọc Linh như tấm lưng che chở cho sự sống của họ.
Ngày xưa, khi ông bà ta chưa đủ điều kiện ra biển thì xứ sở được hiểu theo hai thành tố “núi” và “sông”. Khái niệm ấy trở nên thiêng liêng hơn khi ta đến đây, thượng nguồn sông Ba. Cả cái cầu treo bắc theo dáng truyền thống cũng như một cái gạch nối không chỉ cho đôi bờ sông mà còn giữa hiện tại và quá khứ.
Nhìn thung lũng Mường Hoong dưới chân núi Ngọc Linh là nơi cư trú lâu đời của người Sedang, chúng tôi chợt nhớ tới giả thuyết cho rằng, tổ tiên các sắc tộc ở đây xưa kia phần lớn là người đồng bằng chạy lên cao nguyên lánh nạn và ở lại luôn; với thời gian, những hòa trộn chủng tộc giữa các nhóm di dân cũ và mới làm nảy sinh những nhóm sắc tộc khác nhau.
Như vậy, họ có ngược dòng sông Ba không để ngày nay chúng tôi xuôi dòng sông này để tìm về quá khứ. Cấy lúa, chăn vịt, nuôi gà, thả trâu… ai đem cách thức ấy lên, ai mang kinh nghiệm nào về? Chắc rằng, mọi sự giao lưu đều có sự can dự của dòng sông.
Dẫu là giả thuyết, nhưng cái sự lên miền Thượng thuở xưa ấy đã đan chéo trong cảm xúc chúng tôi khi về miền miền sơn cước...
Di sản của dòng sông
Miền thượng sông Ba có măng và sâm. Măng để ăn còn sâm để làm thuốc. Sâm mọc trên núi Ngọc Linh nên người ta gọi là sâm Ngọc Linh.
Chuyện về loài sâm quý này còn nằm trong bụng già A Nít ở làng Long Lái, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông. Trong chiến tranh, người sắc tộc gọi sâm Ngọc Linh mọc trong rừng là cây “cỏ giấu” hay “củ đắng”.
Quốc lộ và sông Ba lượn lờ nhau như một cuộc trốn tìm. Có lúc, khi hai bên đường được phát quang thì chẳng thấy sông đâu. Nhưng khi một vạt rừng lù lù đến thì qua những khoảng trống, ta lại thấy thấp thoáng mặt sông.
Thiên nhiên bao giờ cũng là niềm khích lệ cho những ai thích khám phá.
Ngày trước, làng Tơng bên bờ sông Ba, thuộc huyện Kông Chro, tỉnh, Gia Lai là nơi khí hậu khô khan, nguồn nước khan hiếm vào loại bậc nhất Tây Nguyên. Nơi cằn cỗi ấy đã sinh ra H’Ben - một sơn nữ Bahnar xinh đẹp, hát hay và múa giỏi. Thời con gái đi kháng chiến, hát ca từ Nam ra Bắc. Tuổi về chiều, Giàng bảo H’Ben trở về cố hương để nghe chim hót, suối reo…
Bên dòng suối Iam Lăh, đổ ra sông Ba ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa có hai anh em Nay Phai và Nay Tri. Nghề của họ là sửa chiêng, thẩm âm. 10 năm theo ông nội thụ nghề, giờ hai anh em đã trở thành nghệ nhân độc đáo. Không phải cái cồng, cái chiêng nào sau khi đúc ra đều gõ nghe đúng nghe hay. Mặt khác, cồng chiêng lệch âm là do quá trình sử dụng, đánh không đúng bài bản, bị đánh mạnh hoặc bị oxy hóa đồng. Như một bác sĩ giỏi, họ chẩn đúng bệnh. Như một thợ thủ công khéo, họ gò nắn mặt chiêng. Và hơn cả, họ là một nghệ nhân thính đôi tai.
Để tìm di sản của dòng sông, có một người đàn ông thường men theo những khe suối nhỏ. Để lắng nghe cái di sản mênh mông ấy, ông thường ngủ lại trong rừng.
Men theo những lối mòn, theo đìu hiu gió núi, ông bắt gặp di sản của dòng sông, đó là những cái bụng lưu giữ dân ca, trường ca. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng là người sắc tộc Chăm H’roi ở buôn Kiến Thiết, xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên. Bản thân ông sẽ là một di sản cho cháu con.
Y Điêng người dân tộc Ê đê lớn lên tại Buôn Thung, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh. Buôn Thung nhỏ, khoảng mươi nóc nhà nằm ở phía đông núi Mẹ Bồng Con, bên bờ nam của con sông Hinh, một phụ lưu của sông Ba khi chảy vào Phú Yên. Nhà văn Y Điêng được thế hệ các nhà văn ví như bóng cây kơ nia đại thụ, như già làng của văn học của Tây Nguyên. Nhà văn Y Điêng biết tiếng Pháp, Lào, giỏi nhiều tiếng đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Na, Chăm, Gia Rai, Tày… Nhưng giá trị hơn cả là ông là người Êđê đầu tiên vượt qua khỏi văn học dân gian truyền miệng để bước tới văn học viết. Ông cũng là người đầu tiên viết truyện dài bằng song ngữ Êđê - Việt, và ông cũng là người Êđê đầu tiên được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.
Ông Y Điêng viết văn, còn ông Mô Lô Y Choi thì làm thơ. Hai ông sóng đôi trong làng văn học Tây Nguyên như đôi bờ con sông Hinh. Bằng thơ, ông Mô Lô Y Choi đã tạo ra một “Cô gái vót chông” đầu búi tóc thon, tay thoăn thoắt vót chông, miệng thánh thót hát để nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc...
Nơi sông Ba gặp biển
Sông Ba trước khi ra biển có tên là sông Đà Rằng. Một cây cầu cùng tên vắt ngang như thể nghênh đón dòng nước miệt mài ngàn dặm. Cầu Đà Rằng dài 1.512m, là cầu dài nhất miền Trung Việt Nam.
Thành phố Tuy Hoà, thủ phủ của tỉnh Phú Yên là một điểm nhấn cuối cùng cho con sông. Thành phố trẻ này nồng nhiệt đón con sông rộng hơn, phẳng lặng hơn sau một chặng dài quấn quanh núi rừng và ghềnh thác.
Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đã hành quân vào đây. Tương truyền, chính vị vua có công mở cõi đã sai quần thần khắc lên một tảng đá lớn trên núi Thạch Bi, còn gọi là núi Đá Bia, thuộc hạ lưu sông Ba, làm mốc ranh giới Đại Việt - Chăm Pa. Đây cũng là một dấu mốc lịch sử trong quá trình Nam tiến của người Việt khi xưa.
Tiếp giáp với cửa sông Đà Rằng về phía Nam là Vịnh Vũng Rô, 60 năm trước, Hải quân Nhân dân Việt Nam đáp những con tàu không số đổ quân cụ cho Quân giải phóng kháng chiến chống Mỹ.
Trong vùng vịnh xinh đẹp này, người Pháp đã cất ngọn đèn biển mang tên Đại Lãnh, chấm ngay phần đất liền nhô ra xa nhất về phía Đông của bờ biển Việt Nam.
Sông Đà Rằng, hay còn gọi là sông Đà Diễn, nơi vào năm 1578, đô chỉ huy sứ Lương Văn Chánh vâng mệnh chúa Nguyễn Hoàng đem khoảng 4.000 lưu dân từ Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Quảng vào khai khẩn, lập xóm làng tại vùng đồng bằng Tuy Hòa.
Năm 1689, cụ Lương Văn Chánh được truy phong tước Bảo quốc chi thần, nghĩa là thần bảo hộ đất nước. Đến năm 1693, ông lại được phong một lần nữa tước Bảo Quốc hộ dân chi thần, nghĩa là thần bảo hộ đất nước và dân chúng.
Sông Ba trước khi ra biển đã dốc hết phù sa tạo nên một triền sông rộng. Như để tô điểm cho dòng sông, người dân thành phố Tuy Hoà dành đất ấy để trồng rau và trồng hoa. Sau mùa lũ là đến mùa hoa, mùa giáp Tết.
Nơi sông Ba gặp biển có một làng chài, nói đúng hơn là là một đại bản doanh của ngư dân Phú Yên. Nơi đây, từ năm 1994 đã phát sinh nghề câu cá ngừ đại dương của Việt Nam, làm cho nghề cá thêm hùng hậu vươn ra biển lớn.
Hoà vào lễ hội cầu ngư tưng bừng ở làng biển, sông Ba, con rồng của miền Trung hả hê kết thúc hành trình dài 374 km của mình. Mang nguồn lực của dòng sông, con người vững tin hơn khi ra biển lớn.
Ví dòng sông như một thiếu nữ, ở Ayun Pa nơi thượng nguồn, người thiếu nữ ấy vận chiếc váy thổ cẩm, lung linh múc nước sông, thì sông Ba nơi hạ nguồn, nàng khoác chiếc áo dài tha thướt ngắm dòng sông. Chảy ra biển để tiếp tục kể một câu chuyện dài hay mong nhớ thượng nguồn để tìm thêm ký ức - cả hai cùng có một dòng sông.
Trần Chí Kông - Trần Thanh Hưng
Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu đồng Cuộc thi "Chuyện của những dòng sông” do báoVietNamNettổ chức, bắt đầu từ ngày 5/3 đến 30/6/2024 trên mục Du lịch. Ban tổ chức khuyến khích các tác giả dự thi thể hiện tác phẩm dưới hình thức đa phương tiện, trong đó, video clip có độ dài từ 1 đến 3 phút, ngôn ngữ lời bình bằng tiếng Việt, ảnh có số lượng dưới 12 bức kèm chú thích; khuyến khích các tác phẩm dự thi có hơi thở báo chí đời sống, có câu chuyện nhân vật, phản ánh những vấn đề của người dân đang sinh sống tại các dòng sông, có tác động và có ảnh hưởng tới sự phát triển của những dòng sông. Cơ cấu giải thưởng: 01 giải Nhất trị giá 50 triệu đồng; 01 giải Nhì trị giá 30 triệu đồng; 02 giải Ba mỗi giải trị giá 10 triệu đồng. Ngoài ra, còn có các giải thưởng phụ do đơn vị tài trợ trao tặng. Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí ăn, ở, đi lại cho các tác giả đạt giải Nhất, Nhì đang sinh sống ở Việt Nam đến TPHCM nhận giải. Trong trường hợp nhóm tác giả đạt giải, Ban tổ chức sẽ đài thọ chi phí cho 01 người đại diện nhóm đến TPHCM nhận giải. Để biết thêm thông tin chi tiết về thể lệ cuộc thi, xin vui lòng truy cập địa chỉ sau: https://vietnamnet.vn/bao-vietnamnet-to-chuc-cuoc-thi-chuyen-cua-nhung-dong-song-2255386.html |