Chuyển đổi sang giống cấy mô là giải pháp để nâng cao chất lượng và sản lượng gỗ. |
Một số thay đổi trong điều kiện sản xuất thời gian qua mà gần như ai cũng nhìn thấy là xâm nhập mặn sâu hơn, môi trường biến động nhiều hơn, dịch bệnh, sâu bệnh nhiều hơn… Ðặc biệt, tình trạng hạn hán kéo dài thiệt hại cho sản xuất, thiếu nước ngọt sinh hoạt, hư hỏng đường giao thông trong vùng ngọt hoá càng trở nên nghiêm trọng hơn và mức độ xâm nhập mặn vào nội đồng ngày một sâu hơn. Thiên tai mang tên hạn - mặn đã và đang tác động bất lợi đến sản xuất, đời sống Nhân dân, cả sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tình trạng xâm nhập mặn có thể thấy rõ nhất tại vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau. Trải qua 2 đợt đại hạn vào năm 2016 và 2020 xâm nhập mặn khiến diện tích sản xuất theo hệ sinh thái ngọt nơi đây giảm dần. Theo quyết định phê duyệt quy hoạch của UBND tỉnh năm 2002, vùng Bắc Cà Mau có diện tích tự nhiên hơn 154.000 ha. Trong đó có hơn 100.000 ha đất nông nghiệp và gần 45.000 ha đất lâm nghiệp. Theo quy hoạch này, vùng ngọt hoá Bắc Cà Mau được chia làm 5 tiểu vùng, tuy nhiên, đến nay chỉ còn Tiểu vùng III và phần lớn Tiểu vùng II còn giữ được ngọt.
Trước sự thay đổi trong điều kiện sản xuất thời gian qua, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, đã đến lúc cần phải tiếp tục cơ cấu lại các ngành hàng, cơ cấu lại giống, mùa vụ... cho phù hợp với thực tiễn của từng địa phương, từng vùng sản xuất. Trong đó, đặc biệt phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để không chỉ thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu mà còn đáp ứng được thực tiễn hiện nay của sự phát triển. Phải tiến hành tổ chức lại sản xuất theo hướng chất lượng, xây dựng thương hiệu gắn kết với thị trường tiêu thụ.
Trong giai đoạn 2015-2020, tình hình sản xuất trong tỉnh trải qua rất nhiều đợt thiên tai, từ khô hạn dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn cho đến mưa lớn kéo dài gây ra ngập úng. Dù phải chịu thiệt hại nặng nề, nhưng trên từng lĩnh vực vẫn có nhiều bước phát triển vượt bậc. Tiêu biểu như ngành hàng tôm, trong năm 2020 đạt trên 200.000 tấn. Hay như ngành hàng lúa, dù không phải là thế mạnh so với các tỉnh ÐBSCL nhưng nhờ tận dụng lợi thế lúa chất lượng, nhất là lúa - tôm và trong 3 năm gần đây xây dựng được vùng lúa chất lượng cao, lúa an toàn và có hơn 300 ha đạt chứng nhận quốc tế. Ngoài ra, các ngành hàng khác như chuối, chăn nuôi, nhất là gia cầm theo kế hoạch năm 2020 phát triển hơn 4 triệu con nhưng lại đạt trên 5,7 triệu con… Có được kết quả ấy phần lớn là nhờ đề án tái cơ cấu, trong giai đoạn này đã tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển các ngành hàng để thích ứng với biến đổi khí hậu và nhu cầu thị trường.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu như hiện nay, ông Bằng cho biết thêm, tái cơ cấu lần này phải đi theo hướng khác hơn, yêu cầu cao hơn. Không chỉ để thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn để theo kịp xu thế phát triển. Hiện nay, khoa học - kỹ thuật phát triển như vũ bão, do đó nếu chúng ta chậm sẽ thụt lùi ngay so với các tỉnh lân cận chứ đừng nói khu vực và cả nước. Song song với phát triển sản phẩm chất lượng, xây dựng thương hiệu là phải tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Theo đó, để đạt được mục tiêu này, ngành đã có kế hoạch tập trung đầu tư, phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững gắn với hệ thống quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Ðồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và các hoạt động xúc tiến thương mại…
Mục tiêu tỉnh đặt ra đối với các mặt hàng chủ lực của tỉnh: Diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha, sản lượng đạt 280.000 tấn/năm, trong đó khoảng 5.000 ha nuôi siêu thâm canh; sản lượng cua biển khoảng 25.000 tấn/năm. Ðối với lúa gạo, tập trung phát triển sản xuất lúa gạo hữu cơ, mở rộng diện tích chuối đạt 6.000 ha kết hợp với liên kết chế biến đa dạng sản phẩm chuối và phụ phẩm từ cây chuối. Sản phẩm từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ phát triển theo hướng thâm canh gỗ lớn để đạt sản lượng trên 400.000 m3vào năm 2025…
Ðể đạt mục tiêu trên, ông Bằng chia sẻ, ngành sẽ tiến hành rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai. Từ đó, khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ ruộng đất nhằm tổ chức sản xuất theo nhu cầu thị trường và đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Ðồng thời, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ thông tin trong toàn bộ các khâu của chuỗi giá trị… Trong đó, quan trọng nhất là phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp để thúc đẩy các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, lấy doanh nghiệp làm trụ cột để dẫn dắt, từ việc đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản sản phẩm cho đến quản trị, tiêu thụ sản phẩm và kinh tế số..../.
Song Nguyễn