Từ chỗ còn nhiều khó khăn thiếu thốn vào những ngày đầu mới thành lập,ĐổithayởVịxem tỷ số mu nhưng trải qua 20 năm đầu tư xây dựng, hiện thành phố Vị Thanh có nhiều đổi mới, phát triển trên các mặt từ thành thị đến nông thôn, trong đó trung tâm thành phố đang trở thành tỉnh lỵ của Hậu Giang.
Một góc đô thị Vị Thanh. Ảnh: LÝ ANH LAM
Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho biết: “Là người con sinh ra, lớn lên và gắn bó trong suốt quá trình học tập, làm việc ở vùng đất này, đặc biệt là tôi cũng có được may mắn là đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, đảm nhiệm nhiều chức vụ lãnh đạo nên hơn ai hết, tôi đã chứng kiến sự thay đổi từng ngày của quê hương mình. Đáng chú ý là sau 20 năm thành lập, thành phố Vị Thanh đã có nhiều “thay da, đổi thịt”, tạo nên một diện mạo mới, một thành phố trẻ năng động xứng đáng là thành phố trung tâm của tiểu vùng Tây sông Hậu - cửa ngõ Bắc bán đảo Cà Mau, đô thị vệ tinh của thành phố Cần Thơ”.
Đổi thay cơ sở hạ tầng
Một trong những điều không chỉ người dân ở thành phố Vị Thanh mà cả những người ngoài thành phố đều cảm thấy ngỡ ngàng trước sự đổi thay của Vị Thanh hôm nay là cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang rất nhiều so với những ngày mới thành lập thị xã Vị Thanh năm 1999 (nay là thành phố Vị Thanh). Ông Trần Công Đức (62 tuổi), người dân ở đường Đồ Chiểu, phường I, chia sẻ: “Tôi còn nhớ rất rõ ngày mới thành lập thị xã. Khi đó, xung quanh Vị Thanh chỉ có mấy con đường chính như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thái Học, Lê Hồng Phong… Tuy nhiên, đường nhỏ và xuống cấp nên vào mùa mưa thường bị ngập, có nơi xuất hiện ổ gà. Bên cạnh đó, nhà cửa thì còn lụp xụp, cửa hàng ít, chủ yếu là những tiệm tạp hóa nhỏ… Thế nhưng, nhờ được sự quan tâm đầu tư, nhất là khi Vị Thanh từ thị xã lên thành phố thì quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, từ đó tạo ra bộ mặt Vị Thanh không ngừng đổi thay và phát triển”.
Nói đô thị Vị Thanh có nhiều “thay da đổi thịt” là bởi từ những hiện trạng khó khăn ban đầu, thế nhưng nhờ sự ưu tiên đầu tư của Trung ương và tỉnh nên lần lượt nhiều công trình lớn được xây dựng và đưa vào hoạt động như: Công viên Chiến Thắng, kè Xà No; Nhà thi đấu đa năng, Khu di tích lịch sử văn hóa chiến thắng Chương Thiện, Khu hành chính thành phố, khu dân cư, cầu Cái Tư, cầu Xà No, đường nối Vị Thanh - Cần Thơ (Quốc lộ 61C)… với tổng vốn đầu tư hàng chục ngàn tỉ đồng. Bên cạnh đó, những năm gần đây, hàng loạt siêu thị, trung tâm thương mại lớn như: Co.opmart, Điện Máy Xanh, Chợ Lớn, Thế giới di động, Nguyễn Kim, Vincom… được mọc lên giữa trung tâm thành phố. Đặc biệt, từ những cánh đồng lúa ngày nào giờ được tỉnh quy hoạch xây dựng trụ sở Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hầu hết trụ sở hành chính của tỉnh đều xây dựng trên địa bàn thành phố nên làm cho bộ mặt Vị Thanh đổi mới từng ngày với không gian sáng - xanh - sạch - đẹp…
Vui mừng trước sự đổi thay của thành phố Vị Thanh, ông Mai Quốc Trung (62 tuổi), Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường IV, bộc bạch: “Giờ thấy đường được mở rộng thênh thang như: đường Nguyễn Trãi, Nguyễn An Ninh, Đại lộ Võ Nguyên Giáp mà tôi và các đồng chí, đồng đội cảm thấy rất mừng. Bởi từ chỗ này mới giúp Vị Thanh kết nối được nhiều tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Hơn nữa, nhìn chợ Phường IV bây giờ ít ai biết trước đây là bãi rác, bãi cỏ và khu nghĩa địa. Mặt khác, từ những căn nhà sàn lụp xụp dưới mé sông nhưng sau khi được xây dựng thành bờ kè Xà No hôm nay thì không chỉ tạo điểm nhấn mà còn là con đường giao thương hàng hóa bằng đường thủy rất quan trọng của thành phố Vị Thanh bây giờ và về sau”.
Không chỉ ở nội ô đô thị Vị Thanh mà cơ sở hạ tầng nông thôn ở các xã, phường của thành phố cũng được đầu tư đồng bộ, khang trang. Đặc biệt, thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) được phát động từ cuối năm 2010, thành phố Vị Thanh đã tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng và ngày càng hoàn thiện về hệ thống giao thông, trường học, điện, cơ sở vật chất văn hóa, y tế… Từ sự đầu tư này đã giúp cho việc đi lại, giao thương hàng hóa của người dân được thuận tiện, con em được học trong những ngôi trường mới đầy đủ tiện nghi.
Vừa thu hoạch xong hơn 1.000 trái khóm và đang đếm cho thương lái chất lên xe tải để chở đi cho kịp bán tết, ông Huỳnh Văn Hậu, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Lựu, thông tin: “Ngày trước, khi chưa có tuyến đường ô tô về trung tâm xã thì sau khi xắn khóm xong phải lấy ghe, xuồng chở khóm ra kênh Lầu để bán nên rất vất vả. Nhưng từ khi có lộ thì công việc khó khăn trước kia không còn, vì thu hoạch khóm xong là điện thoại cho thương lái và sau đó có xe tải 4-5 tấn chạy đến tận rẫy chở khóm cho bà con”.
Hiện tại, các tuyến đường ô tô về trung tâm xã trên địa bàn thành phố Vị Thanh đều được nhựa hóa và hầu hết các tuyến đường trục ấp, liên ấp ở các vùng nông thôn cũng được bê tông hóa, đảm bảo không còn lầy lội vào mùa mưa. Chính việc đầu tư trên đã góp phần giúp thành phố có 3/4 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, riêng xã còn lại là Hỏa Lựu cũng phấn đấu về đích NTM trong năm nay, qua đây giúp thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong năm 2019.
Đời sống người dân phát triển
Khi cơ sở hạ tầng phát triển, nhất là quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã tạo điều kiện không nhỏ trong việc giúp người dân nâng cao cuộc sống. Điển hình là nhiều cửa hàng, quán ăn lớn trong và ngoài nội ô Vị Thanh không ngừng mọc lên nhằm phục vụ nhu cầu khách hàng ngày một nhiều. Đặc biệt, những siêu thị lớn, công ty may xuất hiện ngày càng đông đã góp phần giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Xuân, chủ tiệm bán hạt giống trên đường Trần Hưng Đạo, phường I, cho hay: “Hiện gia đình tôi có hai đứa con đang làm việc ở Điện Máy Xanh và thu nhập tạm ổn, riêng vợ chồng tôi buôn bán hạt giống cũng kiếm lời đủ sống và dư chút đỉnh. Nhìn chung, bây giờ đời sống gia đình tôi tốt hơn trước rất nhiều”.
Ngoài đô thị thì những vùng nông thôn, lãnh đạo thành phố Vị Thanh đã quy hoạch và phát triển những vùng sản xuất hiệu quả và cho thu nhập cao, gắn với công tác xây dựng NTM. Điển hình như vùng khóm Cầu Đúc, vùng cây ăn trái, vùng lúa… Bên cạnh đó, lãnh đạo địa phương còn quan tâm vận động người dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả để chuyển sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần mang lại nguồn lợi nhuận hấp dẫn.
Ông Phạm Văn Sử, ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, bộc bạch: “Khi được chính quyền địa phương vận động, tôi đã phá bỏ 6 công dừa nước để bơm sình trồng khóm. Từ cách làm này đã giúp cho gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm, còn trước đây khi cây dừa nước chiếm ngự thì thu nhập mỗi năm chỉ có vài triệu đồng từ tiền bán lá. Thấy việc làm của tôi hiệu quả nên nhiều hộ nơi đây đã làm theo và thu về kết quả tương tự”.
Chính sự quan tâm phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng và có trọng tâm, nhất là cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp nên mức thu nhập và đời sống người dân thành phố không ngừng nâng cao qua các năm. Cụ thể, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,69 triệu đồng vào năm 2005 lên 32 triệu đồng năm 2010; đến năm 2015 tăng lên 42,64 triệu đồng/người/năm (tương đương 1.952 USD) và hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của thành phố đã đạt mức 50 triệu đồng/người/năm, tăng 1,2 lần so với năm 2015. Cùng với thu nhập thì tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng tăng theo khi từ 18,76% (năm 2006) lên 21,44% (năm 2010). Đến năm 2015 đạt 10,88% theo cách tính mới, so với mặt bằng chung của tỉnh Hậu Giang là 6,6%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng bình quân tăng 4,79% so với năm 2015.
Ông Võ Minh Tâm, Bí thư Thành ủy Vị Thanh, cho biết thêm: Để có được Vị Thanh như hôm nay, thời gian qua, địa phương luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự phối hợp của các sở, ngành tỉnh. Bên cạnh đó, một nhân tố khác phải kể đến đó là vai trò của Đảng bộ thành phố ngày càng được phát huy, nội bộ đoàn kết một lòng đã tạo thành sức mạnh để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị đề ra theo hướng phát triển “năm sau cao hơn năm trước”. Cũng chính từ việc phát huy nội lực gắn với kêu gọi, thu hút đầu tư ngày càng tăng đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ trong tiến trình đô thị hóa, xây dựng hoàn thiện dần kết cấu hạ tầng đô thị; kinh tế thành phố có bước tăng tốc rõ nét trong những năm qua; đồng thời văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững và ổn định.
“Để trở thành đô thị loại II, xứng tầm với vị trí trung tâm của tỉnh nên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thành phố cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa từ đây đến cuối nhiệm kỳ. Trong đó, thành phố sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch. Đồng thời, tiến hành rà soát vùng sản xuất không hiệu quả để cơ cấu, phân vùng lại nhằm đầu tư sản xuất tập trung theo hướng nâng cao giá trị sản xuất; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo hình thức hợp tác gắn với xây dựng nông thôn mới...”, Bí thư Thành ủy Vị Thanh Võ Minh Tâm khẳng định. |
HỮU PHƯỚC