Thời hạn chấp thuận CKC tối đa là 10 ngày TT 40 có hiệu lực từ ngày 15/4/2016 nêu rõ, tất cả các khoản chi của NSNN đã được cơ quan nhà nước giao dự toán đối với chi thường xuyên hoặc giao kế hoạch vốn đối với chi đầu tư (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 200 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 1 tỷ đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản (ĐTXDCB) phải được quản lý, kiểm soát CKC qua KBNN. Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ khi hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ giữa đơn vị dự toán, chủ đầu tư với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ, nhà thầu có hiệu lực, đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư phải gửi hợp đồng kèm theo đề nghị CKC đến KBNN nơi giao dịch. Với hợp đồng mua bán không quy định ngày có hiệu lực thì thời hạn được tính từ ngày ký hợp đồng. Đối với hợp đồng nhiều năm, kể từ năm thứ 2 trở đi, trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc (kể từ ngày đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư nhận được văn bản giao dự toán của cơ quan có thẩm quyền) phải gửi đề nghị CKC đến KBNN. Trường hợp cấp có thẩm quyền phân bổ và giao dự toán ngân sách (hoặc kế hoạch vốn) trong tháng 12 của năm trước, thời hạn gửi đề nghị CKC đối với 2 trường hợp trên được tính từ ngày 1/1 của năm sau. Thời hạn trong 10 ngày làm việc phải gửi đề nghị CKC còn được áp dụng đối với các hợp đồng được bổ sung hoặc điều chỉnh dự toán trong năm hoặc đơn vị bổ sung hay điều chỉnh giá hợp đồng đã ký . Trong phạm vi 2 ngày làm việc, kể từ khi nhận được đề nghị của đơn vị dự toán hoặc chủ đầu tư và dự toán của đơn vị đã được nhập trên hệ thống TABMIS (hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc), KBNN thực hiện kiểm tra các điều kiện để thực hiện CKC cho đơn vị trên hệ thống TABMIS và gửi 1 liên chứng từ CKC đã đượcchấp thuận trên hệ thống TABMIS (có ghi số CKC) cho đơn vị. Trường hợp không chấp nhận CKC, trong thời hạn quy định nêu trên, KBNN phải thông báo ý kiến từ chối CKC bằng văn bản cho đơn vị được biết. Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu Tại TT 40 có quy đinh cụ thể, hàng năm, thủ trưởng đơn vị dự toán có trách nhiệm xác định số kinh phí chi thường xuyên bố trí cho hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, được quyền chủ động điều chỉnh tăng, giảm số kinh phí bố trí cho hợp đồng đó, đảm bảo trong phạm vi dự toán NSNN đã được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép CKC. Tương tự, đối với chi đầu tư, hàng năm, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư bố trí cho từng hợp đồng. Ngoài ra, chủ đầu tư được quyền chủ động điều chỉnh tăng, giảm số vốn đầu tư bố trí cho từng hợp đồng, đảm bảo trong phạm vi kế hoạch vốn năm đã được cơ quan nhà nước giao và giá trị hợp đồng còn được phép CKC của dự án đó. Trường hợp hợp đồng được thực hiện trọn trong 1 năm ngân sách, số vốn bố trí trong năm cho hợp đồng đúng bằng giá trị của hợp đồng đó. Với những hợp đồng mua bán hàng hóa, dịch vụ có nhiều loại tiền hoặc có nhiều loại nguồn vốn, chủ đầu tư phải có trách nhiệm xác định số vốn đầu tư trong năm bố trí cho hợp đồng chi tiết theo từng loại tiền, từng loại nguồn vốn. Ngoài ra, với việc xử lý các khoản CKC từ dự toán ứng trước, TT 40 cũng nêu rõ, các khoản này được thanh toán đến hết ngày 31/1 năm sau và hạch toán vào niên độ ngân sách năm trước (trừ trường hợp đặc biệt khác được cấp có thẩm quyền cho phép)./. Vân Hà |