Toàn cảnh Hội nghị đối thoại. Ảnh TL. |
Chấp hành pháp luật tốt
Theo ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, hiện nay có khoảng 7.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Hàn Quốc là thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, sử dụng khoảng trên 700.000 lao động và chiếm khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam; đóng góp một phần cho ngân sách nhà nước Việt Nam.
Về chính sách thuế, doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các lĩnh vực ưu đãi đã và đang được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước Việt Nam (miễn thuế, giảm thuế, ưu đãi về mức thuế suất...)
Theo đánh giá của ông Lưu Đức Huy, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng là những đơn vị tiêu biểu trong việc tiên phong đăng ký và thực hiện các dịch vụ kê khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử; góp phần vào công tác quản lý thuế của cơ quan Thuế Việt Nam được minh bạch, hiệu quả.
“Đa phần doanh nghiệp Hàn Quốc đã nghiêm chỉnh chấp hành chính sách, pháp luật thuế. Tuy nhiên, do vẫn còn những hạn chế trong việc hiểu biết và cập nhật các quy định về thuế, nên qua công tác thanh tra, kiểm tra thuế, cơ quan thuế Việt Nam vẫn phát hiện các vấn đề về kê khai sai, khai thiếu tiền thuế. Ngoài ra có một số ít doanh nghiệp còn nợ lương người lao động, bảo hiểm xã hội, trốn thuế, bị phát hiện và xử lý theo pháp luật Việt Nam”, đại diện Vụ Chính sách chia sẻ.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã gửi đến ban tổ chức nhiều câu hỏi. Nội dung xoay quanh chính sách ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp, ưu đãi thuế đối với các trường hợp mở rộng đầu tư, thời điểm xác định tỷ trọng nguyên giá tài sản cố định.
Trong lĩnh vực hải quan, các vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến vấn đề miễn thuế nhập khẩu cho trường hợp thuê đơn vị khác gia công một phần trong công đoạn sản xuất; hạn mức và đơn vị quyết toán đối với việc bán hàng tại thị trường nội địa của doanh nghiệp chế xuất; thủ tục bán máy móc, thiết bị được miễn thuế; giấy phép, kiểm tra, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu; gia hạn thời gian nộp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng nhập khẩu. Miễn và hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu sản xuất bằng thuê ngoài.
Sẽ có quy trình cụ thể về khởi tạo hoá đơn điện tử
Hội nghị đối thoại năm nay đã ghi nhận nhiều câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến nội dung hoá đơn điện tử.
Thông tin tới doanh nghiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hiện nay hoá đơn điện tử được thực hiện theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2019 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/11/2018. Theo đó, về hình thức, hoá đơn điện tử bao gồm hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế và hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế. Về nguyên tắc sử dụng hoá đơn điện tử, khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải lập hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc hoá đơn điện tử không có mã của cơ quan thuế để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Trả lời về việc đến nay chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 119, ông Nguyễn Thế Mạnh cho biết, hoá đơn điện tử vấn sẽ tiếp tục thực hiện theo Thông tư 32/2011/TT-BTC.
“Hiện Bộ Tài chính đã hoàn thiện và sẽ sớm ban hành Thông tư hướng dẫn hoá đơn điện tử. Đồng thời, đi kèm với hoá đơn điện tử là quy trình liên quan đến trình tự các bước để khởi tạo hoá điện điện tử. Liên quan đến công nghệ thông tin, tất cả các quy trình đến nay đã được Tổng cục Thuế sẵn sàng để khi thông tư được ban hành cũng sẽ được ban hành theo”, ông Nguyễn Thế Mạnh khẳng định.