Trao đổi với Báo Đầu tư Bất động sảnvề hướng kinh doanh của doanh nghiệp, giám đốc một công ty môi giới bất động sản cho biết, Công ty vẫn đang duy trì các mảng kinh doanh hiện có tại Việt Nam, nhưng thị trường tiềm năng mà công ty đang tập trung là bất động sản nước ngoài. Công ty vừa tổ chức tọa đàm, tư vấn giới thiệu chương trình đầu tư bất động sản tại Úc tại TP.HCM và dự kiến sẽ tổ chức chương trình tương tự tại Hà Nội. Vị giám đốc này cho biết, các khách hàng tìm mua bất động sản ở nước ngoài vừa hướng tới mục tiêu cư trú vừa hướng tới mục tiêu đầu tư, nhưng mục tiêu cư trú vẫn là quan trọng nhất. Trên thực tế, khoản đầu tư dao động 5 - 10 tỷ đồng để sở hữu một bất động sản ở nước ngoài kèm theo “điểm cộng” khi muốn xin định cư, hay du học tại một nước phát triển thu hút nhiều người, nhất là những gia đình có thu nhập cao. Hiện có nhiều tour du lịch, nhưng thực chất là khách muốn đi tham quan, khảo sát bất động sản ở nước ngoài chứ không hoàn hoàn vì mục đích du lịch. Trước những băn khoăn về rủi ro pháp lý khi mua nhà ở nước ngoài, luật sư Vũ Ngọc Chi cho biết, hiện luật pháp Việt Nam không có quy định cấm người dân mua tài sản ở nước ngoài, nhưng khi mua nhà ở nước ngoài, thì có vấn đề là chuyển tiền ra nước ngoài và hiện việc chuyển tiền ra nước ngoài có hạn chế nhất định. Theo Điều 7 Nghị định số 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối, thì công dân Việt Nam chỉ được chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài cho một số mục đích nhất định. Đó là các mục đích học tập, chữa bệnh ở nước ngoài, đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài, trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài. Trong trường hợp không thể chuyển tiền ra nước ngoài, thì việc mua nhà đương nhiên là không thể thực hiện. Ngoài trường hợp trực tiếp chuyển tiền mua tài sản, cá nhân Việt Nam vẫn có thể thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ra ngoài lãnh thổ Việt Nam và chuyển tiền ra nước ngoài. Thủ tục đầu tư tất nhiên là phức tạp và trải qua nhiều khâu giám sát, quản lý. Tuy nhiên, với nhiều cá nhân, trực tiếp mua căn hộ vẫn đơn giản hơn là tiến hành thủ tục đầu tư ra nước ngoài. Qua tìm hiểu, một số dự áncho phép nhiều cá nhân đứng tên trên hợp đồng mua bán và bất cứ ai trong số đó chuyển tiền thanh toán căn hộ đều được. Vì vậy, một số khách hàng đã chuyển tiền cho thân nhân hoặc con cái đang du học và sử dụng tiền đó thanh toán tiền mua nhà. Theo khảo sát, phương án này được rất nhiều gia đình có con cái đang du học nước ngoài áp dụng. Ngoài ra, cũng có trường hợp tiền thanh toán mua nhà của các khách hàng được trả chung vào tài khoản và sau đó được sử dụng để thanh toán tiền mua nhà. Thậm chí, nhiều đơn vị khuyến khích khách hàng nên mua nhà dưới sự tư vấn của các luật sư để đảm bảo an toàn pháp lý. Dù vậy, theo luật sư Vũ Ngọc Chi, trong khi các quy định về chuyển tiền ra nước ngoài vẫn chưa bổ sung trường hợp chuyển tiền mua nhà, thì khách hàng cần cẩn trọng. Trong trường hợp xảy ra rủi ro pháp lý, thì việc giải quyết các thủ tục tố tụng tại nước ngoài hoặc có bên liên quan là cá nhân, pháp nhân ở nước ngoài sẽ rất phức tạp, khó khăn. Cũng theo luật sư Chi, luật pháp được hình thành để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Khi xã hội phát sinh quan hệ mới, thì luật pháp cũng cần được bổ sung điều chỉnh để tạo hành lang pháp lý cho các bên căn cứ vào đó để thực hiện các quyền và nghĩa vụ. |