(CMO) Để thực hiện công tác phòng, chống hạn mặn, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch ứng phó… Theo đó, để công tác ứng phó với hạn mặn đạt hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại thì ý thức tự bảo vệ của chính người dân rất quan trọng.Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Công văn hoả tốc số 472/ UBND-NNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải về công tác ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành và các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại cụ thể từng trà lúa, hoa màu... Qua đó, có những giải pháp phù hợp hướng dẫn chính quyền địa phương và người dân nhằm hạn chế đến mức thấp nhất mức độ thiệt hại. Trong đó, lưu ý đến các giải pháp kỹ thuật sát với tình hình điều kiện hạn, mặn. Xây dựng phương án điều tiết nước theo từng điều kiện cụ thể, có xét đến phương án ưu tiên nước ngọt cho một số vùng, khu vực sản xuất nhất định. Đồng thời, công văn còn chỉ đạo các đơn vị thường xuyên kiểm tra các vị trí đê xung yếu, cống đập, kịp thời xử lý, khắc phục các sự cố, tránh để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hoá. Riêng đối với nước ngọt phục vụ sinh hoạt, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương điều tra, thống kê, phân loại từng nhóm tình trạng thiếu nước cụ thể. Từ đó, báo cáo tham mưu UBND tỉnh trước ngày 10/2 để xem xét quyết định. Ngoài ra, đối với các vị trí lộ giao thông đang bị sụp lún phải tiến hành cấm bảng cảnh báo và dự báo những vị trí có nguy cơ sụp lún, sạt lở. Đồng thời, hướng dẫn địa phương, đơn vị, hộ dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống sụp lún và sạt lở đất. Tiến hành kiểm tra thống kê các khu vực gặp khó khăn về giao thông (do kênh khô, chưa có lộ…) để có biện pháp xử lý kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá của người dân. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn chỉ đạo tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống cháy rừng (PCCR), đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, dự án theo kế hoạch.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã thành lập nhiều đoàn khảo sát, kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương để có giải pháp chỉ đạo khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn. Trước và sau Tết Nguyên đán, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử đã có nhiều chuyến khảo sát tại các địa phương đang có mức độ ảnh hưởng lớn. Theo đó, tại các buổi khảo sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Sử nhiều lần chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân trong sử dụng nước ngọt tiết kiệm, đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng và chia sẻ trong sử dụng nguồn nước ngọt còn lại dưới các tuyến kênh để cứu lúa, cứu hoa màu. Trung tâm Nước sạch và Môi trường nông thôn khảo sát từng trường hợp thiếu nước để có giải pháp kịp thời, hiệu quả, bền vững... Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh qua các công văn cũng như tại các buổi khảo sát thực tế, Sở NN&PTNT đã xây dựng phương án ứng phó cho từng loại cây trồng, vật nuôi cụ thể. Tiêu biểu như đối với các trà lúa hiện nay, sở đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của ngành tăng cường thăm đồng để hướng dẫn người dân biện pháp chăm sóc đồng ruộng trong điều kiện khô hạn. Kèm theo đó là kiểm tra các công trình đê, đập, bờ bao, cống, bọng…, tuyệt đối không để nước mặn xâm nhập vào vùng ngọt hoá… Đối với nghề nuôi trồng thuỷ sản, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân thả giống đúng lịch thời vụ đã được ban hành. Lưu ý không thả giống khi độ mặn trong ao lên cao trên 35%o, nên thả giống qua giai đoạn ươm có kích cỡ lớn để rút ngắn thời gian nuôi. Đối với công tác PCCR, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy chữa cháy rừng. Tiến hành kiểm tra phương án PCCR của các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, tiến hành thành lập tổ đội quần chúng tham gia phòng cháy chữa cháy rừng tại cộng đồng dân cư nơi có rừng. Mặc dù đã có phương án ứng phó cho từng lĩnh vực cụ thể trước tình trạng hạn, mặn như hiện nay, tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, mang tính tình thế trước mắt khi tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Rõ ràng ai cũng biết, Cà Mau là tỉnh duy nhất khu vực ĐBSCL không có nước ngọt bổ sung từ thượng nguồn sông Mê Kông, sản xuất chủ yếu lệ thuộc vào nguồn nước mưa. Do đó, mỗi khi bước vào mùa khô, tình trạng thiếu nước phục vụ sản xuất lại diễn ra, kéo theo nhiều hệ luỵ khác là sụp lún, sạt lở đất trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất, giao thương hàng hoá... của người dân trong vùng. Tình trạng thiếu nước ngọt chỉ có thể giải quyết được khi dự án hồ nước ngọt Vườn Quốc gia U Minh Hạ được đầu tư hoàn thành. Song song đó là xây dựng hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi để dẫn nước ngọt từ sông Hậu về Cà Mau bổ sung cho vùng Quản lộ Phụng hiệp (54.480 ha), vùng U Minh Hạ (154.414 ha) và vùng Nam Cà Mau (203 ngàn héc-ta). Chỉ có như vậy bài toán khát nước ngọt vào mùa khô của tỉnh Cà Mau mới có lời giải thoả đáng./. Nguyễn Phú |