Sáng 1/8, tại TP. Đà Nẵng, Đoàn Công tác của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XIV của Đảng do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Nhiều kiến nghị về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực Tại buổi làm việc, lãnh đạo các tỉnh, thành trong vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh, thành; nêu các vướng mắc, bất cập trong quá trình phát triển và các đề xuất, giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới.
Trong đó, các ý kiến tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực. Về thể chế, nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành cho rằng vẫn còn nhiều vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong lĩnh vực bất động sản. Ông Lê Trường Lưu – Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế cho rằng Chính phủ đang rất tích cực gỡ vướng về bất động sản. Nhưng cần phải đẩy nhanh hơn, nếu gỡ được thì Thừa Thiên Huế cũng như các địa phương sẽ có nguồn lực rất lớn để phát triển; khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hải Ninh – Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa cho rằng đang còn nhiều vướng mắc trong thể chế, nhất là về lĩnh vực đất đai. Cần thiết phải khơi thông nguồn lực còn bế tắc để tạo động lực cho các địa phương phát triển. Về hạ tầng, nhiều lãnh đạo các địa phương trong vùng thống nhất cho rằng cần tăng cường nguồn lực để đẩy mạnh phát triển hạ tầng, và cần thiết phải xây dựng đường sắt cao tốc.
Về nguồn nhân lực, đại diện lãnh đạo các địa phương kiến nghị phải đẩy mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó, có trọng tâm, trọng điểm vào một số ngành. “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phải chú trọng vào những lĩnh vực cụ thể như vi mạch bán dẫn, công nghiệp công nghệ cao… chứ không phải dàn trải.”, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất.
Ngoài ra, liên kết vùng cũng nhận được nhiều ý kiến trao đổi. Ông Nguyễn Văn Quảng – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, quy hoạch vùng đã rõ, vấn đề là làm sao để triển khai được quy hoạch. “Đặc biệt, phải giải quyết cơ chế tổ chức hoạt động của hội đồng điều phối vùng để tăng tính liên kết giữa các địa phương”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói.
Cần đổi mới mạnh mẽ công tác xây dựng thế chế Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đánh giá cao những ý kiến góp ý của lãnh đạo các địa phương vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung. Trong đó có những ý kiến làm mới những nội dung, nhiệm vụ đã được nêu trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV. Ghi nhận ý kiến của các địa phương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, về vấn đề liên kết vùng, các địa phương đã bắt đầu tìm thấy tiếng nói chung của vùng, nhận thấy tầm quan trọng của liên kết các địa phương trong vùng. Để triển khai quy hoạch vùng, tăng cường liên kết vùng, Phó Thủ tướng cho rằng cùng với việc thể chế hóa vai trò, vị trí của Hội đồng điều phố vùng đối với các hoạt động liên kết về tự nhiên, kinh tế, xã hội… thì các địa phương phải chủ động thống nhất, tổ chức lựa chọn những hoạt động ưu tiên, thứ tự ưu tiên triển khai các công trình, dự án cấp vùng. “Vùng mà thống nhất ưu tiên thì Chính phủ sẽ phân bổ ngân sách”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đồng ý với ý kiến của lãnh đạo các địa phương trong vùng đó là cần phải đẩy mạnh, đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng thể chế để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay như bất động sản, vấn đề thể chế về kinh tế xanh, thể chế cho thị trường carbon, thể chế cho vùng… Đối với kiến nghị tháo gỡ khó khăn về đất đai, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết Chính phủ đang làm quyết liệt. “Tháo gỡ khó khăn đất đai là việc phải làm ngay. Nếu không thì đang chôn tiền vào lãng phí, chôn đất vào lãng phí”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng ghi nhận các ý kiến, kiến nghị về đồng bộ các tuyến đường bộ cao tốc; xây dựng đường sắt cao tốc kết nối Bắc – Nam, đường sắt cao tốc kết nối quốc tế, đường sắt kết nối đô thị; vấn đề về đào tạo nguồn nhân lực, thu hút nguồn nhân lực; vấn đề biến đổi khí hậu…
Được biết, chương trình làm việc của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội với 14 địa phương vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung nhằm phục vụ cho xây dựng báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030, phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 2026 – 2030 trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV. |