Đồng lòng tái khởi động nhà máy Chúng tôi đến Nhà máy đạm Ninh Bình trong không khí phấn khởi tươi vui,Táirb của real công nhân Nhà máy đạm Ninh Bình đã tích cực quay trở lại với công việc, bắt tay ngay vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh mặc cho cái Tết đang cận kề. Đối với họ không có niềm vui nào bằng việc Nhà máy chạy lại, đây mới chính là niềm tin và cuộc sống của họ, “sau cơn mưa trời lại sáng”. Theo ông Vũ Văn Nhẫn - Tổng Giám đốc Công ty Đạm Ninh Bình, sau 01 tuần khởi động lại máy, đúng ngày 29/01 những lô urê đầu tiên sau khi chạy lại máy đã xuất xưởng. Cho đến ngày 12/02/2018, Nhà máy đã đạt sản lượng 17.800 tấn urê và 10.600 tấn amoniac. Đến nay, Công ty đã nhận được đề nghị mua hàng từ nhiều nhà phân phối, sản phẩm ra đến đâu bán hết đến đó. “Với xu hướng giá thế giới và trong nước như hiện nay, mỗi tấn urê tiêu thụ được có giá bán cao hơn chi phí biến đổi cùng với chất lượng tốt, Đạm Ninh Bình đã từng bước lấy lại niềm tin của các đại lý, người tiêu dùng”, ông Vũ Văn Nhẫn chia sẻ. Ông Nhẫn còn cho biết thêm, cũng tại thời điểm chạy lại máy cũng đang trong thời gian chính vụ Đông Xuân, khách hàng vẫn tin tưởng và tiếp tục đăng ký mua hàng và ứng trước cho Công ty gần 60 tỷ đồng để mua nguyên liệu bổ sung công tác chạy máy (chỉ được dùng khi chạy máy ra sản phẩm đạm). Trước đó, Công ty đã tích cực huy động được khoảng 92 tỷ đồng để mua than và phục vụ công tác bảo dưỡng, sửa chữa, hoàn thiện về thiết bị và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, tiêu thụ. “Với việc chạy máy đợt 1 năm 2018 sẽ mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế (theo kế hoạch năm 2018 nếu không chạy máy sẽ lỗ trên 1.400 tỷ đồng, chạy máy lỗ dưới 800 tỷ đồng). Trước hết Nhà máy sẽ hoàn trả được cho khách hàng 92 tỷ đồng đã vay và sử dụng, ổn định công ăn việc làm cho 900 lao động, bảo quản an toàn máy móc thiết bị đã đầu tư gần 13.000 tỷ đồng không bị hư hỏng xuống cấp; đồng thời cung cấp sản phẩm urê ra thị trường sẽ phần nào bình ổn giá có lợi cho người nông dân. Dự kiến đợt này Công ty phấn đấu sản xuất/tiêu thụ khoảng 120.000 tấn urê”, ông Nhẫn khẳng định.
Niềm vui hiện hữu trên từng gương mặt cán bộ công nhân viên Nhà máy Đạm Ninh Bình, anh Vũ Đức Kết- Giám đốc Xưởng Đo lường - Tự động hóa Nhà máy hồ hởi cho biết: “Mặc dù một số ít công nhân đã nghỉ việc để tìm kiếm một công việc có thu nhập tốt hơn, nhưng đại đa số anh em chúng tôi vẫn quyết tâm bám trụ, cùng chung sức chung lòng để chạy lại máy, dù thu nhập giảm do nghỉ luân phiên. Tập thể công nhân viên luôn tin tưởng Nhà máy sẽ phục hồi. Nhìn những hạt urê trắng rơi, chúng tôi vui mừng ứa nước mắt như lần đầu tiên Đạm Ninh Bình chạy máy ra sản phẩm”, anh Kết bày tỏ. Hay như anh Trịnh Văn Trường- Trưởng phòng Điều độ Sản xuất của nhà máy không ngần ngại cho biết: “Từ hôm chạy lại máy, chúng tôi không phân biệt ngày đêm, ăn ngủ cùng tiếng động của dây chuyền thiết bị, thậm chí ở lại nhà máy 2-3 ngày để theo dõi từng hoạt động, bây giờ máy móc đã ổn định, cảm thấy yên tâm hơn. Thế là mùa Xuân đã thực sự đến với chúng tôi”.
Nhớ lại năm 2017, sau khi sửa chữa máy móc do dừng máy từ 27/7/2016 -19/01/2017 xong, Công ty cân đối tính toán phương án chạy máy đợt 1 năm 2017 thiếu 48,9 tỷ đồng để khởi động lại nhà máy tổ chức sản xuất kinh doanh liên tục ổn định trong cả dịp Tết. Khi đó Công ty cũng đã được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam hỗ trợ cho vay 48,9 tỷ đồng làm vốn mồi và đã chạy máy thành công đợt 1 tạo được dòng tiền luân chuyển trả hết nợ đến hạn với Ngân hàng. Có dòng vốn luân chuyển Công ty đã tiếp tục tổ chức chạy được máy đợt 2 năm 2017 thành công, kết quả cả năm đã sản xuất/tiêu thụ được 185 nghìn tấn Urê. Việc chạy máy năm 2017 đã góp phần ổn định được đời sống xã hội, kinh tế, người lao động. Nhưng do thực hiện nghĩa vụ với các Ngân hàng trả 10 cho vay lại 8 hoặc 9 nên dòng tiền bị hụt gần 153 tỷ đồng (Ngân hàng thu không giải ngân) nên Công ty đã mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam- cho hay, Đạm Ninh Bình chạy lại được coi là thành tích ban đầu rất quan trọng, là động lực của cả một tập thể. Với kết quả ngày hôm nay là toàn bộ nỗ lực của cán bộ công nhân viên Nhà máy. Bởi mỗi công nhân của nhà máy là một “mắt xích” quan trọng để có thành công. Lãnh đạo Tập đoàn cho biết, phải có trên 10 cuộc họp lớn, nhỏ tập trung vào việc có hay không “tái” khởi động Nhà máy? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, Nhà máy sẽ chạy như thế nào khi mà không có tiền để mua nguồn nguyên, nhiên liệu chính là than cho quá trình chạy máy ổn định và lâu dài? Liệu chạy máy có thành công hay không? Nhưng cuối cùng lại chính là những người công nhân, những cán bộ tâm huyết đã rất bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm về khả năng khởi động thành công Nhà máy. Cộng với sự hỗ trợ, tin tưởng của khách hàng đã tạo thêm nguồn vốn mua than cho Nhà máy. Thậm chí, những cán bộ công nhân viên
với đồng lương ít ỏi của mình đã sẵn sàng huy động đóng góp mua vật tư, nhiên liệu, sửa chữa máy móc khi Nhà máy cần, tuy chẳng thấm tháp vào đâu so với 40 tỷ tiền than (chạy trong một tuần). Nhưng có thể khẳng định đó là quyết tâm “truyền lửa” không mệt mỏi của một tập thể vực dậy Nhà máy. “Về phía lãnh đạo Tập đoàn cảm thấy phải có trách nhiệm lớn hơn với tài sản của Nhà nước đã đầu tư xây dựng Nhà máy, có trách nhiệm hơn nữa với người lao động vì họ đã rất nghĩa tình, gắn bó, chia sẻ với Tập đoàn. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức cùng lãnh đạo các cấp quyết tâm đưa nhà máy hoạt động trở lại hiệu quả, đem lại công việc, thu nhập thường xuyên, phúc lợi tốt nhất cho người lao động. Hiện Công ty đang đảm bảo mức lương khoảng 6 triệu đồng/người/tháng và đóng đầy đủ các nghĩa vụ khác. Quan trọng hơn chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì, bảo vệ tài sản của Nhà nước đã đầu tư gần 13.000 tỷ đồng”, Lãnh đạo Tập đoàn nói. Biểu dương sự nỗ lực của người lao động tại Nhà máy, Lãnh đạo Tập đoàn và Công đoàn ngành Công Thương đã đến tận nơi động viên cán bộ công nhân viên công ty phát huy sự chủ động sáng tạo, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, của Bộ Công Thương để vượt qua giai đoạn này. Chủ tịch Công đoàn ngành Công Thương- ông Trần Quang Huy nhấn mạnh, Bộ Công Thương luôn luôn quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, các cuộc họp của Bộ luôn tập trung, trao đổi, đưa ra các giải pháp làm thế nào tái khởi động Nhà máy và đưa nhà máy vào sản xuất ổn định. “Hôm nay nhìn thấy kết quả các đồng chí đã nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn đưa sản phẩm ra thị trường, đây được coi là tín hiệu tích cực mặc dù khó khăn thách thức vẫn nhiều”, ông Trần Quang Huy chia sẻ.
Tập trung sản xuất kinh doanh giảm lỗ Với quyết tâm và nỗ lực tái khởi động lại Nhà máy Đạm Ninh Bình được coi là tín hiệu đáng mừng, Sau khi Nhà máy DAP1 thoát lỗ và năm 2017 bước đầu có lãi 15 tỷ đồng, Nhà máy Đạm Ninh Bình sẽ tập trung giảm lỗ trong giai đoạn tiếp theo. Theo tính toán, Công ty có vẫn đủ nguồn tiền để chạy máy hết đợt 1 của năm 2018, cụ thể chạy hết tháng 2/2018 có thể sang cả trung tuần tháng 3/2018. Ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) khẳng định, về cơ bản các giải pháp Công ty chủ động được hoặc từ nội lực đã được triển khai đồng bộ theo đúng tiến độ đề án xử lý, chương trình hành động của Bộ Công Thương, của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Thời gian qua, Bộ Công Thương cũng sát sao theo dõi, chỉ đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Đạm Ninh Bình tích cực chủ động khắc phục sự cố, kiểm tra, hiệu chỉnh toàn bộ hệ thống thiết bị trong Nhà máy cũng như nỗ lực thu xếp bố trí nguồn vốn và sắp xếp vật tư nguyên liệu để tích cực chạy máy ngay sau khi hoàn thành việc sửa chữa, có ý kiến đến các nhà cung cấp tín dụng, than, điện về việc tạo điều kiện để hỗ trợ việc chạy lại của Nhà máy, duy trì vận hành sản xuất, đảm bảo cung ứng phân đạm cho vụ Đông – Xuân cho người nông dân cũng như việc làm cho cán bộ công nhân và an toàn cho toàn bộ hệ thống thiết bị, máy móc trong Nhà máy Mặc dù Công ty đã nỗ lực và quyết tâm giảm lỗ, nhưng ông Vũ Văn Nhẫn vẫn lo ngại, một số giải pháp liên quan đến vốn cho sản xuất kinh doanh của Công ty đang rất cấp bách song chưa thực sự được các ngân hàng chia sẻ, việc chậm trễ về chính sách vốn. Cụ thể các Ngân hàng thương mại đang cho vay thu nợ với hình thức trả 10, cho vay 9. Bên cạnh đó, Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam chỉ bán than cho đạm Ninh Bình với điều kiện trả tiền trước, nhận hàng sau (một tuần cần đến 40 tỷ tiền mua than)… có thể sẽ khiến đạm Ninh Bình phải dừng máy hoàn toàn. Trước những khó khăn trên, ông Ngô Đại Quang- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Chủ tịch HĐTV Công ty Đạm Ninh Bình thông tin, trong năm qua, Tập đoàn đã và đang tiếp tục hỗ trợ trả nợ vốn vay đầu tư cho dự án Đạm Ninh Bình từ nguồn vốn tự có của Tập đoàn. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ cả vốn khởi động ban đầu cho Công ty Đạm Ninh Bình phục vụ sản xuất kinh doanh, chạy lại máy đợt tháng 1/2017. “Ngoài ra, Tập đoàn Hóa chất vẫn đang tiếp tục làm việc với các cơ quan quản lý, ngân hàng về chính sách tháo gỡ khó khăn cho công ty. Việc cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất vay, tiếp tục cho vay vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị nói trên cũng được Tập đoàn cùng các ngân hàng giải quyết”, ông Quang bày tỏ. Chia tay Đạm Ninh Bình, với những gương mặt hân hoan của cán bộ công nhân viên Nhà máy, chúng tôi cảm nhận mùa xuân đang về- một mùa xuân mới tràn ngập niềm tin và hy vọng! |