Theo đó, đối với các chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua đường biển, lãnh đạo Tập đoàn kiến nghị Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cho phép công nhận thời gian đi trên biển của các chuyên gia về Việt Nam là thời gian cách ly.
Cụ thể, báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy hiện nay đã có 74 chuyên gia cuả Tập đoàn đến Vũng Tàu bằng đường biển, tuy nhiên, TP Vũng Tàu chưa đồng ý tiếp nhận khách vào bờ do chưa có hướng dẫn cụ thể nên 74 khách vẫn đang ở trên 2 giàn khoan ngoài khơi. Trước thực tế nêu trên, lãnh đạo PVN kiến nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể đối với việc cách ly tập trung và giám sát y tế để địa phương và nhà thầu thống nhất thời gian, địa điểm cách ly để các địa phương ban hành sớm văn bản đồng ý tiếp nhận khách nhập cảnh, hoàn thiện hồ sơ để Bộ Công An cấp visa cho chuyên gia khi nhập cảnh. Một khó khăn nữa theo lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là hiện quy trình làm thủ tục nhập cảnh yêu cầu phải có sự đồng ý tiếp nhận của UBND tỉnh nơi khách nhập cảnh. Trong khi đó, chuyên gia của PVN chủ yếu nhập cảnh vào TP HCM và TP Vũng Tàu, nhưng Vũng Tàu hiện đang không đồng ý tiếp nhận vào thẳng Vũng Tàu mà các khách nhập cảnh phải cách ly tại TP HCM đủ 14 ngày sau đó di chuyển về Vũng Tàu làm việc. Khi về Vũng Tàu vẫn bị yêu cầu cách ly tiếp 14 ngày nữa, thực tế này đã ảnh hưởng đến công việc do khách cần ra giàn khoan làm việc. Ngoài ra, theo lãnh đạo PVN do các chuyến bay thương mại hiện chưa có nên chuyên gia và khách của PVN chủ yếu bay sang Viêt Nam bằng máy bay thuê riêng. Thủ tục xin cấp phép bay và hạ cánh cần có visa của khách, tuy nhiên Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an chỉ cấp visa khi có thông tin chuyến bay do vậy cũng gây khó khăn và chậm về thời gian trong quá trình xin visa. Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng Bộ Y tế đã cùng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam bàn giải pháp, nhằm đạt được mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, bản chất là để làm sao đưa được các chuyên gia vào an toàn, nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh không để lây lan ra cộng đồng, kịp thời cách ly điều trị nếu có trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2. Cũng theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại kết luận số 170 ngày 28/4/2020, Việt Nam cho phép nhập cảnh đối với chuyên gia kĩ thuật cao, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng phải đảm bảo cách ly phòng chống dịch không để lây lan ra cộng đồng, theo dõi y tế trong vòng 14 ngày. Với tinh thần như vậy, sẽ có khoảng 1.600 các chuyên gia có tay nghề cao trong lĩnh vực dầu khí vào làm việc tại Việt Nam trên biển và đất liền. Hiện tại đã giải quyết đưa vào 270 người, còn 1.330 người sẽ tiếp tục được đưa vào và cách ly 14 ngày theo quy định. Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải lập kế hoạch rõ ràng, chi tiết về việc đưa bao nhiêu chuyên gia nhập cảnh vào Việt Nam và vào thời gian nào và báo cáo Bộ Y tế, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các Bộ, ngành giải quyết, có văn bản xử lý. Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đồng ý với đề xuất các công nhân đi trên biển, bắt đầu rời đất liền của nước ngoài đi trên biển về đến hải phận của Việt Nam là 14 ngày, số này không phải cách ly (vì lênh đênh trên biển không vào bờ) tuy nhiên phải kiểm tra sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và làm các bước phòng chống dịch chặt chẽ theo quy định. Thứ trưởng Y tế cũng nhất trí với đề xuất của PVN về việc cho chuyên gia nước ngoài khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Tập đoàn sẽ bố trí xe chuyên dụng để đưa các chuyên gia về nơi cách ly tại Vũng Tàu và thực hiện việc cách ly theo quy định. |