Vấn đề nóng tại ĐBSCL Nếu loại trừ Long An- địa phương có nhiều khu công nghiệp nhất cả nước, với 42 khu công nghiệp, phần nhiều các tỉnh còn lại tại ĐBSCL đang rất khó khăn trong thúc đẩy phát triển, nhất là XK hàng hóa do hạn chế về hệ thống logistics.
Chỉ ra điểm nghẽn logistics đang là cản trở rất lớn cho cả vùng, các chuyên gia nhận định, nếu không cải thiện được hạ tầng đường bộ rất khó để phát triển các dịch vụ khác, kể cả thu hút đầu tư nước ngoài. Logistics tại ĐBSCL mặc dù đang được phát triển, tuy nhiên so với tiềm năng và nhu cầu phát triển của cả vùng thì ngành này còn quá nhỏ bé. Chính vì thế, nếu tính trong 5-10 năm tới, ngành logistics đang là ngành tiềm năng, là ngành phát triển nhất tại ĐBSCL, do đó cần chính sách đặc biệt cho phát triển vùng ĐBSCL, sự hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp. Hiện những dự án lớn của Chính phủ đang đầu tư tại vùng hứa hẹn mang lại sự thay đổi lớn về hạ tầng cho vùng ĐBSCL. Với 3 ngành hàng lớn là lúa gạo, thủy sản, trái cây, đóng góp cho phát triển kinh tế, xuất khẩu của ĐBSCL, nhưng hiện nay, khu vực ĐBSCL có hệ thống kho lạnh còn hạn chế. Hiện mới chỉ có 10 kho lạnh lớn, nằm chủ yếu ở các tỉnh Long An, Hậu Giang, Cần Thơ, chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, trái cây... Chính vì thế, nếu có đội ngũ doanh nghiệp đáp ứng kho lạnh, container lạnh, đội ngũ vận chuyển chuyên nghiệp sẽ giúp nâng cao năng lực cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa. Hiện ĐBSCL có 1.461 doanh nghiệp logistics, chiếm 4,39% số lượng doanh nghiệp logistics của cả nước. Các doanh nghiệp logistics hoạt động tại ĐBSCL mới chỉ dừng lại ở việc giao nhận vận tải, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, vận chuyển nội địa, gom hàng lẻ chứ chưa thể tích hợp, tổ chức và liên kết các hoạt động trong chuỗi logistics. Chính vì thế, nên thành lập và phát triển Hiệp hội logistics vùng ĐBSCL để phát huy thế mạnh của các doanh nghiệp. Để phát triển dịch vụ logistics với vai trò trung tâm kết nối vùng tại Cần Thơ, ông Huỳnh Thanh Sự, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho rằng, hạ tầng logistics tại Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung còn hạn chế, chính vì thế thời gian vận chuyển hàng hóa XK chiếm rất lớn, tăng chi phí, giảm sự cạnh tranh của các doanh nghiệp. Hiện Cần Thơ đang thực hiện triển khai các trung tâm logistics, nên rất mong muốn các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm logistics tại TP Cần Thơ để phát triển khai thác phục vụ doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ cho Cần Thơ mà cho cả vùng. Mỗi năm xuất khẩu trên 120.000 lô hàng thủy sản Theo Bộ Giao thông vận tải, có đến 80% hàng hóa tại khu vực ĐBSCL được vận chuyển bằng đường bộ chủ yếu để đến các cảng khu vực TPHCM và Bà Rịa – Vũng Tàu để xuất khẩu khiến chi phí logistics tăng cao. Trong những năm qua, hạ tầng đường bộ được xem là điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của vùng và nhận được sự quan tâm đầu tư quyết liệt của cơ quan Nhà nước. Nhưng phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu phải trung chuyển qua các cảng ở khu vực khác, tốn nhiều thời gian và chi phí, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh hàng hóa. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, hơn 85% lượng hàng XK của doanh nghiệp đều phụ thuộc vào các cảng TPHCM và Vũng Tàu, lượng còn lại đi các cửa khẩu phía Bắc, miền Trung. Theo tính toán của các doanh nghiệp thủy sản, một năm, các doanh nghiệp thực hiện khoảng 120.000 tờ khai hải quan xuất khẩu thủy sản. Với số lượng hàng thủy sản xuất khẩu lớn tại ĐBSCL, bên cạnh các công tác hậu cần, khó khăn hiện nay doanh nghiệp quan tâm lớn nhất là chi vận chuyển hàng XK. Ngoài chi phí container, các doanh nghiệp mong muốn có giải pháp hữu hiệu để giảm chi phí và thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh ĐBSCL đến các cảng xuất khẩu. “Hàng thủy sản hầu hết là đông lạnh, việc vận chuyển phải đảm bảo thời gian nhanh chóng, có được bill xuất khẩu nhanh chóng. Nếu có được hệ thống cảng tốt, đón được tàu container sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp”- ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh. Liên quan đến chi phí xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp ĐBSCL, các doanh nghiệp cho rằng, có những DN một ngày xuất khẩu 40 container hàng hóa, nếu tiết giảm chi phí trên 1 container thì giá trị thu được rất lớn. Cùng với đó, cần có dịch vụ hậu cầu, như: Dịch vụ khai báo hải quan, làm C/O, chiếu xạ, kiểm tra chuyên ngành... để doanh nghiệp xuất khẩu không phải gồng gánh thêm các dịch vụ này, chuyên tâm sản xuất xuất khẩu hàng hóa. Nêu giải pháp giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Duy Minh, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, sự liên kết giữa doanh nghiệp chủ hàng và doanh nghiệp logistics rất quan trọng. Hiện nay trở ngại lớn nhất đối với doanh nghiệp xuất khẩu là thuê container rỗng. Giải quyết vấn đề này, theo ông Minh, hãng tàu và chủ hàng lớn cần ngồi lại với nhau để hoạch định, thống nhất việc cung cấp container rỗng của hãng tàu cho chủ hàng. |