Theo các nhà phân tích, từ những vụ khủng bố, bắt cóc con tin và ngang nhiên bắn giết cảnh sát ở thủ đô Paris, cho thấy xã hội hiện đại rất dễ bị tổn thương bởi các mối đe dọa khủng bố, đặc biệt khi những kẻ khủng bố lại là công dân của chính quốc gia đó, và được hưởng mọi quyền tự do. Những "thiếu sót" trong các thảm kịch vừa qua đã được chính quyền Pháp thừa nhận và cam kết sẽ tìm cách giải quyết vấn đề này trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là tại sao một hệ thống, hiện vẫn đang tồn tại, về trao đổi dữ liệu chống khủng bố giữa các quốc gia, lại không hoạt động? Các cơ quan tình báo phương Tây đã làm gì để vô hiệu hóa những tên khủng bố nguy hiểm? Anh em Kuashi - thủ phạm vụ tấn công Tòa soạn "Charlie Hebdo" - đã được đưa vào danh sách đen của Mỹ gồm những tên khủng bố quốc tế và bị cấm nhập cảnh Mỹ từ lâu, những thông tin này đã được phát đi và cơ quan tình báo Pháp cũng biết rõ về sự nguy hiểm này, vậy thì tại sao nước này lại để những phần tử khủng bố trên hành động tự do?
Một tên đã từng bị tống giam một năm rưỡi. Thông tin về những kẻ khủng bố đã từng trải qua khóa huấn luyện quân sự tại các cơ sở của "al-Qaeda" tại Yemen cũng không có gì là mới mẻ. Tuy nhiên, các cơ quan phản gián Pháp nói riêng và phương Tây nói chung đã không làm gì để giám sát chặt chẽ những kẻ nguy hiểm này. “Thiếu nhân lực” - nguyên nhân được đưa ra để giải thích cho sự lơ là cảnh giác này - là một lời giải thích khó chấp nhận nhất. Trong khi đó, bọn khủng bố rất khôn khéo tận dụng lợi thế của công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại. Chúng đã thành công khi làm rối trí và đánh lạc hướng cảnh sát và các cơ quan tình báo không chỉ của riêng nước Pháp, vốn hoạt động theo cách thức truyền thống, và thường xuyên bị tụt hậu, kém phát triển, với nguồn kinh phí hạn hẹp.
Không phải ngẫu nhiên các đối tượng khủng bố lại chọn tờ tuần báo châm biếm, đã từng hơn một lần xuất bản những nội dung chỉ trích những người Hồi giáo và sử dụng hình ảnh nhà tiên tri Mohammed của người Hồi giáo làm nhân vật biếm họa. Cuộc tấn công vào tờ tạp chí châm biếm ở Pháp, hay vụ phóng hỏa vào một tờ báo khác ở Đức - tờ "Bild am Sonntag", (cũng từng đăng lại bức tranh châm biếm nhà tiên tri của người Hồi giáo), hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên. Hành động của những kẻ khủng bố rõ ràng không chỉ muốn cảnh báo xã hội nói chung, mà chúng còn muốn tỏ ra là "những người bảo vệ đích thực" của đạo Hồi. Các nhà phân tích cho rằng các cuộc tấn công khủng bố ở Paris chỉ là khởi đầu của một loạt hành động khủng bố hết sức nguy hiểm tại châu Âu.
Sau những ngày hết sức bất an xảy ra tại Pháp, nhiều phương tiện truyền thông Nga và châu Âu đều đăng tải các thông tin cho rằng Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe trộm được cuộc điện thoại của những kẻ khủng bố thuộc Nhóm Hồi giáo vũ trang "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL - tên gọi cũ của IS), trong đó đề cập tới một làn sóng khủng bố tại châu Âu, mà nước Pháp chỉ là "điểm khởi đầu". Trong cuộc điện đàm mà NSA nghe được thì "điểm đến" tiếp theo của bọn khủng bố sẽ là Roma. Hiện nhà chức trách Italy cho biết tuy không có những dấu hiệu rõ rệt về nguy cơ khủng bố, song các cơ quan hữu quan của Italy đều đã tăng mức báo động độ nguy hiểm của nguy cơ khủng bố và thắt chặt các biện pháp an ninh.
Có thể thấy rõ trên toàn châu Âu, có một mạng lưới ngầm với "những tế bào" khủng bố đang lan tỏa rất nhanh. Để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, đòi hỏi nỗ lực hợp tác không chỉ của tất cả các quốc gia châu Âu, mà còn cần sự ủng hộ và đoàn kết của toàn thế giới.