Ông Trần Thanh Kha, Quản lí kinh doanh toàn quốc tập đoàn NGK Việt Nam cho biết, từ khi mở văn phòng chính thức ở Việt Nam (năm 2012), tình trạng sản phẩm của DN bị làm giả, làm nhái ngày càng tăng. Qua cuộc khảo sát của bên thứ ba về nghiên cứu thị trường cho thấy, cứ 10 chiếc bugi trên thị trường thì có 1 chiếc là hàng giả.
Theo ông Kha, hàng giả chủ yếu từ Trung Quốc tràn về nhưng cũng có một số là do các DN trong nước sản xuất. Đây là sản phẩm giả hoàn toàn kiểu dáng thương hiệu NGK, người tiêu dùng rất khó nhận biết. Giá hàng giả chia làm nhiều loại, giá thấp hơn sản phảm chính hãng từ 20% đến 60%. Bugi giả làm cho xe khó khởi động, tốn xăng, hay bị chết máy… Tuy nhiên, có một số người tiêu dùng dù biết là hàng giả nhưng vẫn mua vì ham giá rẻ.
Trong khi đó Công ty loa BMB (Nhật) cho biết, sản phẩm vào thị trường Việt Nam được 5 năm, nhưng hàng giả sản phẩm của công ty rộ lên từ năm 2014, hàng giả chiếm khoảng 5%, nhưng số lượng là khá lớn. Thường hàng giả bán bằng với giá hàng thật nên gây ảnh hưởng đến uy tín của DN và quyền lợi người tiêu dùng (NTD).
Là một DN thường xuyên bị làm giả sản phẩm, ông Nguyễn Ngọc Tý, giám đốc điều hành Công ty Nón Sơn cho biết, dù biết sản phẩm của mình bị làm giả nhưng DN cũng không thể làm gì vì chế tài xử lí các đối tượng làm hàng giả hiện nay còn quá nhẹ. Bên cạnh đó, DN cũng không trông cậy được nhiều vào các cơ quan chức năng vì nhiều lý do.
Bà Hồ Phan Quỳnh Uyển, đại diện Công ty Saigon Petro cũng cho biết, gần đây tem chống giả gắn trên bình gas hiệu SP bị làm giả, mức thiệt hại là rất lớn và công ty chưa có giải pháp gì để loại trừ.
Liên quan đến tem chống hàng giả, ông Nguyễn Viết Hồng, Tổng giám đốc Công ty Vina CHG cung cấp thêm, gần đây tại TP.HCM, Công an đang vào cuộc điều tra 5 vụ nhà in ở quận 6, 8 và Bình Tân in tem giả. Tem giả chỉ giống tem thật về mặt hình thức, còn chức năng chống giả thì không thể bắt chước được. Tuy nhiên, DN cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để phối hợp xử lý là biện pháp tốt nhất.
Nhận định về tình trạng hàng giả tràn lan hiện nay, ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, hàng giả ngày càng gia tăng.Trong thời gian gần đây tại nhiều địa phương trong cả nước, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lí nhiều vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.
Điển hình như vụ 37.839 sản phẩm mỹ phẩm, 5.794 túi/hộp phụ kiện trang trí móng và 261 dụng cụ làm móng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ tại một cơ sở kinh doanh đồ làm móng tại Hà Nội; Vụ 5 tấn mỹ phẩm giả nhãn hiệu Sasaki, Hikato và Puroz; vụ 500 thùng hàng hàng gồm viên uống collagen, Vitamin C, sữa ong chúa trên nhãn mác ghi xuất xứ Nhật, Úc, Mỹ, Hàn Quốc nhưng không có chứng từ, hóa đơn tại TP.HCM và vụ 9.000 hộp mỹ phẩm giả nhãn hiệu cùng một lượng lớn nguyên liệu và nhãn mác giả tại Cần Thơ... Đây chỉ là những vụ việc điển hình trong hàng ngàn vụ sản xuất và kinh doanh hàng giả bị cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ trong thời gian qua.
Theo ông Trần Hùng lợi dụng sự thờ ơ của DN, sự thiếu hiểu biết, không cập nhật được kiến thức thông tin đầy đủ của người tiêu dùng, các đối tượng đã tìm cách nhập lậu hàng giả mang nhãn mác Việt Nam hoặc các thương hiệu nước ngoài chủ yếu là từ Trung Quốc về tiêu thụ, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, quyền lợi người tiêu dùng cũng gây thiệt hại lớn về vật chất cũng như uy tín của DN.