Dấu ấn M&A
KEB Hana,àđầutưngoạicóxuhướngđầutưthôngquamuabánsápnhậoxbey ngân hànglớn thứ 2 tại Hàn Quốc đang có các cuộc đàm phán để mua lại 17,65% cổ phần của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - hiện nắm giữ 85,28% cổ phần tại BIDV - đã đề xuất bán một phần cổ phần sở hữu cho KEB Hana.
Shinhan Bank (Hà Quốc) đã mua lại mảng bán lẻ của Ngân hàng ANZ. Ảnh: Dũng Minh |
Không chỉ KEB Hana, gần đây, rất nhiều nhà đầu tưnước ngoài đã chọn cách đầu tư vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần. Ví như Lotte Card (Hàn Quốc) mua Techcom Finance, hay Tập đoàn Sojitz (Nhật Bản) mua Giấy Sài Gòn, Keppel Land (Singapore) mua 10% cổ phần còn lại của Jencity Limited tại Dự ánSaigon Sports City…
Chính những thương vụ này đã góp phần quan trọng đưa tổng vốn đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài dốc vào Việt Nam thông qua góp vốn, mua cổ phần trong 11 tháng qua lên 7,6 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Nếu tính thêm cả khoản 15,78 tỷ USD vốn đăng ký mới và 7,4 tỷ USD vốn tăng thêm, thì tính chung trong 11 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 30,8 tỷ USD, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhìn những con số này, có thể thấy, dấu ấn của hoạt động M&A trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là rất lớn. Con số 7,6 tỷ USD của vốn đầu tư nước ngoài thông qua góp vốn, mua cổ phần đã chiếm gần 1/4 tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng qua. Hơn nữa, trong 3 nguồn đầu tư nước ngoài, trong khi vốn đăng ký mới, vốn tăng thêm giảm khá mạnh so với cùng kỳ (tương ứng giảm 21,3% và 7,4%), thì vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần vẫn tăng 44,4%. Chính mức tăng cao này đã góp phần quan trọng “kéo” vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam nói chung kể từ đầu năm tới nay chỉ giảm 6,8% so với cùng kỳ.
Điểm đáng chú ý, như nhận định của ông Đặng Xuân Minh (Nhóm nghiên cứu của Diễn đàn M&A Việt Nam), một trong những yếu tố chính thúc đẩy hoạt động M&A tại Việt Nam trong những năm qua chính là làn sóng đầu tư và tiếp cận thị trường của các nước trong khu vực, điển hình là Thái Lan, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam cũng chính là các nhà đầu tư thực hiện nhiều thương vụ M&A tại Việt Nam, với giá trị lớn”, ông Minh nhận định.
Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, British Virgin Islands, Trung Quốc là 5 nhà đầu tư nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 11 tháng qua. Chính các nhà đầu tư này cũng có nhiều thương vụ đầu tư thông qua M&A nhất tại thị trường này.
Cụ thể, các nhà đầu tư Nhật Bản có 532 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng giá trị gần 539 triệu USD. Trong khi đó, con số với các nhà đầu tư Hàn Quốc là 1.735 lượt góp vốn, mua cổ phần, với giá trị 1,3 tỷ USD. Tương ứng, nhà đầu tư Singapore có 412 lượt, giá trị gần 1,2 tỷ USD; British Virgin Islands có 73 lượt và 1,32 tỷ USD; Trung Quốc có 922 lượt, giá trị là 503 triệu USD.
Theo nhận định của các chuyên gia, xu hướng đầu tư vào Việt Nam thông qua M&A sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và cũng sẽ tập trung vào các nhà đầu tư hàng đầu châu Á, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Thái Lan.
Vẫn là địa điểm đầu tư hàng đầu
Dù hiện tại, vốn đầu tư đăng ký vào Việt Nam chưa theo kịp con số kỷ lục của năm ngoái và nhiều khả năng, cả năm, cũng sẽ khó có thể chạm tới con số gần 36 tỷ USD của năm ngoái, do chưa nhìn thấy dự án quy mô lớn nào được cấp chứng nhận đầu tư trong tháng cuối cùng của năm, song con số 30,8 tỷ USD đủ cho thấy, Việt Nam tiếp tục là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Tại Diễn đàn Hợp tác kinh tếchâu Á - Horasis 2018 vừa diễn ra tại Bình Dương, nhiều nhà đầu tư tiếp tục khẳng định điều này.
“Thời gian gần đây, triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá là chịu tác động đáng kể từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Tuy nhiên, điều này lại tạo cơ hội cho các nước ASEAN. Chúng tôi đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào thị trường ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng từ nay tới năm 2020, với khoảng 220 tỷ USD, chủ yếu ở các lĩnh vực như giáo dục, y tế - sức khỏe, tài chính, công nghệ…”, ông Bryan Yang, Giám đốc điều hành Inspiration Inc (Trung Quốc) nói.
Trong khi đó, phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh việc Việt Nam đang ngày càng tham gia mạnh mẽ hơn vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Theo Phó thủ tướng, các FTA này đang mở rộng cánh cửa để Việt Nam thúc đẩy đầu tư và xuất khẩu tới các nền kinh tế lớn trên thế giới, tạo cơ hội để Việt Nam kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
“Giờ đây, Việt Nam có vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới mà không phải quốc gia nào cũng có được. Tham gia thị trường Việt Nam, nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp cận hầu hết các thị trường lớn của thế giới”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh về điểm đến đầu tư Việt Nam.
Trên thực tế, đây chính là một trong những lợi thế lớn nhất của Việt Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài những năm gần đây và các nhà đầu tư nước ngoài đều đã nhìn rõ tiềm năng này. Đó cũng là lý do vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn không ngừng tăng lên.