Khẩn trương phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công Chỉ thị nêu rõ, thời gian tới, dự báo tình hình thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; gây áp lực lớn đối với công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là những tháng đầu năm 2024. Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là đối với các công việc bị tồn đọng do nghỉ Tết. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao...
Cụ thể, Chỉ thị yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao rà soát, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm theo từng tháng, quý để tập trung chỉ đạo, điều hành, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, giải quyết tháo gỡ dứt điểm gắn với tăng cường kiểm tra, đôn đốc, nhất là đối với những nội dung, vấn đề còn vướng mắc, phức tạp, tồn đọng kéo dài, những vấn đề phát sinh... Tiếp tục theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, nhất là những vấn đề mới phát sinh, việc điều chỉnh chính sách của các nước để kịp thời tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp trọng tâm nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Chủ động theo dõi sát diễn biến để kịp thời có các giải pháp cân đối cung cầu, ổn định giá cả thị trường thời điểm sau Tết Nguyên đán, nhất là các mặt hàng, dịch vụ có nhu cầu tăng cao như ăn uống, vận tải, du lịch tại các điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội... Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước. Triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024; coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tạo ra động lực "tăng tốc" cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm chất lượng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công ngân sách nhà nước năm 2024 đã được Thủ tướng Chính phủ giao, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật đầu tư công và các nghị quyết của Chính phủ. Các bộ, cơ quan, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt việc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ thi công và giải ngân vốn các dự án ngay từ đầu năm. Thực hiện chế độ báo cáo tình hình giải ngân theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, kịp thời xử lý theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất các khó khăn, vướng mắc với các cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai thực hiện. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia... Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở, lựa chọn nhà thầu để sớm khởi công các dự án được giao làm cơ quan chủ quản, nhất là các dự án được dự kiến bố trí nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 và 2024. Đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc, triệt để tiết kiệm chi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các tuyến cao tốc đi qua hoặc là cơ quan chủ quản các dự án được Chính phủ giao chịu trách nhiệm bổ sung nhân lực, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng theo tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và tập trung xây dựng các khu tái định cư để ổn định cuộc sống của người dân... Đối với các địa phương còn chậm của các dự án đường bộ cao tốc, hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng trong quý 1/2024. Thủ tướng Chính phủ cũng đôn đốc nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ. Trong đó, Bộ Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Tập trung triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2024; quản lý chặt chẽ các nguồn thu; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, các khoản chi không thật sự cấp bách; đề xuất phương án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023 theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan, địa phương liên quan rà soát, thực hiện việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ người dân trong thời gian giáp hạt đầu năm 2024, bảo đảm kịp thời, đúng quy định. Chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh toán khối lượng hoàn thành cho các chủ đầu tư, đẩy mạnh thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước; công khai, minh bạch trong quá trình xử lý hồ sơ, bảo đảm giao dịch thông suốt, liên tục, không để tồn đọng hồ sơ thanh toán mà không rõ lý do và phát sinh chi phí cho chủ đầu tư. Chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương xử lý nhanh chóng các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên thị trường mới nổi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 30/6/2024. Ngân hàng Nhà nước được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hoà với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng. Điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Chỉ thị giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung thúc đẩy, đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp, phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Theo dõi chặt chẽ nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, xăng dầu để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây bất ổn thị trường. Chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường đấu tranh phòng, chống gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, xử lý nghiêm theo quy định. Tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới phía Bắc theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ, cơ quan, hiệp hội, hãng tàu, doanh nghiệp để nắm bắt tình hình vận tải hàng hóa quốc tế qua khu vực Biển Đỏ... |