Doanh nghiệp châu Âu sẽ tăng dòng vốn FDI đến Việt Nam vào cuối năm 2022 | |
Nông sản Việt Nam tăng tốc xuất khẩu vào Bắc Âu | |
Doanh nghiệp FDI tiếp tục lên kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam |
Nestlé Việt Nam là một trong những dự án đầu tư nước ngoài đã đạt được nhiều thành công tại Việt Nam. |
Chưa phát huy hết tiềm năng
Ông Vũ Thanh Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, từ năm 2010 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP của sản xuất nông lâm thuỷ sản Việt Nam duy trì ổn định, trung bình tăng 2,83%/năm. Ngành nông nghiệp không chỉ đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp cho an ninh lương thực quốc tế. Chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được nâng cao, giá trị gia tăng trong ngành công nghiệp chế biến nông lâm thuỷ sản hàng năm đều tăng 8-10%.
Để đạt được kết quả này, khu vực đầu tư nước ngoài cũng có đóng góp rất tích cực. Luỹ kế giai đoạn 2009-2021, có gần 2.000 dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp Việt Nam với tổng số vốn hơn 17,6 tỷ USD, tập trung vào lĩnh vực chế biến, thương mại nông sản. Các dự án đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của Việt Nam theo hướng, đa dạng hóa đối tượng sản xuất, tạo ra các giống cây, con mới cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao; nâng cấp công nghệ, chuyển đổi phương thức canh tác và nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Nestlé Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình về thành công của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Hiện sản phẩm của doanh nghiệp này đã xuất khẩu sang hơn 30 thị trường trên thế giới, bao gồm cả các thị trường khó tính như EU. Đặc biệt, các sản phẩm xuất khẩu của Nestlé Việt Nam chủ yếu là sản phẩm giá trị cao, được chế biến bằng công nghệ hiện đại. Hiện tổng giá trị đầu tư nước ngoài của Nestlé Việt Nam đã tăng lên gần 730 triệu USD.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa phát huy tốt nhất lợi thế so sánh của nông nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tổng số dự án luỹ kế còn hiệu lực trong ngành nông nghiệp chỉ chiếm 5,7% trong tổng số dự án đầu tư nước ngoài.
Theo TS. Nguyễn Anh Phong, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nguyên nhân của tình trạng này là do chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để xem xét và mở rộng đầu tư trong nông nghiệp. Đặc biệt, quy định doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không được trực tiếp thu mua nông sản gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp phát triển dự án nông nghiệp tại Việt Nam.
Môi trường pháp lý cho các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam thông qua các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn hạn chế, chưa tạo ra động lực lan tỏa công nghệ cho DN trong nước. Quy định về sử dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ mới còn chưa chặt chẽ. TS Nguyễn Anh Phong cũng chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp cần diện tích đất lớn và đất sạch hoặc hợp tác với các HTX để có nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, quy định hiện nay lại không cho phép DN nước ngoài được hợp tác trực tiếp với các HTX hay người sản xuất.
Tăng trưởng xanh là lợi thế
Để thu hút mạnh mẽ dòng vốn đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng giải pháp căn cơ nhất là cần cải thiện môi trường đầu tư. Cụ thể cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến toàn bộ quá trình đầu tư; rà soát, bãi bỏ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư, kinh doanh; tăng cường thực thi các tiêu chuẩn, quy chuẩn đối với nông sản nói chung để hạn chế hàng giả và sản phẩm nhập lậu, tăng nhu cầu đối với các sản phẩm được chứng nhận.
Bên cạnh đó, các chính sách về đất đai cũng cần được hoàn thiện để các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch ctrong khả năng cho các dự án đầu tư, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu. TS Nguyễn Anh Phong cũng nêu ý kiến rằng cần xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc cho ngành nông nghiệp để thu hút dòng vốn có chất lượng, giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối sản xuất trong nước với chuỗi sản xuất toàn cầu. Trong đó, các tiêu chí cần xây dựng gồm có lao động, công nghệ, chuyển giao công nghệ, tính liên kết, môi trường, quốc phòng an ninh…
Ông Vũ Thanh Liêm cũng cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện và ban hành Đề án thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp đến năm 2030, dự kiến trong tháng 12/2022. Theo đó, sẽ tập tập trung thu hút nhiều hơn các hoạt động đầu tư sử dụng công nghệ cao, kỹ năng và tối đa hoá giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng, tạo ra số lượng lớn việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế giữa các tỉnh, thành và làm nền cho tăng trưởng đầu tư FDI thế hệ mới.
Theo đại diện EuroCham, trước những tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiêm môi trường, các nguồn tài nguyên dần cạn kiệt, làn sóng tiêu dùng xanh ngày càng trở nên phổ biến, việc hướng đến sản xuất xanh trở thành xu thế tất yếu và được xem là một mắt xích trong chiến lược tăng trưởng xanh. Do đó, các thành viên Eurocham mong muốn Việt Nam tăng cường phát triển kinh tế xanh, coi kinh tế xanh là động lực thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện Việt Nam đã thông qua Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh 2021-2030 hướng tới đẩy nhanh quá trình cơ cấu kinh tế để sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm phát thải khí nhà kính bằng ứng dụng công nghệ. Tăng trưởng xanh đi đầu trong phát triển kinh tế bền vững hướng tới nền kinh tế các-bon thấp và làm tăng trưởng vốn tự nhiên. Điều này sẽ góp phần tạo nên tính cạnh tranh của đầu tư tại Việt Nam.
Đại diện EuroCham cũng chỉ ra rằng, EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2022 và giúp các bên tham gia EU và Việt Nam có được sự an toàn về mặt pháp lý, đồng thời nhận diện các rủi ro và hưởng lợi từ các cơ hội mới để phát triển xanh, bền vững. EVFTA và EVIPA (sau khi được các nước thành viên EU phê chuẩn) có tiềm năng thúc đẩy dòng vốn FDI từ các nước châu Âu vào Việt Nam.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng đáng kể nhờ dòng vốn chảy vào và năng suất không ngừng được cải thiện. Nguồn lực đầu tư từ châu Âu có chất lượng hàng đầu và có thể mang lại lợi ích bằng cách giúp phổ biến các công nghệ sạch và thân thiện với môi trường. Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, yếu tố môi trường khi đầu tư sản xuất kinh doanh cũng cần được chú trọng. Chương XIII của EVFTA đã nhấn mạnh nhiệm vụ thiết yếu là tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư đối với các sản phẩm và dịch vụ môi trường.