Liên tiếp lập đỉnh mới Từ đầu năm đến nay, TTCK đã trải qua giai đoạn tăng điểm bền vững và ấn tượng nhất trong nhiều năm qua với liên tiếp các mức đỉnh mới được thiết lập. Kết thúc tháng 6/2017, VN-Index đạt mức 776,47 điểm, tăng 16,8%, HNX-Index đạt 99,14 điểm, tăng 23,7% kể từ đầu năm. Cùng với diễn biến tăng của chỉ số, trong 6 tháng đầu năm, các nhóm ở top đầu cũng có mức tăng trưởng vượt bậc. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tăng trưởng nổi bật nhất thuộc về nhóm dược phẩm (tăng trên 70%) với diễn biến tăng đồng đều ở hầu hết các mã trong ngành nhờ tăng trưởng tích cực ở kết quả kinh doanh, kết hợp với động lực đến từ việc mở room và M&A. Tăng trưởng mạnh thứ hai là ngành nông, thủy sản (tăng 52%) nhờ diễn biến khởi sắc về giá ở các mã cổ phiếu đầu ngành là HAG và HNG. Tiếp đến là ngành bán lẻ (tăng trên 45%) với mức tăng khá đồng đều ở hầu hết các cổ phiếu trong ngành như PNJ, TLG, PET và HAX… nhờ môi trường kinh doanh chuyển biến thuận lợi. Đáng chú ý các ngành vốn hóa lớn có tác động mạnh đến diễn biến chỉ số cũng có diễn biến tích cực trong quý I/2017 như chứng khoán (40%), bất động sản (36%), ngân hàng (31%) và thực phẩm (28%)... Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, kỳ vọng tích cực đối với Chỉ thị 24/CT-TTg và Nghị quyết về nợ xấu đã giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục chinh phục những vùng điểm cao hơn trong tháng 6/2017. Trong xu thế tích cực đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trở thành điểm sáng nổi bật khi khối này mua ròng hơn 2.114 tỷ đồng trên sàn TP.HCM trong tháng 6/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, khối ngoại mua ròng khoảng 9.200 tỷ đồng trên cả hai sàn. Dòng tiền không chỉ đến từ các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài mà còn từ quỹ ETF. Có vẻ như sau khi rút ròng khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam vào năm 2016, tiền nước ngoài đã quay trở lại vào năm 2017. Như vậy, so với mức kỷ lục khối ngoại đầu tư vào chứng khoán năm 2008 với gần 8.000 tỷ đồng sau 7 tháng thì nay mới 6 tháng đã vượt qua mức kỷ lục này. BVSC cho rằng chuyển biến chính trong nội tại cơ bản của TTCK Việt Nam đã khiến khối ngoại quay trở lại xu thế mua ròng trong nửa đầu năm 2017, bất chấp mặt bằng giá cổ phiếu đã ở mức cao hơn trước. Trong đó, có thể kể đến làn sóng niêm yết của các doanh nghiệp vốn hóa lớn trong hơn 1 năm trở lại đây với những cái tên đáng chú ý như PLX, NVL, JVC, SAB, BHN, ACV... và các doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết trong thời gian tới như Techcombank, LienVietPost bank, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Điện lực Dầu khí (PV Power) và Tập đoàn Lộc Trời... Cùng với đó là việc mở room ở một số doanh nghiệp đầu ngành tiêu biểu như VNM và SSI. Có thể nhận thấy đa số các mã cổ phiếu vốn hóa lớn sau khi lên sàn đều được khối ngoại mua ròng mạnh như PLX, NVL, VJC và SAB... Việc các doanh nghiệp vốn hóa lớn lên sàn giúp nhà đầu tư nước ngoài có thêm nhiều lựa chọn khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, cũng là yếu tố giúp TTCK Việt Nam được định giá cao hơn so với trước. Kết hợp với với tiềm năng được nâng hạng, triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như sự khởi sắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp, BVSC cho rằng TTCK sẽ còn tiếp tục thu hút tốt nguồn vốn ngoại trong 2 quý cuối năm. Sẽ đạt đỉnh 900 điểm? Trước các mức đỉnh mới của thị trường, nhà đầu tư dường như trở nên thận trọng hơn khi tổng giá trị giao dịch khớp lệnh giảm lần lượt 19% và 5,4% trên sàn Hà Nội và TP.HCM, tương ứng giá trị giảm tuyệt đối là 839 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Phân tích sâu hơn, các chuyên gia của VDSC nhận thấy cổ phiếu ROS (giảm 625 tỷ đồng, tương ứng 66%) và nhóm vốn hóa trung bình (giảm 187 tỷ đồng, tương ứng 17%) là hai nguyên nhân chính của sự sụt giảm này. Trong trường hợp loại đi ROS, các con số không còn quá tiêu cực. Tuy nhiên, việc thanh khoản không tiếp tục nâng lên cho thấy ở mặt bằng giá hiện tại, bên mua và bên bán đang có sự phân vân nhất định và chưa tìm được tiếng nói chung. Để làm rõ thêm nhận định này, VDSC đã thực hiện thống kê về chênh lệch khối lượng mua – bán. Kết quả cho thấy có tới 12 phiên dư bán trong tháng 6/2017, cao đáng kể so với 3 phiên trong tháng 5/2017. Tuy nhiên, VDSC cũng cho rằng, dựa trên mức tăng 16,8% kể từ đầu năm của VN-Index, nhà đầu tư có thể đã thu được lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ các năm trước, do đó tâm lý thận trọng là bình thường. Các chuyên gia của VDSC cũng cho rằng VN-Index và HNX-Index sẽ dao động trong biên độ hẹp trong tháng 7/2017. Về thanh khoản, khả năng dòng tiền nhàn rỗi sẽ không còn dồi dào trong 6 tháng cuối năm khi mà nhu cầu vốn của nền kinh tế thường cao trong nửa cuối năm, và trường hợp các dự án đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh. Do đó, giá trị giao dịch bình quân trên cả 2 sàn có thể dao động trong khoảng từ 3.200 tỷ đồng đến 3.800 tỷ đồng trong những tháng tới, thấp hơn mức bình quân hơn 4.000 tỷ của quý II/2017. Trong khi đó, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhìn nhận, hiện tại các thông tin kinh tế đều đang rất tốt, đặc biệt là thông tin giảm lãi suất điều hành vào cuối tuần qua. Điều này sẽ hỗ trợ tốt cho thị trường tiếp tục diễn biến tích cực trong các tháng tới. Việc hạ lãi suất sẽ làm giảm chi phí vốn cho DN, kích thích sản xuất kinh doanh mà còn cải thiện dòng vốn đổ vào thị trường. Ông Khánh dự báo, ở điều kiện tốt nhất, VN-Index có thể sẽ lập đỉnh 900 điểm vào cuối quý III sau đó điều chỉnh về mức 750-800 điểm vào cuối năm. Tuy nhiên, ông Khánh cũng lưu ý nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành thu hút được dòng tiền, cơ bản tốt để tránh rủi ro. |