Trong số 13 chi cục hải quan trực thuộc, số liệu tính đến ngày 27/6 cho thấy, chi cục có số thu lớn nhất của Hải quan TP. Hồ Chí Minh là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I (Cảng Cát Lái) thu được 19.466,3 tỷ đồng, đạt 49,28% dự toán và tăng 2.324 tỷ đồng.
Kế đến là Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực III thu được 8.780,2, đạt 48,8% dự toán và tăng 730 tỷ đồng; Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư thu được 9.563,7 tỷ đồng, đạt 41,6% dự toán nhưng giảm 1.574 tỷ đồng so với cùng kỳ 2017.
Một số mặt công tác khác của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng đạt kết quả tích cực như công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, với việc phát hiện 187 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính lên đến 83,6 tỷ đồng; công tác kiểm tra sau thông quan truy thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) 55,1 tỷ đồng; công tác tham vấn tăng thu cho NSNN 107,5 tỷ đồng; công tác thanh kiểm tra phòng chống tham nhũng thu nộp cho NSNN 5,4 tỷ đồng…
Chia sẻ về công tác trọng tâm trong nửa đầu tháng 7/2018, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh đã nêu một số hoạt động chính của đơn vị như sẽ tập trung triển khai Quyết định 4098/QĐ-TCHQ tại Chi cục Hải quan cảng Cát Lái và Kế hoạch 3009/KH-TCHQ về triển khai hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho bãi; tiếp tục chỉ đạo các chi cục tăng cường công tác quản lý đối với hàng phế liệu nhập khẩu đúng quy định pháp luật…
“Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại; triển khai thực hiện chuyên đề kiểm soát rủi ro đối với hàng nhập khẩu có độ rủi ro cao được hệ thống phân vào luồng xanh; chương trình EdocCustoms đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa... và đặc biệt là tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong thông quan hàng hóa…” – ông Đinh Ngọc Thắng cho biết./.
Đỗ Doãn