Theo định hướng Bộ Tài chính đưa ra, kế hoạch thanh tra, kiểm tra tài chính năm 2016 của các đơn vị phải bám sát nhiệm vụ của ngành Tài chính, của địa phương, đơn vị đồng thời phải gắn với việc đảm bảo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần tập trung thanh tra việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước, trong đó chú trọng thanh tra việc triển khai thực hiện các chính sách về miễn, giảm thuế; thanh tra hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các doanh nghiệp có hoàn thuế lớn, hoàn thuế bất thường, các doanh nghiệp hoàn thuế hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền...
Công tác chống thất thu thuế, chống buôn lậu và gian lận thương mại; phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận về thuế cũng phải được tập trung thanh tra, trong đó lưu ý các doanh nghiệp có số thu nộp ngân sách Nhà nước lớn, các doanh nghiệp hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, nợ đọng thuế lớn; các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư kinh doanh bất động sản, sử dụng nhiều đất đai, tài nguyên của quốc gia; các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có dấu hiệu “chuyển giá”; các doanh nghiệp nhập khẩu các mặt hàng có thuế suất cao, giá cả không ổn định...
Trong thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tập trung thanh tra việc bố trí, phân bổ dự toán; quản lý, sử dụng và quyết toán các khoản chi; công tác quản lý, điều hành vốn đầu tư; công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí, hàng hóa cứu trợ phòng chống thiên tai, hỗ trợ người nghèo...
Việc thanh tra, kiểm tra đánh giá tài chính doanh nghiệp sẽ chú trọng vào tính minh bạch của doanh nghiệp trong việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản, trong việc kê khai, nộp ngân sách và hưởng các chính sách ưu đãi về thuế.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị căn cứ vào yêu cầu quản lý và chỉ đạo điều hành của từng cấp, chú trọng xây dựng kế hoạch thanh tra các chuyên đề diện rộng và chuyên sâu, nhằm tống kết, đánh giá toàn diện từ cơ chế quản lý điều hành tới công tác quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí để có những kiến nghị sửa đổi, bố sung chế độ, chính sách và chấn chỉnh quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí.
Riêng đối với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính yêu cầu tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật hải quan đối với doanh nghiệp có hàng hóa xuất nhập khẩu có rủi ro cao như hàng hóa nhập khẩu miễn thuế của các dự án đầu tư; nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu và gia công cho thương nhân nước ngoài; những mặt hàng nhạy cảm, có thuế suất cao; hàng hóa có dấu hiệu gian lận xuất xứ hàng nhập khẩu (C/O); thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng thủ tục hải quan điện tử để xuất khống hàng hóa, gian lận trong hoàn thuế GTGT.
Đặc biệt, trong năm 2016, Tổng cục Hải quan sẽ tập trung kiểm tra trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị trong việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ, quy chế công tác; công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo... nhằm chấn chỉnh kịp thời các hành vi vi phạm kỷ cương, kỷ luật của Ngành.
9 tháng đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã thanh tra, kiểm tra gần 52 nghìn doanh nghiệp. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra khoảng 8,4 nghìn tỷ đồng, đã nộp ngân sách Nhà nước trên 6 nghìn tỷ đồng; giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 16,2 nghìn tỷ đồng; đã thu được trên 24,5 nghìn tỷ đồng số nợ thuế tại thời điểm 31-12-2014. Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.835 cuộc thanh tra sau thông quan, bằng 57% kế hoạch đề ra; xử lý truy thu vào NSNN khoảng 1.189 tỷ đồng, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm 2014. |