Đây là nhận định được Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đưa ra trong báo cáo thị trường chứng khoán tháng 11 vừa mới ban hành. Liệu thời điểm mua đã đến?ịtrườngchứngkhoánCơhộigiảingânsẽđếntrongthánhận định giao hữu Báo cáo của VDSC cho biết, vào ngày 30/10, VN-Index đóng cửa ở mức 889 điểm, giao dịch ở mức P/E 15,7 lần. Trong hai năm qua, thị trường hiếm khi nào giảm sâu xuống dưới mức P/E 15,6 lần. Vì thế, rất có khả năng là VN-Index đã ở ngưỡng hỗ trợ mạnh. Thực tế ở phiên ngay sau đó, VN-Index đã tăng 26 điểm với thanh khoản tăng hơn 25% so với trung bình 10 phiên trước đó. Cũng theo VDSC, dư nợ ký quỹ (margin) trong quý III tăng nhẹ so với quý II/2018. “Mặc dù dư nợ margin đã xung quanh mức 40 nghìn tỷ đồng, nhưng có lẽ áp lực trong thời gian tới sẽ không quá căng thẳng” - báo cáo của VDSC cho hay. Tổng dư nợ cho vay ký quỹ toàn thị trường (tỷ đồng). Nguồn: VDSC. Cùng với đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang có những tiến triển khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các quan chức Mỹ soạn một dự thảo thỏa thuận thương mại. Đây là một cú hích về mặt tâm lý cho thị trường. Trong báo cáo chiến lược tháng 10, VDSC đưa ra quan điểm cơ hội giải ngân sẽ đến trong tháng 11 và điều này có vẻ đang đi đúng hướng. Thị trường sau những đợt giảm quá sâu sẽ luôn có những sự hồi phục, dù khó xác định được chính xác thời điểm. Nhưng nhà đầu tư cần ghi nhớ chỉ số sẽ không tăng thần tốc trở lại theo hình chữ V mà cần nhiều thời gian. VDSC cũng cho rằng, chỉ số sẽ đi lên trong những tuần cuối cùng của năm 2018, khi đó là thời điểm then chốt để các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục. Nhìn xa hơn, “thị trường chứng khoán năm 2019 có thể sẽ còn nhiều khó khăn hơn năm nay, nhưng sau cùng, các thị trường mới nổi tiềm năng vẫn có khả năng thu hút các nhà đầu tư. Mức sinh lời trội hơn của các thị trường mới nổi Latinh như Mexico và Brasil so với các thị trường mới nổi châu Á cho đến thời điểm hiện tại là một minh chứng. Chúng tôi chờ đợi một sự đảo ngược xảy ra vào năm sau” - VDSC nhận định. Ai sẽ là người dẫn dắt thị trường trong thời gian tới? Báo cáo của VDSC cho biết, qua báo cáo kết quả kinh doanh quý III của 20 công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất cho thấy, họ chưa dùng hết hạn mức của mình cho khối tự doanh. Trong khi đó, cơ quan quản lý quy định một công ty chứng khoán chỉ được phép dùng tối đa 70% vốn chủ sở hữu của mình cho nghiệp vụ tự doanh. Trừ các công ty như VCBS, CTS và VIX, các công ty còn lại đều giữ vị thế tự doanh của mình dưới ngưỡng quy định này. Trạng thái của khối tự doanh tại 20 công ty chứng khoán. Nguồn: VDSC. Với chỉ số (Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) + Lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS))/vốn chủ sở hữu trung bình chỉ khoảng 39%, các công ty chứng khoán còn dư địa rất lớn cho hoạt động tự doanh của mình. Tổng vốn chủ sở hữu của 20 công ty này là 49.111 tỷ đồng, ngụ ý rằng, họ có thể đầu tư thêm 31% vốn chủ sở hữu của mình, tương đương khoản đầu tư trị giá 15.230 tỷ đồng. Trong khi đó, báo cáo cuối tháng 9 của các quỹ lại cho thấy một bức tranh nhiều màu về vị thế tiền mặt của mình. Các quỹ dồi dào tiền mặt như VFMVF1, VFF, VCBF-TBF và ENF duy trì lượng tiền tương tương 20% đến 40% tổng tài sản. Trong khi đó, quỹ VOF chỉ có 5,5% tài sản là tiền mặt, còn quỹ VEIL thì còn thấp hơn nhiều theo báo cáo vào ngày 31/10, chỉ 0,7%. Các nhà đầu tư tổ chức với sức ảnh hưởng lớn của mình đối với thị trường vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt. Tuy nhiên, với xu hướng bán ròng liên tiếp của khối nhà đầu tư ngoại và các quỹ ngoại hàng đầu như quỹ VOF và quỹ VEIL đang ở trong vị thế sở hữu rất ít tiền mặt, các nhà đầu tư tổ chức trong nước có thể sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong thời gian sắp tới. Mức độ ảnh hưởng có thể sẽ không quá lớn vì sự e dè vẫn bao trùm thị trường sau 3 phiên giảm sâu của thị trường trong năm nay./.
D.T