Tượng đài Lý Thái Tổ tại Hà Nội.
Theo đó, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 69 tượng đài (hiện có 34 tượng đài và cần xây mới 35 tượng đài). Riêng khu vực trung tâm nội đô lịch sử đến năm 2030 sẽ có 22 tượng đài (hiện có 18 và cần xây mới 4 tượng đài), phân bố tại khu trung tâm chính trị Ba Đình, khu di sản Thăng Long, khu phố cổ, khu phố cũ, khu vực Hồ Gươm và phụ cận, khu vực Hồ Tây và phụ cận.
Khu vực nội đô mở rộng đến năm 2030 sẽ có 7 tượng đài (hiện có 3, cần thêm 4 tượng đài), phân bố tại khu vực Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai. Chuỗi đô thị phía Đông và vành đai 4 đến năm 2030 là 5 tượng đài (hiện có 2, cần thêm 3 tượng đài)…
Trong đó, có 7 dự án ưu tiên xây dựng trong thời gian tới gồm tượng đài An Dương Vương tại Đông Anh, tượng đài danh văn hóa tại Bảo tàng Hà Nội, tượng đài Độc Lập, tượng đài Chu Văn An tại khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An huyện Thanh Trì, hệ thống danh nhân văn hóa tại Hồ Văn trong khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, 5 tượng đài danh nhân mỹ thuật tại 5 đô thị vệ tinh và biểu tượng Hà Nội tại 5 cửa ô vào trung tâm thành phố. Những tượng đài cũ chưa phù hợp sẽ được điều chỉnh, bổ sung một số chi tiết, chuyển đổi vị trí hoặc cải tạo không gian, cảnh quan để hấp dẫn hơn.
Hiện nay, hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội phân bố chưa hợp lý. Đa số tượng đài tập trung ở các quận nội thành, trong khi đó 12 huyện ngoại thành và thị xã Sơn Tây rất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lại chưa có tượng đài nào.
Về vị trí, 50% số tượng đài được đặt tại các công viên, vườn hoa gần khu dân cư; 25% đặt tại các cơ quan.
Bên cạnh đó, Hà Nội mới chú trọng xây dựng tượng đài liên qua đến các lãnh tụ, danh nhân, chưa chú trọng đến sinh hoạt văn hóa của nhân dân.
Theo giáo sư, tiến sỹ, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính: “Cần phải xác định đặc thù về các phương diện lịch sử, phương diện cấu trúc đô thị, cảnh quan xây dựng của Hà Nội để làm cơ sở quy hoạch tượng đài. Đồng thời, phải làm thật rõ tâm thức của người Hà Nội với nghệ thuật hoành tráng. Người Việt Nam không có thói quen hưởng thụ hoành tráng ngoài phố nên không nên bắt chước nhiều phong cách tượng đài của châu Âu. Nền tảng xây dựng quy hoạch tượng đài này phải là văn hóa.”
Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn thành phố Hà Nội chính là một định hướng để xây dựng, cải tạo, bố trí lại hệ thống tượng đài phù hợp với không gian đô thị, mang dấu ấn riêng của Thủ đô.
Vị trí tượng đài, loại hình tượng đài của từng khu vực sẽ được cụ thể sau khi quy hoạch chính thức được thành phố phê duyệt.
Theo TTXVN
4 ngôi chợ lâu đời và thú vị ở Hà Nội