Thời gian gần đây,óngtrongmùadịchCoichừngbịsậpbẫylừbd ý khi dịch bệnh bùng phát, một số đối tượng lợi dụng tâm lý muốn vay tiền nhanh của người dân đã thực hiện các thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng xã hội. Liên quan đến thủ đoạn này, Công an Bình Dương khuyến cáo người dân không nên vay tiền qua các ứng dụng di động (app) trái phép trên không gian mạng. Nếu có nhu cầu vay tiền thì nên liên hệ các tổ chức tài chính được Nhà nước cấp phép hoạt động...
Một nạn nhân của “bẫy” vay tiền qua app trên mạng trình báo vụ việc tại cơ quan công an
“Không vay tiền thì lên làm việc với công an”
Ngày 9-9, bà Vương Hồng C. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là nhân viên của Công ty TNHH dịch vụ tài chính cho vay T.L. Nhân viên này thông báo bà có một khoản vay 80 triệu đồng từ công ty, đồng thời yêu cầu phải chuyển 8 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng cung cấp để được giải ngân. Tuy bà C. không có nhu cầu vay tiền nhưng các đối tượng đe dọa nếu không giải ngân số tiền trên thì khoản vay của bà C. sẽ được chuyển sang Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước giải quyết. Sợ rắc rối, bà C. đồng ý chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng để được “giải ngân”.
Sau nhiều lần bà C. chuyển tiền, các đối tượng đưa ra nhiều lý do khác nhau như sai nội dung, sai số tài khoản… để bà không nhận được khoản vay. Từ ngày 9 đến 11-9, bà C. đã chuyển tổng số tiền 562 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp. Sau khi nạp tiền và đóng các khoản phí do các đối tượng yêu cầu nhưng bà C. vẫn không được nhận khoản vay và số tiền phí đã đóng, nghi ngờ bị lừa đảo, bà đến cơ quan công an để trình báo sự việc.
Tương tự vào ngày 16-9, khi đăng nhập vào mạng xã hội Zalo, chị Nguyễn Lâm Kim T. nhận được tin nhắn của tài khoản có tên Money App hỏi chị có nhu cầu vay tiền không. Do có nhu cầu vay tiền nên chị đồng ý và làm theo hướng dẫn của Money App để được vay số tiền 150 triệu đồng. Sau đó tài khoản Money App gửi cho chị T. đường link đăng ký vào trang Website hướng dẫn Money88. me. Với lý do nhập sai ID và gặp rắc rối trong thủ tục giải ngân, các đối tượng yêu cầu chị T. chuyển tổng cộng hơn 425 triệu đồng vào tài khoản của chúng. Nghi bị lừa đảo, chị T. trình báo cơ quan công an để làm rõ sự việc.
Để chủ động trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm trên, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo người dân không cung cấp thông tin, số tài khoản cá nhân cho các ứng dụng không rõ nguồn gốc, cần tìm hiểu rõ về các ứng dụng cho vay tiền trước khi đồng ý vay. Người vay cần nắm rõ thông tin: “Không có tổ chức tín dụng ngân hàng nào cho vay mà bắt buộc người vay phải đóng tiền để mua bảo hiểm hay đóng số tiền lớn để xác minh cấp mã số nhận tiền”. Khi có nghi vấn, cần kịp thời báo cho cơ quan công an biết để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra. |
Ngoài 2 trường hợp trên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi liên quan đến hình thức vay tiền trên mạng xã hội. Đối tượng bị dụ dỗ vay “nóng” trên mạng đa phần là người lao động có hoàn cảnh khó khăn, cần tiền tiêu dùng cá nhân. Số khác vì tò mò trước tin nhắn dụ dỗ mà “tải thử” các app về tìm hiểu, cái kết cũng trở thành nạn nhân của chiêu lừa “vay tiền qua app” trên mạng vì lòng tham và nhẹ dạ cả tin.
Trao đổi về vấn đề này, thượng tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết: “Qua các tin báo trên chúng tôi nhận thấy các đối tượng có cùng phương thức hoạt động, chủ yếu tự xưng là các tổ chức cho vay tiền nhanh, lãi suất thấp thông qua mạng xã hội Zalo, ứng dụng vay tiền. Chúng đánh vào tâm lý bị hại có nhu cầu vay tiền trong mùa dịch bệnh Covid-19; sau khi đã chuyển tiền thì nôn nóng muốn nhận lại khoản tiền đã đóng; tâm lý lo sợ bị khóa tài khoản do không đồng ý giải ngân số tiền vay... nên hối thúc người vay chuyển càng nhiều tiền càng tốt. Tuy nhiên, sau khi khách hàng thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng thì chúng đưa ra nhiều lý do như sai tài khoản, sai mã số rút tiền, chuyển thêm tiền để nhận mã số rút tiền. Bằng thủ đoạn tương tự các đối tượng đã yêu cầu bị hại chuyển số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng”.
Theo thượng tá Vũ, dòng tiền lừa đảo thường được chia nhỏ, luân chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau. Sau đó thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số hoặc dịch vụ đổi tiền bất hợp pháp tại các tỉnh giáp biên giới Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... để chuyển ra nước ngoài nhanh chóng, khó truy vết, dẫn đến công tác xác minh, điều tra gặp rất nhiều khó khăn.
Vay tiền nóng, thủ tục đơn giản
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại Bình Dương và một số tỉnh, thành trong cả nước, tình hình tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay có nhiều “biến tướng” phức tạp hơn. Nổi lên là các chiêu thức cho vay tiền thông qua các ứng dụng trái phép trên mạng xã hội với nội dung chào mời vô cùng hấp dẫn khiến nhiều người tin tưởng, sập bẫy.
Để rõ hơn vấn đề này, P.V đã đăng nhập vào tài khoản Facebook để tìm hiểu về các app vay tiền. Theo đó, khi biết có người đang “kẹt tiền” muốn vay nóng, thủ tục nhanh gọn, đối tượng đã liên tục gửi những tin nhắn hướng dẫn tải ứng dụng vay tiền về điện thoại. Các đối tượng rất chịu khó đeo bám “con mồi” suốt thời gian dài.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, một số đối tượng đã tạo các ứng dụng hoạt động trái phép và quảng cáo rầm rộ trên các trang mạng xã hội, website để giăng bẫy người dân. Hiện nay, khi đăng nhập vào các tài khoản mạng xã hội, không khó để tìm kiếm một app hay còn gọi là ứng dụng vay tiền với những chào mời hấp dẫn đánh vào tâm lý người lao động, như: Cho vay lãi suất thấp, không gặp mặt, thủ tục cho vay nhanh gọn, giải ngân từ 30 đến 60 phút và nhiều tiện lợi khác…
Trong mùa dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn cần tiền tiêu xài, số khác không có nhu cầu vay tiền nhưng lại nhận được tin nhắn cùng những lời dụ dỗ, như: Lãi suất thấp hơn ngân hàng, thủ tục đơn giản chỉ cần thông tin cá nhân, giải ngân nhanh… nên đã tải app theo hướng dẫn của các đối tượng. Các app trên điện thoại chào mời các gói vay tiền hấp dẫn, chẳng hạn từ 80 đến 150 triệu đồng, đóng phí 10% ban đầu sẽ được giải ngân nhanh chóng khiến “con mồi” sập bẫy…
Trung tá Trần Minh Nhựt, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết: “Nạn nhân ban đầu vì lòng tham và nhẹ dạ đã dễ dàng tin theo. Sau đó vì để lấy lại khoản phí đóng ban đầu đã liên tiếp nộp tiền vào tài khoản cho các đối tượng, thậm chí vay mượn tiền để thực hiện các giao dịch chuyển khoản. Tâm lý muốn nhanh chóng được giải ngân hoặc lo sợ nếu không đóng thêm tiền sẽ bị mất các khoản phí đã nộp vào, đó là lý do vì sao khi nạn nhân trình báo đến cơ quan công an đều cho biết số tiền bị chiếm đoạt cao hơn số tiền muốn vay ban đầu”.
TÂM TRANG