发布时间:2025-01-26 07:22:50 来源:88Point 作者:Cúp C2
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tiến gần đến cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 mà không có bất kỳ thành công rõ rệt nào về chính sách đối ngoại. Đó còn chưa kể tới những cuộc khủng hoảng đang leo thang trên thế giới có nguy cơ hủy hoại những nỗ lực của ông trong hành trình tái đắc cử Tổng thống.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty |
Vì thế, nhiều nhà quan sát cho rằng Tổng thống Trump sẽ đảo ngược xu thế hiện nay bằng những động thái mạnh mẽ với các kết quả khó đoán định. Điều này sẽ khiến 16 tháng trong thời gian đương nhiệm còn lại của ông Trump trở nên "biến động" và bất ngờ hơn bao giờ hết.
Gây sức ép tối đa nhưng chỉ đạt kết quả tối thiểu
Tổng thống Trump đã rút khỏi các thỏa thuận với Nga và Iran song những thỏa thuận tốt hơn mà ông dự tính dường như vẫn rất xa vời. Khả năng Mỹ và Iran ngồi lại đàm phán với nhau vẫn rất mờ mịt trong khi việc thiếu một thỏa thuận hạn chế việc phát triển vũ khí hạt nhân đang khiến cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ trở thành cơn "ác mộng" trên thế giới.
Sau những nỗ lực nhằm lật đổ chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro ở Venezuela và dùng đến cả những lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ, chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa đạt được những mục tiêu như mong muốn.
Thành quả ngoại giao mà Tổng thống Trump tự hào nhất cho tới nay là trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên gặp một nhà lãnh đạo Triều Tiên. Tuy vậy, kết quả này dường như đang ngày càng trở nên "sáo rỗng" khi mà ông Kim Jong Un liên tục cho tiến hành các vụ thử tên lửa.
Tương tự vậy, chiến thắng quân sự đáng kể nhất của ông Trump là xóa sổ hoàn toàn IS ở Iraq và Syria đã bị lu mờ khi báo cáo của Lầu Năm Góc tuần trước cảnh báo IS đã "củng cố khả năng trỗi dậy ở Iraq và đang trỗi dậy tại Syria".
Tại Afghanistan, chính quyền Mỹ tuyên bố tiến gần tới một thỏa thuận với Taliban, "dọn đường" cho một cuộc rút quân lớn của Mỹ vào cuối nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, bạo lực ở quốc gia này vẫn không ngừng gia tăng khi chỉ riêng trong tháng 7 đã có 1.500 dân thường thiệt mạng.
Nhà phân tích Julian Borger nhận định trên trang The Guardian rằng các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại hiếm khi có vai trò chủ chốt trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ song ông Trump luôn tự khắc họa bản thân như một người có khả năng đặc biệt khi có thể thực hiện các thỏa thuận với các nhà lãnh đạo nước ngoài khác và đưa quân Mỹ trở về. Thực tế là một số cuộc khủng hoảng bên ngoài đã có ảnh hưởng trực tiếp đến những vấn đề trong nước của Mỹ. Cụ thể là việc thiếu vắng một thỏa thuận với Trung Quốc như đã hứa hẹn cùng với những màn đáp trả thuế quan và cuộc chiến thương mại đang ngày một leo thang đã trực tiếp "đánh" vào người tiêu dùng và các nhà sản xuất Mỹ.
"Điều đáng nói ở đây là trong mỗi vấn đề này, Tổng thống Trump đều nhìn thấy một lợi ích chính trị trong nước: cứng rắn hơn với Trung Quốc, Iran và Venezuela cũng như cuộc gặp với nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ giúp ông nhận được sự ủng hộ từ các cử tri bang Florida", Ben Rhodes cố vấn chính sách đối ngoại thời cựu Tổng thống Barack Obama nhận định.
"Tuy nhiên, những lợi ích ngắn hạn này sẽ bị ảnh hưởng bởi những lộn xộn dài hạn mà ông ấy đã gây ra", chuyên gia này cho biết.
Đổi hướng chiến lược
Tổng thống Trump dường như nhận thức rõ được bối cảnh hiện tại và ông đang có những điều chỉnh nhất định để xoay chuyển tình hình.
Liên quan đến vấn đề Triều Tiên, thay vì khẳng định con đường ngoại giao với ông Kim sẽ đưa tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân như tuyên bố ban đầu thì chính quyền Tổng thống Trump tập trung nhấn mạnh vào việc Bình Nhưỡng dừng các cuộc thử hạt nhân và tên lửa. Khi Triều Tiên tiếp tục các vụ thử tên lửa tầm ngắn, "giới hạn đỏ" không còn là cấm thử tên lửa nữa mà đã trở thành cấm thử tên lửa liên lục địa. Đó là lý do Tổng thống Trump tuyên bố ông không thấy lo ngại trước các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, đồng thời khẳng định điều này không ảnh hưởng tới thiện chí đàm phán với Bình Nhưỡng của ông.
Trong khi đó, chiến lược "gây sức ép tối đa" chống lại Iran ban đầu được cho là nhằm buộc chính phủ Tehran phải thay đổi cách cư xử trong khu vực, chấm dứt việc làm giàu urani, dừng can thiệp dù là trực tiếp hay qua các lực lượng ủy nhiệm ở Syria, Iraq và Yemen, cũng như thực hiện một thỏa thuận mới với Mỹ sau khi Washington rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký kết hồi năm 2015.
Tuy nhiên, đối phó với chiến lược gây sức ép tối đa của Mỹ, Iran cũng có chính sách "chống cự tối đa" và "đáp trả các hành động thù địch". Gây sức ép tối đa không khiến Mỹ đạt được các mục tiêu với Iran. Tehran từng bước thúc đẩy chương trình hạt nhân, dừng một phần các cam kết trong JCPOA. Nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng trở nên cứng rắn hơn tại vùng Vịnh và từ chối các đề nghị đàm phán của Tổng thống Trump.
Hiện tại, Tổng thống Trump có 2 lựa chọn, đó là chiến tranh và đàm phán. Chiến tranh hay tấn công quân sự sẽ không phải là giải pháp mà ông chủ Nhà Trắng lựa chọn để tạo nên bước chuyển biến trước thềm tranh cử bởi một cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên hay Vịnh Ba Tư sẽ là một thảm họa. Hơn nữa, Tổng thống Trump chính là người quyết định dừng tấn công Iran vào phút chót hồi tháng 6/2019 sau khi Tehran bắn hạ 1 máy bay không người lái của Washington.
Đàm phán vẫn là một giải pháp được ưu tiên hơn. Nhưng đàm phán cái gì và đàm phán thế nào để phá vỡ thế bế tắc hiện nay lại là chuyện khác. Tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên vẫn có chưa có bước đi đột phá. Căng thẳng với Iran ở vùng Vịnh vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thỏa thuận thương mại với Trung Quốc ngày càng trở nên xa vời. Đó còn chưa kể đội ngũ trong chính quyền Tổng thống Trump không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận về các vấn đề này. Ông Trump vẫn còn rất nhiều việc cần giải quyết để tạo nên bước ngoặt đáng kể cho hành trình vào Nhà Trắng năm 2020.
Tổng thống Trump ưa thích việc tạo nên các thỏa thuận. Ông thể hiện sự hứng thú với khả năng diễn ra một Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 3. Nhà lãnh đạo Mỹ gần đây khẳng định ông nhận được một bức thư với "những ngôn từ vô cùng đẹp đẽ" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Do đó, sắp tới Tổng thống Trump có thể sẽ dỡ bỏ trừng phạt một phần để đổi lấy việc Triều Tiên phá hủy một số cơ sở phát triển vũ khí hạt nhân.
Mặc dù Iran từ chối đề nghị đối thoại trực tiếp với Tổng thống Trump song cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 này có thể là cơ hội để hai nhà lãnh đạo Mỹ - Iran gặp nhau. Thay vì đe dọa hay gây sức ép, Tổng thống Mỹ có thể sẽ tìm kiếm một sự trao đổi hợp lý với Tehran dù điều này có thể khiến cố vấn an ninh quốc gia Mỹ với quan điểm cứng rắn John Bolton phản đối.
Một thỏa thuận thương mại từng phần với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng là một khả năng được tính tới.
"Dựa trên những điều Tổng thống tuyên bố, tôi cho rằng ông ấy sẵn sàng cho đi nhiều hơn bất kỳ ai trong đội ngũ của ông ấy trong thời điểm này bởi ông ấy muốn một thỏa thuận. Nhiều khả năng là sẽ có một số thỏa thuận nhỏ được đưa ra vào tháng 9 này", Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án China Power Project tại Trung tâm Nghiên cứu quốc tế chiến lược cho biết.
“Lá phiếu” của Triều Tiên, Iran và Trung Quốc
Tổng thống Trump sẽ nắm bắt những thỏa thuận này và dùng chúng để tạo lợi thế vào Nhà Trắng năm 2020. Câu hỏi đặt ra là liệu Bình Nhưỡng, Tehran hay Bắc Kinh có sẵn sàng hợp tác để tiến tới một thỏa thuận hay không? Điều này rõ ràng phụ thuộc vào việc những nước này sẽ cân nhắc kỹ lưỡng xem họ sẽ có lợi ích gì nếu Tổng thống Trump đắc cử hoặc không.
"Chắc chắn Iran, Trung Quốc và Triều Tiên hiểu rằng bất kỳ điều gì họ làm đều sẽ ảnh hưởng đến cuộc bầu cử... Họ cũng có một lá phiếu", chuyên gia Rhodes nhận định.
Ông Kim Jong Un có lý do để giúp một Tổng thống luôn khen ngợi ông và có thiện chí đàm phán với Triều Tiên như ông Trump nên có thể Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc đến một vài nhượng bộ. Trong khi đó, Iran rõ ràng muốn Tổng thống Trump chỉ dừng chân ở nhiệm kỳ này nên họ sẽ không dễ gì thực hiện một tiến trình ngoại giao đáng kể. Bắc Kinh cũng thể hiện rằng họ không muốn ông Trump tái đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020.
Với chiến lược gây sức ép tối đa, Tổng thống Trump từng đẩy căng thẳng với Iran đến tình thế "bên miệng hố chiến tranh" và sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại toàn diện với Trung Quốc. Tuy nhiên, chiến lược này hiện mới chỉ thu được những kết quả tối thiểu giữa bối cảnh thời gian của Tổng thống Trump không còn nhiều khi mà cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 sắp diễn ra. Rõ ràng, tiếp tục chiến lược gây sức ép tối đa và chờ đợi đối phương nhượng bộ hay mạo hiểm chuyển hướng chiến lược vào phút chót để tìm kiếm những kết quả đột phá sẽ là lựa chọn không dễ dàng với Tổng thống Trump./.
相关文章
随便看看