Như vậy, tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong quý IV/2018 đã được điều chỉnh tăng 0,5% so với báo cáo ban đầu đưa ra hồi tháng 2.
Chính phủ Nhật Bản cũng xác nhận nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đã có sự phục hồi sau một loạt thảm họa thiên nhiên. Mức tăng trưởng này cũng phù hợp với mức dự báo trung bình 1,8% mà các nhà kinh tế thuộc lĩnh vực tư nhân đưa ra.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh GDP tăng trong quý IV/2018 sẽ giúp tăng trưởng GDP thực tế trong cả năm 2018 tăng lên mức 0,8% so với mức trước đó là 0,7%.
Theo dữ liệu của Văn phòng Nội các Nhật Bản, GDP thực tế của nước này trong quý IV/2018 đã tăng 0,5% so với quý trước đó, trong khi chi phí tài sản cố định cũng tăng 2,7%, cao hơn 0,3% so với báo cáo ban đầu trong bối cảnh các nhà sản xuất thiết bị viễn thông và máy móc tăng chi tiêu.
Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân, vốn đóng góp hơn một nửa trong nền kinh tế Nhật Bản, chỉ tăng 0,4%, giảm 0,2% so với báo cáo trước do lương bổng không "rủng rỉnh" khiến các hộ gia đình không dám chi tiêu rộng rãi. Trong khi đó, đầu tư công cộng cũng giảm 1,7%, thấp hơn mức giảm 1,2% được đưa ra trong báo cáo hồi tháng 2.
Xuất khẩu ròng giảm sút trong bối cảnh nhu cầu yếu ớt từ Trung Quốc, cũng đã kéo GDP thực tế giảm 0,3 điểm phần trăm.
Theo nhà phân tích Kazuma Maeda thuộc công ty chứng khoán Nhật Bản Barclays, xuất khẩu yếu kém có thể khiến GDP lại giảm trong quý I/2019, kéo theo việc kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng, dự kiến bắt đầu từ tháng 10 tới.
Dù Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh GDP tăng, song nhà kinh tế trưởng Takeshi Minami tại Viện Nghiên cứu Norinchukin cho rằng, phục hồi kinh tế của Nhật Bản vẫn khá chậm chạp.
Bên cạnh đó, chỉ số mà Văn phòng Nội các vừa công bố cũng khiến các nhà phân tích nghi ngờ về đánh giá của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe rằng nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang trong giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Theo TTXVN