Băn khoăn loại hình chung cư mini
Liên quan đến quy định về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân (Điều 57,ưminisẽpháttriểnrầmrộurartu vs Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi), có ý kiến cho rằng, việc quy định cho bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận cho các căn hộ trong nhà ở nhiều tầng nhiều hộ tại Điều 57 sẽ gây ra tình trạng xây dựng tràn lan "chung cư mini" tại các đô thị lớn, từ đó phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị, gây mất mỹ quan và không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy, không bảo đảm hạ tầng đồng bộ phục vụ cư dân. Do đó, đề nghị không cấp giấy chứng nhận cho từng căn hộ và căn hộ loại này chỉ được cho thuê, công tác quản lý vận hành do chủ nhà ở chịu trách nhiệm.
Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Điều 57, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm đã quy định về loại hình nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của hộ gia đình, cá nhân (chung cư mini) để bán, cho thuê, cho thuê mua. Đây không phải là quy định mới mà đã có từ Nghị định số 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở năm 2005, được luật hóa tại khoản 2 Điều 46 của Luật Nhà ở năm 2014.
Sự xuất hiện và tồn tại của loại hình nhà ở này là để đáp ứng nhu cầu của người dân đô thị khi số lượng nhà ở xã hội chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người lao động có thu nhập thấp. Trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển, tại các đô thị lớn vẫn tồn tại các khu “chung cư mini” được thiết kế, xây dựng dành cho những người có thu nhập trung bình - thấp có công việc hoặc cuộc sống phải gắn liền với đô thị.
Tuy nhiên, quá trình tổ chức thực thi pháp luật và thực tiễn phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua ở nhiều địa phương có tình trạng buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra chặt chẽ, không xử lý kịp thời các sai phạm dẫn đến nhiều hệ lụy, gây quá tải về hệ thống hạ tầng đô thị, các tiện ích phục vụ sinh hoạt và tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, thực tế đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Toàn cảnh phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi chiều 26/10. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội. |
Để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 529/BC-CP ngày 10/10/2023, Ủy ban Thường vụ đề nghị chỉnh lý lại Điều 57 chặt chẽ hơn như: đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân, nếu có từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê thì phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy. Trường hợp cá nhân xây dựng nhà ở từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ, từ 2 tầng và quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự ánđầu tưvà đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở.
Cần nghiên cứu kỹ lưỡng loại hình chung cư mini
Đại biểu Nguyễn Duy Thanh (tỉnh Cà Mau) nhận định, chung cư mini là loại hình nhà ở phù hợp với đối tượng thu nhập thấp. Tuy nhiên, hệ lụy của loại hình nhà ở này cũng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng; cần có các quy định đáp ứng an toàn phòng cháy chữa cháy, đảm bảo công tác quy hoạch, đảm bảo an toàn cho người dân.
Trên thực tế, chung cư mini là loại hình nhà ở rất phổ biến cho các hộ gia đình trẻ, sinh viên, người đi làm tại các thành phố lớn do diện tích vừa phải, giá bán phù hợp với túi tiền, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của hàng triệu người dân.
Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi đã đề xuất loại hình chung cư mini dưới tên nhà ở nhiều tầng, điều này có nghĩa một hộ gia đình cá nhân có thửa đất vài trăm mét vuông có thể xây dựng chung cư mini để bán mà không cần phải thành lập doanh nghiệp; không cần lập dự án đầu tư để thực hiện thủ tục đầu tư theo Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản….Hơn nữa, điều này cũng đặt ra vấn đề về báo cáo nghiên cứu khả thi thiết kế, cơ sở thẩm duyệt, phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy…
“Nếu đưa lại hình này vào Dự thảo Luật nhà ở sửa đổi sẽ dẫn đến chung cư mini sẽ phát triển rầm rộ, không chỉ vấn đề an toàn phòng cháy, chữa cháy, mà còn liên quan đến giải quyết hạ tầng kỹ thuật xã hội như trường học y tếhành chính dịch vụ cho các hộ gia đình chung cư mini sẽ đè nặng tại các đô thị lớn...”, ông Thanh nêu vấn đề.
Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (tỉnh Yên Bái) ủng hộ việc bổ sung hoàn thiện các chính sách để phát triển loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân người dân, bởi loại hình nhà ở này vừa huy động được các nguồn lực xã hội, nhất là của người dân tham gia phát triển nhà ở, vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân lao động, người nghèo, người thu nhập thấp, học sinh, sinh viên khu vực đô thị có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản linh hoạt.
Tuy nhiên, đại biểu Luận cho rằng, quy định tại Điều 57, Dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi chưa thật sự đầy đủ và khó khả thi, đề nghị sửa đổi bổ sung quy định tại điều này theo hướng: Nhà nước tập trung quản lý kiểm soát được quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cấp phép xây dựng, tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn phòng chống cháy nổ… Quá trình giao dịch quản lý sử dụng không phát sinh tranh chấp; đồng thời đơn giản hóa các điều kiện thủ tục hành chính để các cá nhân có quyền sử dụng đất và có tiềm lực tài chínhcó thể dễ dàng tham gia phát triển loại nhà ở này.
“Trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu bổ sung đầy đủ các quy định, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành về phát triển loại hình ở này, nhất là vấn đề liên quan đến bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận quản lý sử dụng”, ông Luận đề xuất.
Còn đại biểu Tạ Văn Hạ (tỉnh Quảng Nam) cho rằng, Dự thảo Luật còn chưa có quy định rõ ràng liên quan đến thời hạn sử dụng nhà chung cư, Dự thảo luật quy định nhà chung cư có thời hạn sử dụng, thời hạn được xác định theo hồ sơ thiết kế và thời hạn sử dụng thực tế. Các kết cấu vật liệu không thể tồn tại, vững bền vĩnh cửu, nên nhà xây dựng phải có thời hạn sử dụng. Thực tế, khi sửa chữa các nhà chung cư cũ, việc xử lý thỏa đáng còn gặp nhiều vướng mắc, rất khó khăn để tập hợp nguồn lực cho việc sửa lại các tòa nhà chung cư.
Đại biểu cho rằng, Dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, nhất quán, rõ ràng, minh bạch: Chung cư cần có thời hạn sử dụng. Với quy định này, người dân sẽ có được đầy đủ thông tin cần thiết khi tham gia giao dịch, chuyển nhượng, mua bán, đảm bảo cao nhất lợi ích của người dân.
Đồng tình với ý kiến của đại biểu Tạ Văn Hạ, song đại biểu Hoàng Văn Cường (TP.Hà Nội) đề nghị cần làm rõ hơn trong Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật này, nếu như không quy định thời hạn sở hữu về nhà chung cư thì trong tương lai không có cách nào để xử lý, có thể trở thành vấn đề gây bức xúc cho con cháu chúng ta. Ông Cường cho rằng, việc quy định sở hữu nhà không thời hạn thì phải trả tiền thuê nhà nhiều hơn là quy định chưa hợp lý, cần quan tâm đến lợi ích chính đáng của người dân.
Đối chiếu vấn đề này được quy định ở Dự thảo Luật Đất đai, đại biểu Cường cho rằng, cần sửa trong Luật Đất đai là việc sử dụng nhà ở, nhà chung cư phải có thời hạn và trả tiền một làn theo thời hạn của chủ công trình. Do đó, chi phí cho đầu tư nhà chung cư thấp đi, sau khi hết thời hạn đó thì cho người dân tái thuê lại, không xảy ra tình trạng bất cập như hiện nay. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định, quy định nhà ở, chung cư phải có thời hạn.
- Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở trong các trường hợp sau đây thì phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, việc đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở:
1) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để bán, cho thuê mua đối với từng căn hộ;
(2) Nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê. Việc bán, cho thuê mua, cho thuê căn hộ này thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về kinh doanh bất động sản; việc cấp Giấy chứng nhận đối với từng căn hộ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
- Cá nhân có quyền sử dụng đất ở theo quy định tại khoản 3 Điều 54 của Luật này xây dựng nhà ở có từ 02 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ mà tại mỗi tầng có thiết kế, xây dựng căn hộ để cho thuê thì việc đầu tư xây dựng nhà ở này phải thực hiện theo quy định sau đây:
(1) Đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để cho thuê theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;
(2) Phải được thiết kế, thẩm duyệt phòng cháy, chữa cháy và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để cho thuê.
- Việc quản lý vận hành nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân được thực hiện theo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành.
- Bổ sung vào khoản 4 Điều 3 nghiêm cấm hành vi: “Phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân trái quy định của Luật này.”.
- Bổ sung quy định chuyển tiếp tại Điều 198 để vừa bảo đảm quyền lợi của người dân, đồng thời xử lý nghiêm minh, không hợp thức hóa các sai phạm trong phát triển loại hình nhà ở này thời gian qua.