Người trẻ tập tuồng Huế “Máu” nghề NSƯT La Thanh Hùng là gương mặt đạo diễn “rất chắc tay” và trực tiếp dàn dựng nhiều vở tuồng tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế. Ông vui vẻ gọi mình là “hàng độc”,úttrảilòngcủanghệsĩtuồbxh nauy vì ở chốn Cố đô này, ông biết được nhiều thứ, ghi nhớ được nhiều thứ và cũng nắm giữ được nhiều bí kíp nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật tuồng Huế. Chẳng vậy mà, dù đã ngoài 50 tuổi, bản thân đang mang bệnh về tim mạch, nhưng trong câu chuyện về tuồng Huế, ông “gieo” vào người đối diện suy nghĩ: "Ông là người được sinh ra để làm tuồng". Diễn viên, đạo diễn, giảng dạy, vẽ mặt nạ tuồng… “vai” nào NSƯT La Thanh Hùng cũng “diễn” tốt và để lại dấu ấn. Ông là “gương mặt thân quen” của nhiều chương trình truyền hình về nghệ thuật tuồng truyền thống. Hỏi về các nguồn thu nhập, ông chỉ cười: “ Thực sự giờ đau nặng chưa chắc đã có tiền chữa bệnh. Nhưng, đời người nghệ sĩ không vì thế mà "nghèo". Hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù như tuồng, chỉ cần được làm nghề thì đã được thỏa mãn rồi. Tôi rất “máu” nghề nên cứ có cảm hứng là thăng hoa, bất kể cuối cùng tiền có nhiều hay ít”. Thuộc thế hệ trẻ, nghệ sĩ Hoàng Hằng cũng là gương mặt tuồng sáng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, đã được phong tặng NSƯT. Năm 2014, tại cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu tuồng toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn tổ chức, Hoàng Hằng được trao huy chương vàng cho vai diễn Tam Bành trong trích đoạn “Nợ trả”. Đến giờ, con đường đến thành quả vàng năm ấy vẫn là kỷ niệm khó quên nhất với Hoàng Hằng. Chị chia sẻ: “Từ một người dáng dấp bình thường, vào vai diễn tôi phải làm cho mình xấu đi, độc ác đi. Lúc đó, cứ như một người bị thần kinh, bất kể đứng, ngồi, bất kể ở nơi đâu, cứ có dịp là cười, là khóc. Tập luyện ròng rã hàng tháng trời, đến độ xuất huyết cả dây thanh quản, bác sĩ không cho nói và hát, nhưng vì đam mê mình cố gắng vượt qua”. Đẹp và có tài năng, nhưng Hoàng Hằng chưa bao giờ nghĩ đến việc làm nghề nơi nào khác ngoài Huế. “Thỏa mãn theo nhu cầu thì không biết mấy cho vừa. Mặc dù đời sống nghệ thuật của Huế không mạnh như nhiều thành phố lớn trong cả nước, nhưng Huế là quê hương, là tình yêu mà mình muốn cống hiến không mệt mỏi. Sự chạnh lòng có chăng là bởi tuồng vẫn còn quá kén khán giả”, NSƯT Hoàng Hằng vui vẻ. Mấy ai hiểu được “Khi cánh màn nhung khép lại rồi/ Chỉ còn hiu hắt nỗi đơn côi/ Xiêm y trả lại cho sân khấu/ Cả những niềm vui lẫn ngậm ngùi…”, NSND Phan Bạch Hạc bắt đầu chia sẻ bằng câu hát nhẹ nhàng. Vào nghề từ năm 17 tuổi, đến nay chị là một trong ba NSND của nghệ thuật truyền thống xứ Huế, đồng thời là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế - nơi hội tụ gần 200 diễn viên, nhạc công hoạt động. Với chị, bao nhiêu thành quả hôm nay có được là nhờ một phần rất quan trọng từ người chồng đã luôn hiểu, thông cảm và đồng hành cùng niềm đam mê của chị. Nhưng, nhiều chị em trong Nhà hát đã không có được sự may mắn ấy. Chị nói: “Nhiều người thấy người nghệ sĩ áo quần chải chuốt là lượt và phấn son đẹp đẽ nên nghĩ họ sướng. Nhưng đó chỉ là vẻ bên ngoài, là hình dáng nhân vật, còn đằng sau sân khấu, người nghệ sĩ phải lao động theo một cường độ rất cật lực. Là nghệ sĩ nữ, sự vất vả, thiệt thòi còn gấp bội phần so với người phụ nữ hoạt động trong ngành nghề khác. Và họ cũng như bao người, luôn mong muốn có cuộc sống gia đình hạnh phúc để được vun đắp cho đam mê theo nghề. Tiếc là mấy ai được trọn vẹn”. Làm nghệ thuật đã khó, với nghệ thuật tuồng lại càng đòi hỏi sự khổ luyện dày công hơn. Để có một vở diễn dài khoảng 20 phút tham dự hội thi, hội diễn, cả tập thể phải tập ít nhất 3 tháng. Tuy là cán bộ viên chức Nhà nước, nhưng cũng là nghệ sĩ nên ngoài phần việc các ngày trong tuần, nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế phải thay phiên nhau làm cả những ngày cuối tuần, tết và mỗi kỳ Festival Huế. Hưởng ứng chương trình mở cửa tham quan Đại Nội về đêm, anh em nghệ sĩ Nhà hát tiếp tục chia đôi lực lượng nghỉ đêm làm để phục vụ du khách. Mọi chế độ lương tiền đều theo quy định của Nhà nước và theo khả năng thực tế của địa phương, vất vả đủ bề nhưng cuối cùng ai cũng mỉm cười vui vẻ, bởi "nghề là duyên phận trời phú, hạnh phúc là được làm nghề". Nói vậy, nhưng NSND Bạch Hạc vẫn chạnh lòng: "Vẫn còn nhiều người chưa hiểu, chưa thông cảm với công việc của một nghệ sĩ và còn xem thường. Đời người nghệ sĩ bao lần hóa thân thành "ông này, bà nọ", cũng oai dũng ngất trời, lộng lẫy kiêu sa, nhưng ấy chỉ là trên sân khấu. Lắm lúc phải cợt đùa mà lòng buồn tê tái. Ai biết được những nhọc nhằn họ phải nếm trải để hoàn thành vai diễn. Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN |